Trên thế giới đã ghi nhận không ít trường hợp tử vong khi đang chạy bộ. Các trường hợp đột tử ở những người trẻ sau khi gắng sức thường do 2 lý do chính là đột quỵ tim và đột quỵ não. Điều này khiến nhiều người có thói quen chạy bộ lo lắng.
Lý do khiến đột tử khi chạy bộ
Theo bác sĩ thể thao Nguyễn Trọng Thủy, đột quỵ khi chơi thể thao nói chung, chạy bộ nói riêng xảy ra khi tập luyện với cường độ lớn, nhịp tim cũng như huyết áp thay đổi thất thường và khó kiểm soát. Đồng thời các cơ quan này cũng hoạt động nhanh hơn bình thường rất nhiều gây ra thiếu máu lên não, từ đó não thiếu oxy và các dưỡng chất cần thiết dễ dàng dẫn đến đột quỵ.
Ngoài ra, khi tập luyện quá sức khiến cơ thể mất nước và các chất khoáng cần thiết quá nhiều trong khi người tập không bổ sung kịp thời cho cơ thể cũng là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ. Yếu tố này chính là sự ảnh hưởng khắc nghiệt về nhiệt độ, độ ẩm khiến cơ thể dễ bị rối loạn thần kinh và rối loạn điện giải.
Nếu chạy bộ khi thời tiết lạnh làm các động mạch bị co thắt bất thường, huyết áp tăng đột ngột, người tập luyện có thể bị tai biến đứt mạch máu não. Vận động quá lâu trong thời tiết quá nóng sẽ khiến cơ thể bị mất nước và muối, trong đó có canxi và kali. Hạ kali, tim đập nhanh, hạ huyết áp, yếu liệt, co giật và nặng sẽ tử vong. Nhiệt độ và độ ẩm từ lâu đã là những kẻ giết người thầm lặng không chỉ ở vận động viên mà còn xảy ra cho tất cả mọi người.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân đột quỵ khi chơi thể thao có thể chia làm 2 nhóm chính. Trong đó nhóm nguyên nhân có thể gặp ở người bệnh lý nền mà không biết. Đột quỵ xảy ra ở nhóm này hay gặp ở người dị dạng mạch máu não (phình mạch máu não) hoặc có bệnh lý tiềm tàng về viêm cơ tim, gây ra nhồi máu cơ tim cấp, hoặc xuất huyết não cấp. Người bệnh rất khó biết mình bị bệnh vì thông thường không triệu chứng, khi tai biến xảy ra mới biết. Tuy nhiên, những trường hợp này rất ít.
Nhóm thứ hai, là người chơi thể thao gắng sức quá, đẩy sức chịu đựng vượt lên cao quá khả năng của bản thân. Nghĩa là với thể lực chỉ có khả năng chạy được 5km, sau tập luyện đẩy lên 10km, 20km, nhưng lại cố gắng chạy bộ 50km, thậm chí 100km nên không phù hợp.
Bởi thông thường cơ thể con người chỉ có ngưỡng nhất định, nếu vượt quá ngưỡng đòi hỏi có quá trình tập luyện và thích nghi lâu dài. Nếu thúc đẩy nhanh quá trình đó cơ thể dẫn tới quá tải, tim bị suy không cung cấp đủ máu, phổi phải hoạt động liên tục mới trao đổi được oxy. Tim chỉ khoảng 90 nhịp/phút, nếu đẩy lên 180-200 nhịp/phút là quá nhanh, vượt qua ngưỡng chịu đựng của cơ thể, dẫn tới suy tim cấp và đột quỵ.
8 ghi nhớ khi chạy bộ để tránh đột tử
Theo bác sĩ thể thao Nguyễn Trọng Thủy, để phòng tránh đột quỵ khi chạy bộ cần khởi động đúng và đủ trước khi tập luyện, cụ thể:
- Khởi động đủ và toàn diện tất cả các nhóm cơ.
- Nghiêm túc thực hiện đúng các động tác, không làm cho có.
- Không khởi động quá lâu vì sẽ làm oải cơ, tiêu hao quá nhiều năng lượng.
- Khởi động đúng trình tự: từ các động tác nhẹ, dễ đến các động tác khó để làm nóng cơ dần dần.
- Khi thời tiết lạnh phải khởi động thật kỹ, tuân thủ nguyên tắc tăng cường độ và liều lượng các động tác lên từ từ vì rất dễ rách cơ.
- Không nên dùng các loại dầu nóng xoa bóp để làm nóng thay thế khởi động vì biện pháp này chỉ làm nóng ngoài da do hóa chất chứ gân cơ, dây chằng chưa đủ ấm.
- Căng cơ và kéo giãn là bước quan trọng của khởi động, chú ý không căng giãn hay co lại đột ngột vì sẽ dễ gây chấn thương.
- Những động tác cơ bản khi khởi động mà mọi người cần lưu ý bao gồm:
- Chạy tại chỗ (chạy nâng cao đùi) hoặc nhảy dây trong.
- Bật nhảy tại chỗ.
- Hít đất hoặc tập bài tập leo núi.
- Gập thân
- Giãn vai
- Xoay thân trên.
- Giãn cẳng chân
- Xoay cổ tay
Vận động quá sức hay tập thể dục quá sức có thể phản tác dụng, khiến cơ thể phải đối mặt với nhiều tác hại.
Tóm lại: Tập thể dục thể thao luôn là một trong những phương pháp rèn luyện sức khỏe được nhiều người biết đến với vô vàn lợi ích. Thế nhưng, theo bác sĩ thể thao Nguyễn Trọng Thủy, tập thể dục thể thao nhiều không có nghĩa là càng tập nhiều thì càng tốt.
Việc vận động quá sức hay tập thể dục quá sức có thể phản tác dụng, khiến cơ thể phải đối mặt với nhiều tác hại nguy hiểm.
Tập thể dục quá sức có thể gây ra những tác hại cho cơ thể như:
- Nhịp tim bất thường, gia tăng nguy cơ đột quỵ do bị trụy tim.
- Suy giảm hệ miễn dịch
- Xương yếu đi.
- Gây ra những chấn thương xương khớp như: chấn thương dây chằng, viêm khớp, gãy xương,...
|
Theo suckhoedoisong.vn