Người đàn ông trên sống ở thành phố Dusseldorf (Đức) nên được các nhà khoa học gọi là bệnh nhân Dusseldorf. Ông phát hiện bị nhiễm HIV vào năm 2008, theo trang tin Daily Mail (Anh).

Cơ thể bệnh nhân Dusseldorf không còn virus HIV và trở thành người thứ ba thế giới được chữa khỏi căn bệnh này

Cơ thể bệnh nhân Dusseldorf không còn virus HIV và trở thành người thứ 3 trên thế giới được chữa khỏi căn bệnh này

SHUTTERSTOCK

Chưa dừng lại ở đó, vào tháng 1.2011, ông tiếp tục được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy, một loại ung thư máu gây rối loạn quá trình tạo ra tế bào bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu. Bệnh tiến triển nhanh nên người bệnh muốn sống phải được điều trị càng sớm càng tốt.

Vào tháng 2.2013, các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Dusseldorf (Đức) và một số nhà khoa học đã thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu (HSCT) cho bệnh nhân Dusseldorf. Phương pháp này có nhiều rủi ro, bắt đầu bằng việc phá hủy các tế bào máu bị bệnh và thay thế bằng các tế bào máu mới. Các tế bào máu mới này có chứa đột biến gien CCR5 có khả năng chống lại HIV. Nhóm điều trị đã lấy nó từ một người hiến tặng.

Sau đó, bệnh nhân Dusseldorf tiếp tục được hóa trị và truyền tế bào lympho, một loại tế bào bạch cầu do hệ miễn dịch tạo ra, từ người hiến tặng. Những tế bào lympho này có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.

Dù đã cấy ghép tế bào gốc nhưng bệnh nhân Dusseldorf vẫn tiếp tục dùng thuốc kháng virus hằng ngày để ngăn virus HIV nhân lên trong cơ thể. Suốt những năm sau, các bác sĩ không phát hiện dấu vết virus HIV trong máu người đàn ông.

Vào tháng 11.2018, hơn 5 năm kể từ ca cấy ghép tế bào gốc, bác sĩ đã yêu cầu bệnh nhân Dusseldorf ngưng uống thuốc kháng virus HIV. Suốt 4 năm sau đó, bệnh nhân được đội ngũ bác sĩ theo dõi sức khỏe chặt chẽ. Họ không tìm thấy dấu vết nào của HIV và khẳng định bệnh nhân Dusseldorf đã khỏi bệnh. Ca bệnh đặc biệt này được chia sẻ trong một bài viết trên chuyên san Nature Medicine.

Các nhà khoa học hy vọng trường hợp của bệnh nhân Dusseldorf sẽ khởi đầu cho những nghiên cứu mới trong tương lai, nhờ đó có thể tìm ra phương pháp điều trị HIV thực sự hiệu quả.

Trước bệnh nhân Dusseldorf, 2 người khác cũng được chữa khỏi HIV bằng phương pháp tương tự là bệnh nhân Berlin và bệnh nhân London.

Bệnh nhân Berlin tên thật là Timothy Ray Brown, sống ở thành phố Seattle (Mỹ). Ông được chẩn đoán nhiễm HIV vào năm 1995 khi còn sống ở thành phố Berlin (Đức), được xác định khỏi HIV vào năm 2011. Tuy nhiên, ông chết vào năm 2020 do ung thư tái phát và di căn đến não, tủy sống. Cũng trong năm 2020, bệnh nhân London, tên thật là Adam Castillejo, cũng được tuyên bố khỏi HIV.

Theo Thanh niên