Hội Tim mạch học Việt Nam vừa tổ chức họp báo thông báo Đại hội Tim mạch Toàn quốc lần thứ 17 với chủ đề “Tim mạch trong kỷ nguyên mới - Biến thách thức thành cơ hội" diễn ra từ ngày 16 và 17/10/2020 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay Hội Tim mạch Việt Nam đã quyết định tổ chức Đại hội và Hội nghị Tim mạch toàn quốc lần thứ 17 dưới hình thức trực tuyến tại hai đầu cầu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, việc hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến giúp các y bác sĩ ở những vùng xa xôi hẻo lánh của Việt Nam cũng có thể tiếp cận được. Đặc biệt, các y bác sĩ tuyến cơ sở có cơ hội được tiếp cận với các y bác sĩ đầu ngành trên thế giới trong lĩnh vực tim mạch.

Tim-mach01

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam phát biểu tại họp báo.

 

Dự kiến sẽ có khoảng 10.000 đại biểu trong nước và quốc tế ở 4 phân hội lớn trong nước và 5 hiệp hội và bệnh viện quốc tế tham dự. Thông qua 108 báo cáo viên là các Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ đầu ngành trong lĩnh vực Tim mạch học trên toàn thế giới, Hội tim mạch sẽ mang tới 10 kênh hội thảo trực tuyến phát liên tục với hơn 12 kênh đào tạo liên tục cùng 91 phiên báo cáo khoa học.

Các kênh đào tạo liên tục là điểm mới của kỳ đại hội lần này, sẽ đem đến cơ hội cho hàng trăm y bác sĩ, điều dưỡng tuyến y tế cơ sở có cơ hội được đào tạo với các chuyên gia hàng đầu về tim mạch.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Quang, Tổng thư ký Hội tim mạch học Quốc gia cho rằng, tại Đại hội, các báo cáo viên từ châu Âu, Mỹ, khu vực ASEAN … sẽ tham gia các phiên họp trực tuyến và cung cấp các bài báo cáo mô phỏng giống y phiên họp trực tiếp. Các đại biểu tham gia hội nghị có thể vào website chính thức của Đại hội, để lựa chọn các kênh để tham gia trực tiếp vào các phiên họp.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh tim mạch là nguyên nhân gây bệnh tật và tử vong hàng đầu trên phạm vi toàn cầu. Bệnh tim mạch đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng tại các nước đang phát triển. Thống kê cho thấy, số người mắc bệnh tim mạch tại các nước đang phát triển còn cao hơn tại các nước phát triển.

Tim-mach03

Đại hội Tim mạch Toàn quốc lần thứ 17 với chủ đề “Tim mạch trong kỷ nguyên mới- Biến thách thức thành cơ hội" sẽ diễn ra từ ngày 16 và 17/10/2020 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Nghiên cứu của Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 25% dân số mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp. Đặc biệt, trong những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hóa với rất nhiều đối tượng còn đang trong độ tuổi lao động.

Những lý do phổ biến khiến bệnh lý tim mạch gia tăng ở người trẻ, đó là lạm dụng rượu bia; hút thuốc (cả chủ động lẫn thụ động); ít vận động; thừa cân, có tiền sử mắc các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp; thức khuya, căng thẳng trong cuộc sống, bị áp lực về tâm lý.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, trước đây, tỷ lệ bệnh nhân mắc tăng huyết áp chủ yếu ở độ tuổi từ 60-70 tuổi. Nhưng hiện nay, người dưới 40 tuổi chiếm đến 20% trong tổng số các trường hợp bị tăng huyết áp. Đặc biệt, bệnh tim mạch và các tai biến tim mạch càng ngày được phát hiện nhiều ở lứa tuổi từ 25-40.

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều người thờ ơ, chủ quan với sức khỏe tim mạch của chính mình. Vì vậy, Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 17 mong muốn truyền thông một các trực tiếp tại cộng đồng để người dân có những kiến thức và hiểu biết đề phòng và tránh bệnh lý hết sức nguy hiểm này.

Theo giadinhvietnam.com