Theo Phân loại bệnh tật quốc tế (ICD) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố, kiệt sức là một hiện tượng nghề nghiệp, không phải là một tình trạng bệnh lý, “do căng thẳng mãn tính tại nơi làm việc mà không được kiểm soát thành công”. “Các triệu chứng điển hình bao gồm mệt mỏi về thể chất và cáu kỉnh liên tục. Như tên gọi, kiệt sức thầm lặng ít được chú ý hơn và tiến triển chậm hơn so với kiệt sức thông thường và do đó thường bị bỏ qua. Những người mắc bệnh thường kìm nén các triệu chứng, không muốn thừa nhận rằng có điều gì đó không ổn. Họ cố gắng duy trì vẻ bề ngoài của một người có thành tích cao và có cuộc sống viên mãn” - nhà tâm lý học Brigitte Bösenkopf cho biết.

leftcenterrightdel
 Tình trạng kiệt sức thầm lặng thường không được nhận ra cho đến khi quá muộn - Ảnh minh hoạ: Annette Riedl (dpa)

Loại kiệt sức ẩn này đặc biệt nguy hiểm vì những người mắc bệnh vẫn tiếp tục như trước và những khó khăn họ phải đối mặt khó nhận ra hơn. Đó là lý do tại sao việc chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo tinh tế lại quan trọng đến vậy, theo Christina Jochim - Phó chủ tịch quốc gia của Hiệp hội các Nhà trị liệu tâm lý Đức (DPtV).

Bà Christina Jochim cảnh báo: kiệt sức, dù ở dạng nào, cũng có thể là yếu tố nguy cơ gây ra bệnh trầm cảm lâm sàng và bệnh tim mạch. Theo bà Bösenkopf, tình trạng kiệt sức thường xảy ra với những người nghiện công việc, những người vượt quá giới hạn của mình và bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo. Họ sẵn sàng giúp đỡ người khác và bỏ qua nhu cầu của chính mình. Mặc dù cả 2 dạng kiệt sức thường là kết quả của căng thẳng kéo dài, các triệu chứng và tiến triển của chúng lại khác nhau. Các triệu chứng của kiệt sức thầm lặng thường là dễ cáu kỉnh, lo lắng, thiếu kiên nhẫn và xung đột hơn. Nhưng một triệu chứng thường gặp hơn ở chứng kiệt sức thầm lặng là tăng độ nhạy cảm với kích thích giác quan. Người bệnh thấy khó chịu với tiếng ồn, ánh sáng chói và tránh tiếp xúc với người khác.

Theo bà Christina Jochim, vì người bệnh thường kìm nén tình trạng kiệt sức âm thầm của mình cho đến khi quá muộn, nên điều quan trọng là những người xung quanh họ phải nhận ra một số dấu hiệu cảnh báo nhất định.

Dấu hiệu chính là thiếu ngủ, đặc biệt là do rối loạn giấc ngủ - thức. Ngủ kém có thể dẫn đến cáu kỉnh và lo lắng vào ngày hôm sau. Bên cạnh đó, sự hoài nghi và mỉa mai không bình thường cũng là dấu hiệu. Người bệnh cũng cảm thấy ngày càng mệt mỏi, mắc lỗi thường xuyên hơn và bị mất trí nhớ. Một dấu hiệu cảnh báo khác là rút lui khỏi các hoạt động xã hội, ví dụ như tránh tiếp xúc với người khác. Việc cười ít hơn ở nơi làm việc cũng nên được hiểu là dấu hiệu của các vấn đề.

Theo Jochim, kiệt sức là một nhóm các triệu chứng thường xuất hiện cùng nhau. Tuy nhiên, nó có thể gây ra nguy cơ nghiêm trọng đối với chứng trầm cảm. “Nó có thể ảnh hưởng xấu đến hệ thống tim mạch, dẫn đến huyết áp cao và các tình trạng liên quan đến tim khác. Việc thiếu tập thể dục thường đi kèm với tình trạng kiệt sức, có thể khiến người bệnh bị thừa cân và phát triển các vấn đề sức khỏe khác. Các vấn đề xã hội và nghề nghiệp cũng có thể phát sinh, chẳng hạn như mất việc làm hoặc mất bạn bè”.

Nhà tâm lý học Brigitte Bösenkopf cho rằng, nếu bạn nhận ra mình bị kiệt sức thầm lặng thì điều quan trọng là phải coi trọng các dấu hiệu cảnh báo, chẳng hạn như thiếu ngủ, mệt mỏi và thường xuyên mắc lỗi. Bạn không nên cố gắng kìm nén, vì điều này có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Trò chuyện với mọi người và yêu cầu giúp đỡ là những bước đầu tiên hướng tới sự phục hồi. Nếu cảm thấy tình trạng ngày càng tệ, nên tìm kiếm sự trợ giúp từ các nhà chuyên nghiệp. “Trong giai đoạn đầu của tình trạng kiệt sức, các cách giảm căng thẳng, liệu pháp trò chuyện và điều chỉnh thái độ có thể giúp ích rất nhiều. Nhưng bạn càng đợi lâu thì tình hình sẽ càng khó khăn hơn và các triệu chứng về thể chất có thể xuất hiện. Vì thế, bạn cần tìm kiếm sự giúp đỡ sớm để tránh tình trạng bệnh kéo dài” - bà nói.

Theo phụ nữ TPHCM