Chúng tôi trao đổi với tiến sĩ - bác sĩ Đinh Thạc, Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, nhằm giúp các bậc cha mẹ cùng nhìn lại, rút ra bài học sâu sắc, nhận biết các dấu hiệu tâm lý của bản thân để điều trị kịp thời.

Khi trẻ trở thành nạn nhân

Phóng viên: Thưa bác sĩ, ông có hay gặp các trường hợp phải điều trị tâm lý cho cả trẻ lẫn phụ huynh do hậu quả của sự bạo hành gây ra không? 

leftcenterrightdel
 

Tiến sĩ - bác sĩ Đinh Thạc: Năm 2021, Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận trị liệu tâm lý khoảng 20 trẻ em liên quan tới bạo hành. Trong đó, có hai trường hợp điển hình do tôi điều trị cho cả cha mẹ lẫn bệnh nhi. 

Đó là nữ sinh cấp III tên P.T.L.A., ngụ tại tỉnh Đồng Nai. Ba mẹ của A. ly hôn, A. ở với ba. Sau đó, cả ba mẹ em đều có bạn đời mới. A. được ba đưa đến khám vì có ý định tự tử. Khi tiếp xúc, tôi ghi nhận bệnh nhi bị trầm cảm nặng. Qua điều tra bệnh sử, tôi biết nguyên nhân gây ra sự việc chính là em hay bị ba đánh. Bởi ông muốn chứng tỏ với vợ cũ rằng dù con không ở với mẹ nhưng vẫn học rất giỏi.

A. học trường chuyên, là học sinh giỏi. Nhằm duy trì thành tích học tập này, ba của A. tạo áp lực, thậm chí vũ lực nếu cô bé học hành chểnh mảng. Khi đó, tôi tư vấn cố giúp ông cởi nút thắt tâm lý của mình. Ba của em mới là người cần điều trị trước, với dấu hiệu khủng hoảng hậu ly hôn, dù đã có người mới nhưng vẫn canh cánh hơn thua với vợ cũ, từ đó con gái trở thành nạn nhân.

Kế đến là trường hợp bé trai P.H.Đ., tám tuổi và chị gái P.K.M., mười tuổi, quê ở tỉnh Long An. Ba dượng thường xuyên uống rượu say và đánh đập mẹ trước mặt hai chị em. Thỉnh thoảng, hai bé cũng không tránh khỏi cơn cuồng nộ của ba dượng. Bé Đ. học rất giỏi, hiền lành bỗng dưng tới lớp bé trở nên thô bạo, hay đánh bạn. Học hành của hai bé đều sa sút.

Đỉnh điểm sự việc là các phụ huynh có con bị đánh yêu cầu nhà trường phải chuyển trường cho bé Đ., họ không an tâm khi con mình học chung lớp với đứa trẻ bạo lực như vậy. Người mẹ đành đưa bé tới Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám tâm lý, mục đích điều trị tính hung hăng của con. Tôi đã trò chuyện, tìm hiểu hoàn cảnh sống của bé và thấy rằng bé trở nên bạo lực vì hay bị bạo hành. Trị liệu cho bé Đ. chỉ là phần ngọn, cái chính là can thiệp tâm lý, giúp kiểm soát hành vi từ phía người lớn. 

leftcenterrightdel
 Tiến sĩ - bác sĩ Đinh Thạc đang khám cho trẻ bị rối loạn tâm lý - Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Những cách kiểm soát cơn nóng giận

* Theo bác sĩ, làm sao phụ huynh nhận thức được mình đang có biểu hiện rối loạn về sức khỏe tâm lý - tâm thần?

- Cha mẹ hãy tự kiểm điểm lại xem mình có các biểu hiện như sau không. Đó là căng thẳng, mệt mỏi vô cớ, hành vi bực tức ném đồ đạc, hay lấy con làm đối tượng trút giận cho những áp lực trong đời sống và công việc của mình. Bình thường hiền lành, bỗng dưng cha mẹ lại có những lời nói xúc phạm, nặng nề với con kiểu bột phát, quát mắng con.

Về mặt thể chất, cha mẹ bị thiếu ngủ, thường xuyên ngủ ít, hay bị nhức đầu (đây là một trong các nguyên nhân khiến họ hạn chế kiểm soát hành vi của chính mình). Nếu có những biểu hiện như trên thì chính là các rối loạn về sức khỏe tâm thần, phụ huynh cần liên hệ với chuyên gia tâm lý để được tư vấn kịp thời. Có thể người lớn lúc này đang bất an về mặt tâm lý hoặc suy nhược thần kinh…

* Vậy giải pháp để cha mẹ kiểm soát các cơn nóng giận, tránh làm tổn thương con cái là gì, thưa bác sĩ?

- Tôi sẽ khuyên họ tìm nút thắt tâm lý của mình, ráng lấy lại cân bằng trong cuộc sống. Khi nóng giận quá, bạn hãy bỏ ra ngoài, đi uống cà phê, tâm sự với bạn thân. Lúc thấy cung bậc cảm xúc của sự giận dữ đang tăng dần lên hãy làm như vậy. Tránh để cơn giận lên tới đỉnh điểm vì lúc đó bạn khó kiểm soát, và đối tượng bị bạn bạo hành (tâm lý, thể chất) đầu tiên sẽ là trẻ nhỏ trong nhà, bởi chúng là người yếu thế không có khả năng chống đỡ, phản kháng. 

Tiếp đến là những giải pháp lâu dài, tôi gọi nôm na là tu tâm dưỡng tính. Bạn hãy tham gia một môn thể thao thường xuyên. Đây là cách giúp đầu óc bạn được thư giãn, nghỉ ngơi, không quá tải. Nếu bạn tự thấy mình có hung tính, hay gây hấn, cộc cằn thì thiền và yoga, âm nhạc rất hữu ích, sẽ giúp bạn điều hòa tâm tính, từ đó trở nên bình tĩnh hơn trước các tình huống của cuộc sống.

Cuối cùng, điều tôi muốn nói chính là tình yêu thương và bao dung với con. Nếu có tình yêu thương và bao dung sẽ giúp bạn kiên nhẫn hơn với con, nhất là khi trẻ ương bướng, khó bảo. 

Nếu tất cả điều trên bạn đã thử mà vẫn thất bại thì nên đưa con tới một nơi khác, tạm thời cách ly khỏi mình. Bạn phải giải quyết được vấn đề tâm lý của mình, đi khám, điều trị ổn định rồi mới đón con về. Bởi nếu thường xuyên không kiểm soát được cảm xúc, hay hung hăng đánh con, bạn sẽ gây nguy hiểm cho con. Khi điều trị tâm lý, ngoài các liệu pháp về hành vi, nếu cần thiết bác sĩ sẽ kê cho bạn thuốc để hỗ trợ hạn chế bột phát khi nóng giận.

Theo phunuonline