Đôi mắt của con người là cơ quan có cấu tạo rất tinh vi, phức tạp, đảm trách một trong những chức năng quan trọng nhất là nhìn. Thị lực bình thường giúp con người có thể nhận thức rõ môi trường xung quanh, một cách chi tiết và chuẩn xác. Thị lực kém sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống, gây ra không ít những hệ lụy cho sinh hoạt, học tập cũng như sức khỏe của trẻ.

Bên cạnh các nguyên nhân bệnh lý như: bệnh lý của kết - giác mạc, đục thủy tinh thể, glôcôm,... trong các vấn đề về thị lực ở trẻ em thì tật khúc xạ là tình trạng thường gặp và phổ biến nhất.

Các dấu hiệu cảnh báo thị lực kém ở trẻ

Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Đức Anh, trừ trường hợp thị lực rất kém khiến trẻ không nhìn rõ mọi vật, dẫn đến biểu hiện đi đứng dễ vấp ngã, hay nhìn nghiêng, nhìn hiếng, nheo mắt,… cha mẹ có thể dễ dàng nhận ra những bất thường để đưa con đi thăm khám điều trị, còn các trường hợp thị lực kém thông thường thì đa phần được phát hiện khá muộn, thường là khi trẻ đến tuổi đi học. Lý do là vì các dấu hiệu cảnh báo thị lực kém ở trẻ thường mờ nhạt, không rõ và trẻ ở độ tuổi này thậm chí cũng chưa ý thức được thế nào là nhìn kém.

photo-1664779349344

Thị lực kém có thể gây ra rất nhiều vấn đề, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ

"Đối với một đứa trẻ chưa đến tuổi đi học, thế giới của trẻ là thế giới nhìn gần, nếu có ra ngoài nhìn xa thì cũng không nhìn chi tiết, và đặc biệt không so sánh với ai nên có khi nó bị thị lực kém nó cũng không biết để nói với bố mẹ", PGS.TS.BS. Nguyễn Đức Anh cho biết. Chính vì vậy, trẻ ở lứa tuổi chưa đi học rất khó phát hiện được thị lực kém. Bố mẹ phải rất tinh ý quan sát thì mới có thể phát hiện được từ những dấu hiệu như khi con xem TV thường phải lại gần, hoặc phải nheo mắt.

Đối với trẻ lớn đến tuổi đi học mới có thể tự nhận biết, hoặc do có sự so sánh với trẻ khác khiến trẻ nhận ra rằng mình không nhìn rõ bảng, bị mỏi mắt, chảy nước mắt khi cố nhìn. Tình trạng này nghiêm trọng hoặc kéo dài thậm chí có thể gây đau đầu, nhức mỏi mắt. Các dấu hiệu thị lực kém ở trẻ đôi khi cũng có thể do cô giáo hoặc phụ huynh phát hiện ra, chẳng hạn từ biểu hiện như nheo mắt khi đọc hoặc viết bài, thường xuyên chép bài của bạn, một số trường hợp học kém, không chịu học, học không tập trung, do không nhìn rõ nên không thích học.

Đặc biệt đối với các trường hợp trẻ bị viễn thị, mắt phải điều tiết nhiều càng gây mỏi mắt, chảy nước mắt, đau đầu, nhìn 1 thành 2, lâu dần sẽ khiến mắt bị lác, giảm thị lực, bị nhược thị, ảnh hưởng độ tập trung, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến chất lượng cuộc sống sinh hoạt và học tập của trẻ,

Tật khúc xạ nếu không phát hiện sớm để điều chỉnh và điều trị kịp thời, nguy cơ ảnh hưởng thị lực rất cao, làm giảm thị lực, hoặc gây ra tình trạng nhược thị, giảm thị lực một mắt, lác mắt, nhất là ở những trẻ có tật khúc xạ cao, tật khúc xạ chênh lệch hai mắt.

Cách nào giúp trẻ cải thiện thị lực

PGS.TS.BS. Nguyễn Đức Anh khuyến cáo các bậc phụ huynh: "Để phát hiện sớm tật khúc xạ, đề phòng hậu quả lâu dài ảnh hưởng cuộc sống sinh hoạt, cha mẹ phải quan tâm chú ý xem mắt con nhìn như thế nào, có biểu hiện bất thường không, chẳng hạn như nhìn nghiêng, lệch bên đầu, ngoẹo đầu, mắt lệch vào trong hay ra ngoài, mỏi mắt, chảy nước mắt, đau đầu,… Khi có bất kỳ biểu hiện nào thì nên cho trẻ đi thăm khám. Ngay cả khi không có các biểu hiện đó thì cũng nên đi khám kiểm tra đơn giản để bác sĩ đánh giá, bởi có những bệnh trẻ con nó không tự nhận biết để nói cho mình biết được."

photo-1664779353380
 

Trẻ đến thăm khám, kiểm tra thị lực tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2

Cụ thể, PGS.TS.BS. Nguyễn Đức Anh cho rằng khi trẻ không có biểu hiện gì bất thường cha mẹ cũng nên cho con đi khám sàng lọc, kiểm tra mắt sơ bộ ở giai đoạn trước tuổi đi học, sớm nhất có thể từ khi 1 tuổi. Còn những trường hợp đã có dấu hiệu thì càng cần đi khám chuyên khoa, để nếu có tật khúc xạ thì được kê đơn kính, điều trị thích hợp. Trẻ có thị lực kém nếu được khám và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ nhược thị, lác.

Đối với những trẻ có tật khúc xạ khi đã được khám cho đơn kính thì tùy theo tình trạng mắt, tùy theo tật khúc xạ mà bác sĩ sẽ có hướng dẫn chăm sóc phù hợp. Về cơ bản cần lưu ý trẻ một số điều sau:

- Không chơi điện tử, xem điện thoại quá nhiều.

- Ngồi học, đọc sách hay học trên máy tính, không nhìn gần quá, khoảng cách phù hợp 30cm.

- Ngồi học trong môi trường đủ ánh sáng.

- Tăng thời gian sinh hoạt ngoài trời để mắt được nhìn xa, giảm điều tiết.

- Đặc biệt trong trường hợp trẻ phải học trên máy tính thì ngoài thời gian học không dùng máy tính, điện thoại vào các việc khác. Tốt nhất không dùng điện thoại màn hình nhỏ, chọn máy tính có kích thước màn hình phù hợp. Cách khoảng 20-30 phút cho mắt nghỉ ngơi bằng cách nhìn xa cho mắt giảm điều tiết, bởi việc dùng máy tính liên tục sẽ khiến mắt mỏi khô, khó chịu.

* Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi Bệnh viện Mắt Hà Nội 2

Theo suckhoedoisong.vn