Theo ông Phan Văn Thái, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội, tại đây có 136 trẻ nội trú, hầu hết là các trẻ khuyết tật về vận động, trí tuệ, thính giác. Giáo viên giảng dạy, chăm sóc giúp các trẻ tiếp nhận, điều chỉnh về ngôn ngữ, hành vi, cũng như thói quen chăm sóc, vệ sinh cá nhân, nhưng do khả năng tiếp nhận hạn chế, các trẻ không thể làm tốt được, đặc biệt là vệ sinh răng miệng.

Chăm sóc răng miệng cho trẻ nhỏ - Ảnh 1.

Các bác sĩ thiện nguyện khám, điều trị bệnh răng miệng cho các trẻ tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội

Liên Châu

Sáng lập nhóm thiện nguyện, GS Võ Trương Như Ngọc, Trưởng bộ môn Nha khoa trẻ em - Trường Đại học Y Hà Nội, chia sẻ: Qua các lần khám sàng lọc, gần như 100% trẻ có vấn đề về răng miệng cần được chăm sóc, điều trị. Sâu răng không được điều trị sẽ gây viêm tủy, là nguyên nhân chính gây mất răng sớm. Việc duy trì khám, điều trị bệnh răng miệng cho trẻ khuyết tật tại Trung tâm đã được nhóm triển khai từ năm 2022.

Cùng hưởng ứng ngày Sức khỏe răng miệng thế giới, Khoa Răng hàm mặt - Bệnh viện đa khoa Hà Đông (Hà Nội) tổ chức khám và tư vấn răng miệng miễn phí cho gần 300 học sinh tại Trường tiểu học An Hưng, Q.Hà Đông. Qua đợt khám này, các bác sĩ ghi nhận có 38,28% học sinh bị sâu răng; 10,54% bị viêm lợi; 40,6% răng lệch lạc; 1,17% học sinh có thói quen xấu, mút môi, thở miệng, cắn móng tay. Theo Hội Răng hàm mặt VN, khoảng hơn 80% trẻ em VN bị sâu răng.

Theo Thanh niên