Phát hiện và xử trí sớm dị tật dính thắng lưỡi sẽ giúp trẻ có cơ hội phát triển ngôn ngữ bình thường như bao em bé khác.
Dính thắng lưỡi là gì?
Dính thắng lưỡi là một dị tật bẩm sinh nhẹ mà bất kỳ trẻ sơ sinh nào cũng có nguy cơ mắc phải. Dính thắng lưỡi xảy ra khi trẻ bị ngắn dây thắng lưỡi (một lớp màng mỏng niêm mạc dưới lưỡi), dẫn đến việc cử động bình thường của lưỡi bị hạn chế.
Dính thắng lưỡi được chia ra làm nhiều mức độ. Dưới đây là các mức độ của bệnh được phân chia dựa theo chiều dài thắng lưỡi:
Mức độ 1: Bệnh ở mức độ nhẹ, chiều dài thắng lưỡi tính từ sàn miệng đến vị trí bám vào lưỡi khoảng 12 - 16 mm.
Mức độ 2: Bệnh ở mức độ trung bình, chiều dài thắng lưỡi từ 8 - 11 mm.
Mức độ 3: Bệnh ở mức độ nặng, chiều dài thắng lưỡi nằm trong khoảng 3 - 7 mm.
Mức độ 4: Chiều dài thắng lưỡi dưới 3mm, trẻ bị dính thắng lưỡi hoàn toàn và gặp nhiều khó khăn trong ăn uống, phát âm…
Để xác định chính xác mức độ của dị tật này, bác sĩ sẽ khám lâm sàng và áp dụng các máy móc chẩn đoán hình ảnh để quan sát rõ hơn hình dạng, cử động của lưỡi.
Dấu hiệu nhận biết trẻ dính thắng lưỡi
Một trong những dấu hiệu điển hình giúp cha mẹ có thể phát hiện sớm con bị dính thắng lưỡi ngay từ khi còn sơ sinh, đó là bé sẽ gặp khó khăn khi bú mẹ, khi bú mẹ phát ra tiếng "tặc, tặc".
Ngoài ra, cha mẹ có thể quan sát thêm, ở những trẻ bị dị tật này, đầu lưỡi của các bé sẽ chẻ hình trái tim khi đưa ra ngoài.
Bên cạnh đó, những bé bị dính thắng lưỡi sẽ không thể đưa lưỡi ra khỏi hàm dưới quá 1-2mm và không thể cong lưỡi lên chạm tới vòm.
Vì sao dính thắng lưỡi gây chậm nói?
Do vận động của lưỡi kém linh hoạt, khó khăn trong việc uốn cong hoặc đưa lưỡi ra phía trước, nên chức năng phát âm của trẻ bị ảnh hưởng trực tiếp. Mắc tật này nếu không can thiệp sẽ dẫn đến khó khăn trong việc phát âm các âm tiết quen thuộc như: t, l, ch, d, r… Nếu để tình trạng này kéo dài, trẻ rất có thể bị chậm nói so với lứa tuổi. Nguy hiểm hơn, điều này sẽ là một chướng ngại lớn đối với các em ở độ tuổi đi học, bởi phát âm không chuẩn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả học tập của trẻ.
Thậm chí, nhiều bé nói ngọng bị trêu chọc nên dần trở nên khép kín, rụt rè. Các bé gặp khó khăn khi phát âm do cử động lưỡi bị hạn chế lâu dần sẽ nảy sinh tâm lý sợ nói, không muốn giao tiếp. Tất cả những điều này hoàn toàn không tốt cho sự phát triển tâm lý của các em.
Không chỉ vậy, dính thắng lưỡi khiến cử động lưỡi kém linh hoạt, dẫn đến tình trạng trẻ gặp khó khăn khi bú mẹ, bú bình rất chậm, thường cáu gắt và khóc vì không bú được. Do đó, trẻ thường chậm tăng cân hoặc không tăng cân.
Ngoài ra, trẻ bị dính thắng lưỡi trong giai đoạn mọc răng có thể gây nghiêng răng cửa dưới hoặc có khe hở giữa hai răng cửa hàm dưới, ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ.
Cắt thắng lưỡi khắc phục tình trạng chậm nói
Hiện nay, cắt thắng lưỡi là phương pháp điều trị dứt điểm dính thắng lưỡi, chặn đứng các hậu quả xấu mà dị tật này mang lại, trong đó có chậm nói. Quy trình cắt thắng lưỡi ở trẻ diễn ra khá đơn giản, không hề gây nguy hiểm hay đau đớn. Tuy nhiên, cha mẹ cần phải lựa chọn cơ sở y tế uy tín với hệ thống cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị y tế đảm bảo để cuộc phẫu thuật diễn ra thuận lợi, an toàn.
Trong điều kiện sức khỏe bình thường, trẻ sơ sinh nếu bị dính thắng lưỡi nặng (độ 3, độ 4) có thể thực hiện phẫu thuật từ lúc 2-3 tháng tuổi. Cha mẹ cần lưu ý: Nên cắt thắng lưỡi cho con càng sớm càng tốt để tránh những hệ lụy không đáng có.
Hiện nay, cắt thắng lưỡi ứng dụng công nghệ laser giúp cầm máu ngay trong quá trình làm thủ thuật sẽ khiến trẻ không cảm thấy đau và khó chịu. Các em có thể ra về trong ngày và sử dụng thuốc giảm đau thông thường, có thể uống sữa lạnh, ăn nhẹ hay bú mẹ sau cắt 30 phút.
Các bé được theo dõi tại phòng và có thể ăn uống bình thường sau cắt
Khi thấy trẻ có dấu hiệu dính thắng lưỡi, cha mẹ có thể đưa con tới khám tại Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn. Tại đây, đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm sẽ trực tiếp thăm khám và tiến hành thủ thuật cho các bé, cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại đạt chuẩn sẽ đem tới chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp và hiệu quả điều trị cao.
Theo suckhoedoisong.vn