Chất tạo ngọt từ quả la hán

Bà Vriti Srivastav, chuyên gia dinh dưỡng tại Andheri East, Mumbai (Ấn Độ) - cho biết, giống như stevia (chất làm ngọt không chứa calo), chất tạo ngọt từ quả la hán là chất tạo ngọt tự nhiên bao gồm mogrosides, hợp chất này ngọt hơn đường khoảng 150-250 lần.

“Chất tạo ngọt từ quả la hán được coi là an toàn và nằm trong danh mục GRAS (được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ công nhận là an toàn). Vì ngọt hơn đường nên quả la hán được yêu cầu tiêu thụ với lượng nhỏ”, bà Vriti Srivastav nói.

Mặc dù chất tạo ngọt này an toàn khi sử dụng và chưa ghi nhận về các hiện tượng khó chịu nào khi sử dụng, nhưng phản ứng của mỗi người với chất tạo ngọt này có thể khác nhau, tùy theo tình trạng dị ứng hoặc tiền sử về bệnh đường tiêu hóa.

Mối liên hệ giữa quả la hán và bệnh tim

Nhà dinh dưỡng Srivastav lưu ý rằng, đây là chất tạo ngọt tương đối mới và vẫn đang được triển khai nghiên cứu để sử dụng lâu dài.

“Các nghiên cứu về quả la hán và mức độ an toàn khi tiêu thụ đã được thực hiện trên mô hình động vật. Có rất ít hoặc không có nghiên cứu nào về quá trình tiêu hóa và tác động của nó đối với trẻ em và phụ nữ mang thai. Do đó, hai nhóm nhạy cảm này nên hạn chế tiêu thụ quả la hán”, bà Srivastav nhấn mạnh.

Chuyên gia dinh dưỡng Srivastav cũng thông tin thêm, vì quả la hán không lên men được nên không gây ra rối loạn tiêu hóa nếu so sánh với các loại đường khác như erythritol. Tuy nhiên, quả la hán thường được kết hợp với đường cồn erythritol để đạt được độ ngọt như đường.

“Một nghiên cứu được thực hiện tại Hoa Kỳ và Châu Âu cho thấy, việc tiêu thụ quá nhiều loại đường cồn này có liên quan đến bệnh tim. Do đó, khi mua chất tạo ngọt từ quả la hán, bạn nên tìm chất tạo ngọt có thành phần duy nhất là chiết xuất từ quả la hán mà không thêm erythritol”, bà Srivastav lưu ý.

Còn theo Tiến sĩ Vikas Kohli, người sáng lập Child Heart Foundation (Ấn Độ) - cho biết, sử dụng chất tạo ngọt không từ đường (NSS) trong thời gian dài, bao gồm chất tạo ngọt từ quả la hán, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2, bệnh tim mạch và tử vong.

Do đó, việc giảm lượng đường bổ sung và kết hợp nhiều thực phẩm nguyên chất có đường tự nhiên hơn, chẳng hạn như trái cây và rau quả, có thể góp phần cải thiện sức khỏe tim mạch.

Theo laodong