PGS.TS.BS Đỗ Quang Huân - giám đốc Viện Tim TP.HCM - trao đổi với Tuổi Trẻ Online: "Cha mẹ mắc bệnh tim mạch, không đồng nghĩa con cái cũng mắc bệnh" - Ảnh: HOÀNG LỘC
Trò chuyện với Tuổi Trẻ Online về vấn đề này, PGS.TS.BS ĐỖ QUANG HUÂN - giám đốc Viện Tim TP.HCM, cho biết bệnh tim mạch được chia làm hai nhóm nguyên nhân, gồm bẩm sinh và mắc phải. Nghiên cứu mới nhất trên thế giới cho thấy có 0,8% trẻ sơ sinh mắc bệnh tim mạch bẩm sinh do các khiếm khuyết trong quá trình hình thành trái tim.
* Thưa bác sĩ, có nhiều gia đình từ cha mẹ, anh chị em đều mắc phải bệnh tim... Bệnh này có di truyền?
- Việt Nam mới chỉ bắt đầu nghiên cứu về gen nhưng ở các nước tiên tiến đã hình thành bản đồ gen từ lâu nhằm tìm hết tất cả gen trong cơ thể người. Nhờ đó có thể nhận định ngoài lý do "mắc phải", bệnh tim mạch có thể xuất phát từ di truyền.
Trên thực tế, chúng tôi từng ghi nhận có nhiều bà mẹ bị thông liên nhĩ và đến con, các anh em trong gia đình đều bị thông liên nhĩ.
Ngoài ra, ở bệnh mạch vành cũng được phát hiện có "tăng cholesterol gia đình", nghĩa là do đột biến di truyền qua gen. Nếu cha mẹ cùng mang khiếm khuyết này mà người con nhận cả hai (đồng hợp tử) thì rất nặng, khi đó cholesterol (là một thành phần của lipid máu, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các hoạt động của cơ thể) tăng rất cao và biểu hiện của bệnh lý mạch máu, hẹp mạch vành có thể xuất hiện từ rất sớm khi mới chỉ 12-15 tuổi.
Tuy nhiên tăng cholesterol do di truyền qua gen chỉ chiếm một phần rất nhỏ (chỉ 1-2%), còn lại đa số tăng cholesterol xuất phát từ chế độ ăn uống, tập luyện và do các bệnh lý khác.
Một ca mổ tim ở Viện Tim TP.HCM - Ảnh: CTV
* Như vậy trẻ sinh ra bị bệnh tim bẩm sinh có được gọi là di truyền không, thưa bác sĩ?
- Bệnh tim bẩm sinh là do gen. Nhưng không có nghĩa cha mẹ có gen gây bệnh thì con bị bệnh. Nghĩa là gen bệnh đó có thể truyền hoặc không truyền cho con. Hiện ở Viện Tim có thể tầm soát được những bệnh lý mà trước khi trẻ được sinh ra đã có.
Cụ thể thông qua việc siêu âm tim trong bào thai giúp các cha mẹ biết được trẻ có bị tim mạch bẩm sinh hay không. Trường hợp trẻ bị nhẹ, sau khi sinh có thể chủ động "sửa chữa" sớm; còn nếu quá nặng, sinh ra tiên lượng quá xấu các bác sĩ sẽ đưa ra các khuyến cáo để gia đình quyết định.
* Vậy cần làm gì để có một trái tim khỏe, thưa bác sĩ?
- Có nhiều người hỏi tôi là vẫy tay có tốt cho tim không? Tôi thấy vẫy tay cũng tốt nhưng theo khoa học có 4 loại hình thể dục tốt cho tim nhất gồm đi bộ, chạy bộ, đạp xe đạp và bơi lội. Đây là 4 hình thức giúp luyện cơ và luyện tần số tim lên một mức phù hợp. Tùy vào độ tuổi có thể duy trì các hoạt động này hằng ngày và tăng dần theo thời gian…
Còn khi quá căng thẳng và hồi hộp, chúng ta nên tìm một chỗ yên tĩnh hít sâu thở ra trong vòng 4 giây rồi ngưng. Và cứ lặp lại phương pháp này trong vòng 4-5 phút, sẽ giúp ích rất nhiều trong việc giảm căng thẳng, hồi hộp.
Bị bệnh tim mạch có quan hệ tình dục được không? Bác sĩ Đặng Duy Phương - phó khoa tim mạch can thiệp (Viện Tim TP.HCM) - cho biết thực ra hoạt động tình dục là một biện pháp thể dục ở mức độ trung bình, do đó với người bệnh tim mạch không cần phải kiêng cữ. Tuy nhiên vấn đề quan trọng của hoạt động tình dục là liệu bản thân người bị bệnh tim có kiểm soát huyết áp tốt hay không? Muốn như vậy thì người bệnh cần phải tuân thủ việc uống thuốc huyết áp đầy đủ và kiểm soát thật tốt huyết áp trong ngày. "Nếu làm được như vậy thì hoạt động tình dục của người bị bệnh tim cũng giống như một người bình thường", bác sĩ Phương chia sẻ. |
Theo tuoitre