Cảnh báo nguy cơ khi tăng men gan
Cập nhật lúc 17:50, Thứ hai, 29/07/2024 (GMT+7)
Tăng men gan ở giai đoạn đầu có thể không gây ra triệu chứng rõ ràng khiến người bệnh không phát hiện ra. Tình trạng này kéo dài không được điều trị có thể gây ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe.
Tăng men gan có triệu chứng gì?
Nếu ở giai đoạn đầu khi men gan tăng nhẹ thường không có biểu hiện rõ ràng, bệnh tăng men gan ở giai đoạn này thường tiến triển âm thầm. Người bệnh lúc này thường chủ quan bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo.
Khi men gan tăng cao sẽ có một số triệu chứng như:
- Cảm thấy mệt mỏi và sốt nhẹ.
- Gặp rối loạn về tiêu hóa gây chán ăn, nôn hoặc buồn nôn.
- Nặng hơn nữa sẽ xuất hiện vàng da, vàng mắt – một triệu chứng điển hình nhất khi tăng men gan. Nếu xuất hiện tình trạng này thường bệnh cũng ở giai đoạn đáng báo động.
- Phân có màu nhạt, nước tiểu ít và có màu vàng sẫm, thường gặp trong các trường hợp tăng men gan do tắc mật.
- Ngứa ngoài da: Tình trạng tăng men gan cao có thể dẫn tới chức năng gan suy giảm và độc tố tích tụ trong cơ thể khiến người bệnh bị ngứa ngoài da.
- Khi men gan tăng trong một thời gian dài có thể khiến người bệnh rơi vào trạng thái lơ mơ, giảm tập trung. Lâu ngày dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan.
Tình trạng men gan tăng cao trên 200 UI/L người bệnh sẽ đối diện với nguy cơ bị suy gan cấp và đe dọa đến tính mạng. Tăng men gan nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tăng men gan do đâu?
Để giải quyết vấn đề tăng men gan, người bệnh cần được thăm khám để tìm ra nguyên nhân gây tăng men gan. Có rất nhiều nguyên nhân khiến men gan tăng. Đối với những nguyên nhân gây ra bởi các yếu tố tạm thời thường tình trạng men gan sẽ ổn định lại sau khoảng 2-4 tuần và người bệnh không cần điều trị.
Với các nguyên nhân sau đây, người bệnh bắt buộc phải điều trị y tế:
- Lạm dụng rượu bia: Khi uống quá nhiều rượu bia không chỉ khiến tình trạng men gan tăng cao mà còn làm chức năng gan suy giảm.
- Virus: Người bệnh bị nhiễm virus viêm gan (A, B, C, D, E) và thường gặp nhất là viêm gan B, viêm gan C.
- Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc không rõ nguồn gốc, lạm dụng thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm… làm tăng gánh nặng lên gan và khiến gan bị tổn thương. Bên cạnh đó, tự ý/lạm dụng các loại thực phẩm chức năng có thể làm tăng tỷ lệ viêm gan.
- Chế độ ăn uống không khoa học: Khi cơ thể hấp thụ một phần độc tố trong thực phẩm thông qua đường ăn uống có thể khiến tăng men gan. Có thể gặp trong các trường hợp thực phẩm không đảm bảo vệ sinh: nấm mốc, có chất bảo quản, dư thừa lượng thuốc bảo vệ, có độc tố… Điều này khiến gan hoạt động nhiều hơn để loại bỏ các độc tố và gây ra tình trạng các tế bào gan bị chết, tăng men gan, viêm gan và ung thư gan.
- Một số bệnh lý khác làm tăng men gan như gan nhiễm mỡ, xơ gan, tim mạch, bệnh lý đường mật…
Hạ men gan tăng cao bằng cách nào?
Hạ men gan bằng cách nào? Nếu gặp tình trạng tăng men gan người bệnh cần thực hiện một số phương pháp để giúp hạ men gan như:
- Thay đổi chế độ dinh dưỡng bằng cách uống đủ nước để hỗ trợ quá trình đào thải chất độc của cơ thể hiệu quả hơn. Không uống rượu bia hay các đồ uống có cồn, không sử dụng chất kích thích. Hạn chế các thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ. Nên tăng cường các loại thực phẩm có nhiều vitamin B1, B2, vitamin A… có trong gan động vật, trứng, sữa… Bổ sung vào thực đơn hàng ngày các loại rau xanh, trái cây, nước ép hoa quả
- Duy trì lối sống lành mạnh bằng cách tập thể dục thể thao thường xuyên. Người bệnh nên ngủ đủ giấc, không thức khuya, tránh xa căng thắng, stress trong cuộc sống.
- Khi dùng bất kỳ thực phẩm chức năng hay loại thuốc nào cũng cần có chỉ định của bác sĩ.
- Tiêm phòng vaccine viêm gan đầy đủ.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc khám chuyên khoa theo lịch hẹn của bác sĩ nếu thuộc các nhóm nguy cơ cao. Những người mắc bệnh lý về gan cần thăm khám định kỳ 6 tháng/lần. Nếu tăng men gan được phát hiện sớm việc điều trị sẽ hiệu quả hơn và tránh được các biến chứng sau này.
Theo suckhoedoisong.vn