leftcenterrightdel
 Bệnh nhân chờ điều trị tại một bệnh viện ở Seoul ngày 1/4. Ảnh:Yonhap.

10 năm trước, ông Kim Sung-ju được chẩn đoán mắc bệnh ung thư thực quản. Căn bệnh này ảnh hưởng đến dây thanh quản và khiến ông không thể nói được trong một thời gian dài.

Thế nhưng, kể từ khi bác sĩ thực tập bắt đầu đình công để phản đối kế hoạch tuyển sinh của Chính phủ Hàn Quốc, ông Kim nghĩ rằng mình buộc phải lên tiếng, đòi lại công bằng cho bệnh nhân - những người nằm không cũng "trúng đạn" vì trận chiến này.

"Chính phủ và Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc cứ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, trong khi bệnh nhân chúng tôi mới là người phải chịu đau đớn và hy sinh cho cuộc chiến của họ", ông Kim bất lực.

Khi mang bệnh trong người và cần điều trị, với những bệnh nhân, không điều gì bất lực hơn là nhận lại cái lắc đầu từ chính những người thầy thuốc.

Tiếng than bất lực

Tháng 3 vừa qua, ông Kim cùng nhiều bệnh nhân khác đứng lên kêu gọi chính phủ và các bác sĩ thực tập "ngừng đấu đá nhau trên cơ thể của những bệnh nhân sắp chết".

Ông Kim gọi tình trạng của ngành y Hàn Quốc hiện tại là sự bế tắc khó tin, làm xấu hổ danh tiếng của ngành y Hàn Quốc - nơi từng được đánh giá là có hệ thống dịch vụ y tế hàng đầu.

Bác sĩ thực tập đình công, giáo sư nghỉ việc, cơn khủng hoảng ở bệnh viện Hàn Quốc hơn một tháng qua vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, mà thậm chí trở nên nặng nề hơn.

Tiếp bước bác sĩ thực tập, Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc cũng mới thông báo các bác sĩ ở phòng khám tư nhân sẽ giảm giờ làm xuống còn 40 giờ/tuần kể từ ngày 1/4. Việc điều trị ngoài giờ hành chính ở các bệnh viện, phòng khám tư cũng sẽ ít hơn.

leftcenterrightdel
 Bệnh nhân mòn mỏi chờ đến lượt khám vì bác sĩ thực tập nghỉ việc hơn một tháng nay vẫn chưa quay lại làm việc. Ảnh:Yonhap

Bệnh viện lớn cũng giảm đặt lịch khám ngoại trú ở một số khoa kể từ đầu tháng 4. Ví dụ ở Trung tâm Y tế Samsung, bác sĩ sẽ không nhận lịch hẹn của những bệnh nhân lần đầu khám bệnh. Số ca phẫu thuật giảm từ 220 ca mỗi ngày xuống còn 100 ca, nhiều ca phẫu thuật hiện đã bị hoãn, theo Hankyoreh.

Khoa cấp cứu của Trung tâm Y tế Ansan cũng thông báo ngừng điều trị cho bệnh nhân đột quỵ. Trong khi đó, Bệnh viện St. Mary thông báo phòng cấp cứu sẽ không thể tiếp nhận những bệnh nhân không nguy kịch.

Do bác sĩ nghỉ việc, bệnh viện quá tải, bệnh nhân Hàn Quốc rơi vào tình trạng "sống dở chết dở".

Sáng 1/4, Chosun Daily đưa tin một bé gái 33 tháng tuổi ở tỉnh Chungcheongbuk tử vong do không được bệnh viện cấp cứu kịp thời.

Ngày 30/3, em bị rơi xuống một vũng nước sâu gần 1 m. Ban đầu, em được đưa đến một bệnh viện gần nhà để cấp cứu. Trong thời gian này, phía bệnh viện tiếp tục liên hệ với 11 bệnh viện đại học ở Chungcheong và Kyunggi.

Tuy nhiên, hầu hết bệnh viện đều từ chối tiếp nhận cấp cứu do thiếu nhân viên y tế và giường bệnh, một số nơi nói tình trạng của bé gái không nên chuyển viện. 3 giờ sau khi được cấp cứu, bé gái vẫn không thể qua khỏi. Em tử vong vào khoảng 19h40 theo giờ địa phương.

Chính phủ có ý nhượng bộ

Cũng trong ngày 1/4, Yonhap đưa tin Tổng thống Yoon Suk Yeol ra lời kêu gọi các bác sĩ đưa ra một đề xuất thống nhất và thích hợp về việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y.

Theo đó, ông nói rằng chính phủ sẵn sàng đàm phán, dù họ vẫn tin rằng mức tăng 2.000 chỉ tiêu mỗi năm là hợp lý và ở mức tối thiểu.

leftcenterrightdel
Tổng thống Yoon Suk Yeol kêu gọi bác sĩ thực tập trở lại làm việc và cùng đàm phán vấn đề tuyển sinh. Ảnh:Yonhap
 

"Các bác sĩ đưa ra đủ con số, người thì nói chỉ nên tăng 350 chỉ tiêu, người thì nói tăng 1.000 nhưng lại không có cơ sở gì", Tổng thống Yoon Suk Yeol nêu vấn đề, đồng thời kêu gọi các bác sĩ thực tập trở lại bệnh viện để tránh nguy cơ bị đình chỉ giấy phép.

Cũng trong phát biểu này, ông Yoon cho rằng dù tăng thêm 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh, phải đến 10 năm sau đó các bác sĩ mới có thể gia nhập lực lượng lao động.

Hiện, Hàn Quốc có khoảng 115.000 bác sĩ. Ông Yoon dự tính giả sử mỗi năm tăng 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh thì đến năm 2045, Hàn Quốc mới chỉ có thêm 20.000 bác sĩ có thể hành nghề.

Vị tổng thống tin rằng việc cải cách kế hoạch tuyển sinh là vì người dân vì khi lực lượng y tế tăng lên, người dân sẽ được điều trị phù hợp và kịp thời.

Trước lo ngại thu nhập của bác sĩ sẽ giảm trong tương lai, ông Yoon Suk Yeol khẳng định chuyện đó sẽ không xảy ra. Lý do là trong 20 năm tới, số lượng bác sĩ chỉ tăng 20.000 người, nhưng thu nhập và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân sẽ tăng rất nhiều.

"Nếu cộng đồng y tế muốn tranh luận về việc giảm quy mô tuyển sinh, họ chỉ nên đưa ra đề xuất thống nhất, có cơ sở khoa học rõ ràng chứ không nên đình công tập thể. Nếu họ đưa ra giải pháp hợp lý hơn, chúng ta có thể thảo luận bất cứ lúc nào", tổng thống nhấn mạnh trong bài phát biểu dài 50 phút.

Theo lifestyle.znews