Các bệnh viện ở Anh nhận được chỉ đạo xét nghiệm tất cả bệnh nhân cấp cứu có vấn đề về hô hấp - Ảnh: Guardian
Đầu tuần này, chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thông báo Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã quyết định nâng nguy cơ dịch COVID-19 ở châu lục này lên mức "cao" trong bối cảnh 18 nước thành viên đã ghi nhận ca nhiễm.
"ECDC đánh giá mức độ rủi ro đối với người dân trong Liên minh châu Âu (EU) vào khoảng trung bình - cao. Nói cách khác, virus đang tiếp tục lây lan" - bà Ursula công bố trước các phóng viên ở Brussels (Bỉ).
Theo báo The Guardian, chuyên gia y tế nhận định dân số già tại Ý đặt ra thách thức lớn trong việc giảm số ca tử vong do COVID-19 vốn đang ở mức cao. Virus SARS-CoV-2 đã giết 79 người ở Ý, tất cả đều trong độ tuổi 63-95 và mắc sẵn các bệnh nặng. Đây là điều đáng lo vì có đến 23% dân số Ý trong độ tuổi trên 65, già thứ nhì thế giới chỉ sau Nhật Bản. Còn tỉ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên ở châu Âu là 27,9% theo thống kê năm 2017.
"Ý là quốc gia của người già. Người cao tuổi có tiền sử bệnh rất đông. Tôi nghĩ điều này giải thích tại sao chúng ta chứng kiến nhiều ca nhiễm corona nặng hơn những nơi khác. Ở đa số người lớn trẻ tuổi và trẻ em thì bệnh có triệu chứng nhẹ, ít vấn đề" - giáo sư Massimo Galli, giám đốc khoa truyền nhiễm Bệnh viện Sacco ở Milan, giải thích.
"Tuổi thọ của chúng ta thuộc hàng cao nhất thế giới, nhưng không may là trong tình huống này người lớn tuổi dễ gặp nguy cơ hơn" - ông bổ sung.
Nhận định của bác sĩ Galli trùng khớp với kết luận của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sau khi phân tích dữ liệu dịch COVID-19 ở Trung Quốc. Theo đó, người lớn tuổi mắc các bệnh như tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp... gặp nguy cơ cao hơn, trong khi bệnh nhân trẻ em chỉ chiếm khoảng 2,4% và đa số đều nhẹ.
Quân đội Hàn Quốc khử trùng đường phố Seoul - Ảnh: Reuters
Vùng Lombardy miền bắc Ý hiện có số ca nhiễm corona lớn nhất (1.520), khiến chính quyền phải phong tỏa 10 thị trấn suốt hơn một tuần qua. Tính chung, virus đã có mặt ở hơn một nửa trong số 20 khu vực của Ý bao gồm Tuscany, Puglia, Sicily, Sardinia...
Trao đổi với báo Guardian, một nữ bác sĩ sống ở Ý cho biết cô bị nhiễm corona triệu chứng nhẹ và được tự cách ly tại nhà. Thứ sáu tuần này, cô sẽ xét nghiệm lại sau 2 tuần chữa trị.
"Phần lớn ca bệnh mọi người đều tự phục hồi. Vấn đề là chúng tôi chưa có cơ chế bảo vệ những đối tượng dễ tổn thương: người lớn tuổi và người có vấn đề về sức khỏe. Nhưng chúng ta cũng cần khách quan, việc số ca nhiễm tăng không đồng nghĩa với số ca bệnh nặng tăng theo" - vị bác sĩ chia sẻ.
Đầu tuần này, EU thành lập đội phản ứng nhanh chống dịch COVID-19 gồm 5 thành viên là các ủy viên phụ trách các lĩnh vực như y tế, tài chính... Nhiệm vụ của họ là điều phối các hoạt động trong giai đoạn chống dịch, giảm thiểu thiệt hại về con người và kinh tế.
Hôm qua (4-3), các bộ trưởng tài chính EU nhóm họp bất thường để thảo luận các biện pháp khẩn cấp giảm rủi ro xảy ra khủng hoảng kinh tế, ví dụ như chi viện cho y tế, các giải pháp thanh khoản ngắn hạn, đánh giá nguy cơ thất nghiệp...
Hàn Quốc: 2.300 người chờ nhập viện Sáng 4-3, Yonhap cho biết số ca nhiễm COVID-19 tại Hàn Quốc có thêm 293 ca bệnh mới trong ngày 4-3, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 của Hàn Quốc lên 5.621. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), số ca tử vong vì COVID-19 ở Hàn Quốc đã tăng lên 32 ca trong ngày 3-3. Thứ trưởng Y tế Hàn Quốc Kim Gang Lip cho biết 2.300 người vẫn đang chờ được nhập viện tại cả bệnh viện lớn và các cơ sở y tế tạm thời ở thành phố Daegu, một trong những tâm điểm bùng phát dịch của Hàn Quốc.
Trung Quốc: nghiên cứu dự trữ khẩn cấp thiết bị y tế Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 4-3 ghi nhận thêm 119 ca nhiễm và 38 trường hợp tử vong tính tới cuối ngày 3-3. Tổng số ca tử vong của Trung Quốc đại lục hiện là 2.981, trong khi tổng số ca nhiễm là 80.270. Bên cạnh việc kiềm chế dịch bệnh trong nước, Trung Quốc đã đặt ra trọng tâm mới để ngăn "nhập ngược" COVID-19 từ các quốc gia khác. NHC cũng cho biết Trung Quốc đang nghiên cứu việc thành lập kho dự trữ khẩn cấp đối với các tài nguyên y tế và đồ bảo hộ.
Ý: lập "vùng cách ly đỏ" Bộ Y tế Ý cho biết tính đến cuối ngày 3-3, nước này có tổng cộng 2.502 ca mắc COVID-19 với 79 ca tử vong. Bên ngoài lãnh thổ Ý, 16 công dân nước này đã bị xác định dương tính với COVID-19 khi đang ở Ấn Độ, theo Bộ Y tế Ấn Độ. Cơ quan này cũng thông báo Rome sẽ thiết lập một "vùng cách ly đỏ" để cố gắng ngăn dịch COVID-19 lây lan thêm. Cho đến nay, các ca mắc COVID-19 vẫn tập trung chủ yếu tại miền bắc, với Lombardy là nơi bị ảnh hưởng tồi tệ nhất. |
Theo tuoitre