Bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Tấn Đức - Trưởng khoa Thận Niệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết, những trẻ đến trễ thường ở lứa tuổi dậy thì. Trẻ mới lớn, lại bị đau ở vùng nhạy cảm nên giai đoạn đầu khởi phát bệnh, trẻ có tâm lý ngại ngùng, chịu đựng chứ không nói với cha mẹ. Đến khi cơn đau dữ dội, tinh hoàn sưng tấy, không chịu nổi mới nói ra thì đã trễ. Mặt khác, trẻ cũng nói với cha mẹ nhưng người lớn cũng e ngại, chần chừ trong việc đưa con đến bệnh viện.

Mới đây, bệnh viện phải xử lý cắt bỏ tinh hoàn cho em T.T.P. - 13 tuổi, ở tỉnh Bình Dương - bị xoắn tinh hoàn phải. Theo bệnh nhi, vài ngày trước, vừa ngủ dậy em cảm thấy đau nhói vùng bìu, cơn đau lan xuống đùi phải. Em cố gắng chịu đựng chứ không nói với cha mẹ. Cho đến khi cơn đau ngày một nhiều, cơ quan sinh dục sưng to, đi lại khó khăn, em được gia đình đưa vào bệnh viện thì đã trễ.

nếu đến bệnh viện ngay từ khi xuất hiện những cơn đau ban đầu thì có thể xử trí kịp thời, giữ lại tinh hoàn
Nếu trẻ đến bệnh viện ngay từ khi xuất hiện những cơn đau ban đầu thì có thể xử trí kịp thời, giữ lại tinh hoàn - Ảnh minh họa (Internet)

 

Mặc dù bác sĩ phát hiện ngay em P. bị xoắn tinh hoàn, lập tức phẫu thuật cấp cứu, nhưng thời gian xoắn tinh hoàn đã hơn 2 ngày, tinh hoàn bị hoại tử nên buộc phải cắt bỏ. Bác sĩ Phan Tấn Đức cho biết, những trường hợp như em P. nếu đến bệnh viện ngay từ khi xuất hiện những cơn đau ban đầu thì có thể xử trí kịp thời, giữ lại tinh hoàn.

Theo nhiều nghiên cứu, bệnh nhân xoắn tinh hoàn được phát hiện sớm và điều trị trong 6 giờ đầu (tính từ khi bệnh khởi phát) thì tỉ lệ hồi phục chức năng tinh hoàn hầu như là 100%; phát hiện trong khoảng từ 6-12 giờ tỉ lệ cứu tinh hoàn là 50%; trong khoảng 12-24 giờ là 20%; trên 24 giờ sẽ không cứu được tinh hoàn. “Đáng tiếc, đa số trẻ bị xoắn tinh hoàn đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu thường sau 24 giờ. Lúc này, tinh hoàn đã hoại tử, buộc phải cắt bỏ” - bác sĩ Phan Tấn Đức cho biết.

Đến nay, chưa biết nguyên nhân chính xác gây xoắn tinh hoàn ở trẻ em. Tuy nhiên, một số trẻ gặp cấu trúc bất thường của tinh hoàn lúc mới sinh với dây treo tinh hoàn dài, hoặc có các vấn đề về cấu trúc làm cho tinh toàn dễ bị xoắn hơn. Xoắn tinh hoàn cũng có thể xảy ra khi trẻ chơi các môn thể thao đối kháng mạnh, hoạt động thể chất nhiều, di chuyển nhanh đột ngột. Khi trẻ bị các chấn thương vùng bìu cũng làm tăng nguy cơ bị xoắn tinh hoàn.

Xoắn tinh hoàn được xem là tình huống cấp cứu. Do đó, cha mẹ cần lưu ý nếu thấy các bé trai than đau nhức bìu 1 bên đột ngột và dữ dội, thường vào ban đêm, sưng đỏ bìu, buồn nôn, nôn ói, có thể kèm đau vùng bụng thấp. Một số trẻ bị đau bụng hạ vị lệch trái hoặc phải trước, sau đó mới xuất hiện triệu chứng đau bìu. Đặc biệt, lúc nửa đêm hoặc sáng sớm, khi trẻ than đau, cha mẹ nên quan sát hoặc hỏi trẻ có đau bìu cùng bên hay không, tránh bỏ sót tình huống trẻ bị xoắn tinh hoàn. Khi nghi ngờ con bị xoắn tinh hoàn, cha mẹ hãy lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế. Mất tinh hoàn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của trẻ.

Nếu trẻ đã phải phẫu thuật cắt bỏ 1 bên tinh hoàn, phụ huynh cần phân tích cho con hiểu nên hạn chế chơi các môn thể thao đối kháng, giảm nguy cơ chấn thương, bảo vệ tinh hoàn còn lại, động viên, chia sẻ, tránh để trẻ bị ảnh hưởng tâm lý cũng như các rối loạn về sức khỏe tâm thần.

Theo phụ nữ TPHCM