Hệ lụy "đốt cháy giai đoạn" khi giảm cân

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), cho biết, về vấn đề dùng đủ cách để giảm cân, nhất là ở phụ nữ, dù đã được cảnh báo, nhưng vẫn có rất nhiều người thực hiện theo những phương pháp phản khoa học. Đa số mọi người có ý định giảm cân đều muốn giảm thật nhanh, nên tìm mọi cách đốt cháy giai đoạn, trong đó việc nhịn hoặc cắt giảm khẩu phần ăn, dùng thuốc hoặc trà giảm cân, tập luyện quá sức… khá phổ biến.

Thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cũng cảnh báo, việc giảm cân bằng mọi giá sẽ khiến cơ thể người phụ nữ bị ảnh hưởng, không chỉ về mặt hình thể, mà còn cả nội tiết. “Tôi từng gặp những bệnh nhân giảm cân đến mức chỉ còn da bọc xương, hay có người bị mất kinh, rối loạn khả năng tình dục…”, bác sĩ Thành tư vấn.

Điển hình như trường hợp bệnh nhân Thu Thủy (23 tuổi, ở Hà Nội) gần đây. Sau quá trình giảm cân, Thủy đã mất hứng thú, không còn cảm hứng trong chuyện đôi lứa. Thủy tâm sự với bác sĩ Thành rằng, vì muốn giảm cân nên mỗi ngày cô chỉ ăn nửa bát cơm, còn lại là ăn rau, uống nước lọc, ăn trái cây. Đặc biệt, cô không ăn sáng và giảm tối đa lượng chất béo, chất đạm vào cơ thể.

Cô gái trẻ sau khi giảm cân thành công đã không còn hứng thú "chuyện ấy" (Ảnh minh họa)

Chỉ một thời gian ngắn áp dụng, Thủy bắt đầu thấy uể oải, hay chóng mặt, buồn nôn nhưng cô vẫn cố gắng thực hiện để có thân hình thon thả, xinh đẹp hơn. Sau vài tháng kiên trì, Thủy đã có được vẻ bề ngoài ưng ý, tuy nhiên cô chẳng còn muốn gần gũi người yêu.

“Chúng tôi ở cùng nhau, dù anh ấy có nhu cầu và đặt vấn đề nhưng tôi không thấy có hứng thú, thậm chí còn rất mệt mỏi và chán nản mỗi khi cố “chiều” bạn trai”, Thủy tâm sự với bác sĩ khi tới khám.

Ngoài trường hợp trên, bác sĩ Thành còn tiếp nhận một cô gái chưa tròn 18 tuổi, không chỉ bị rối loạn ăn uống mà còn mắc hội chứng "nhìn vào gương". Theo đó, mỗi khi soi gương, dù cơ thể gầy gò, người bệnh lại cảm thấy mình béo và muốn giảm cân quyết liệt. 

Khi đến khám, cơ thể cô gái trẻ chỉ còn da bọc xương. Cô chia sẻ mình đã hạn chế ăn uống đến mức tối đa suốt 6 tháng liền và giảm được 20kg. Tuy nhiên, nữ sinh cũng mất luôn kinh nguyệt và ngừng hẳn quá trình dậy thì. Khi tình trạng ở mức nghiêm trọng, bệnh nhân được gia đình đưa đến khám, mục đích ban đầu chỉ là chữa mất kinh, không ai nghĩ nguyên nhân do việc giảm cân thiếu khoa học.

Bất chấp giảm cân có thể gây vô sinh, giảm ham muốn

Từ hai trường hợp trên, bác sĩ Thành cho rằng, việc nhiều chị em quá chú trọng hình thể, bất chấp mọi thứ để giảm cân là vô cùng nguy hiểm. Ngoài sức khỏe thể chất, việc này còn ảnh hưởng đến cả sức khỏe tâm thần, xa hơn nữa là vấn đề sinh sản.

Việc bất chấp giảm cân không chỉ gây rối loạn kinh nguyệt, mà còn có nguy cơ vô sinh. (Ảnh minh họa)

Theo bác sĩ Thành, ăn uống có vai trò rất quan trọng với cơ thể. Cơ thể chỉ khỏe mạnh khi chúng ta có một chế độ ăn lành mạnh. Rối loạn ăn uống sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề, trong đó liên quan tới nội tiết và tình dục.

Bác sĩ cho biết, khi chỉ số khối cơ thể (BMI) giảm xuống mức rất thấp sẽ ảnh hưởng đến các chức năng cơ bản của cơ thể. Khi cơ thể liên tục đốt cháy calo nhiều hơn mức calo nạp vào, lúc đó nhiều chức năng sẽ bị chậm lại hoặc suy giảm để bảo tồn năng lượng. Điển hình như, một người phụ nữ thường xuyên ăn uống thiếu chất, nhưng lại vận động quá sức thường bị mất kinh, các chức năng sinh lý của cơ quan sinh dục cũng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.

Ngoài ra, người mắc chứng rối loạn ăn uống thường không tự tin vào ngoại hình, họ dành nhiều thời gian chú ý đến hình dáng bên ngoài thay vì tập trung tận hưởng khoái cảm khi quan hệ. Chính điều này cũng khiến hoạt động tình dục trở nên căng thẳng, mệt mỏi và lâu dần sẽ "nhạt", không còn hứng thú.

Bác sĩ Thành tư vấn, các chị em nói chung và người đang thực hiện giảm cân nói riêng, khi gặp vấn đề về sức khỏe thể chất hay sức khỏe tình dục nên đi khám sớm để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Giảm cân khoa học không thể vội vàng

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng cho biết, nguyên tắc khi giảm cân là tuyệt đối không được vội vàng, đốt cháy giai đoạn. Giảm cân không có nghĩa là bỏ bữa, hay cắt bỏ hoàn toàn các chất mà mọi người vẫn cho là nguyên nhân gây béo như cơm, chất béo, chất đạm…

Giảm cân khoa học là không bỏ bữa, ăn đầy đủ các nhóm chất. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Hưng tư vấn, khi giảm cân, dù áp dụng phương pháp, chế độ ăn kiêng nào thì luôn phải đảm bảo đủ nhu cầu carbohydrate (tinh bột) cho cơ thể. Cụ thể, trong khẩu phần ăn hằng ngày, tinh bột cung cấp 2/3 tổng năng lượng. Tất cả các chất khác như chất béo, chất đạm, chất xơ, vitamin, khoáng chất… cộng lại chỉ cung cấp khoảng 1/3 năng lượng cho cơ thể.

Do vậy, việc giảm hoặc cắt bỏ thành phần tinh bột sẽ khiến cơ thể cạn kiệt năng lượng, mệt mỏi, choáng váng, đau đầu… vì trong tinh bột có đường (gluco), giúp cung cấp năng lượng cho não bộ hoạt động.

Ngoài ra, việc nhịn ăn sáng để giảm cân cũng là phản khoa học, thậm chí còn dễ gây tăng cân. Lý do là, nhịn ăn sáng sẽ làm tăng cảm giác thèm ăn và đói cồn cào, từ đó chúng ta sẽ ăn nhiều hơn trong các bữa trưa và tối. Trong trường hợp vừa nhịn ăn sáng, vừa cắt giảm khẩu phẩn hoặc bỏ luôn các bữa khác thì càng nguy hiểm, cơ thể sẽ không đủ năng lượng để hoạt động.

Theo bác sĩ Hưng, giảm cân khoa học là phải thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, kết hợp với hoạt động thể chất hàng ngày. Đặc biệt, chế độ ăn ngoài đảm bảo về mặt dinh dưỡng, thì cần phù hợp với từng cá nhân. Do vậy, khi có mục đích giảm cân, chị em nên đi khám để được bác sĩ tư vấn, lên thực đơn cụ thể.

Việc tập thể dục sẽ giúp hỗ trợ quá trình trao đổi chất lành mạnh, đốt cháy nhiều calo hơn mỗi ngày. Khi lượng calo nạp vào thông qua các hoạt động và tập luyện thể thao bị đốt cháy, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ giảm được cân nặng. Tuy nhiên, đây là quá trình dài hơi, đòi hỏi sự kiên trì.

* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi

Lê Phương