Trẻ em Indonesia hít thở oxy từ sự hỗ trợ của Tổ chức Chữ thập đỏ - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin AFP, khói bụi từ các đám đốt rừng lấy đất trồng trọt vụ mới ở Indonesia trong những tuần gần đây đã thải vào không khí lượng khói bụi gây ô nhiễm nặng.
Nhiều trường học và sân bay phải đóng cửa, trong khi người dân phải mua thêm khẩu trang phòng bị và nhiều người đã nhập viện điều trị bệnh hô hấp.
Chính quyền tại Jakarta đã điều động hàng chục ngàn người cùng các máy bay mang nước dập lửa để đối phó tình trạng đốt rừng dọn đất canh tác.
Hoạt động đốt nương rẫy dọn đất canh tác là vấn đề thường niên tại Jakarta, nhưng năm nay do thời tiết khô nên tình trạng trở nên tồi tệ nhất kể từ năm 2015.
Theo Quỹ nhi đồng LHQ (UNICEF), gần 10 triệu người dưới 18 tuổi, trong đó khoảng 1/4 dưới 5 tuổi, đang sống trong các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề vì tình trạng đốt rừng trên đảo Sumatra và một phần trên đảo Borneo của Indonesia.
Trẻ nhỏ là nhóm đặc biệt dễ tổn thương trước ô nhiễm không khí do hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện. Chưa kể, con của các thai phụ bị ảnh hưởng vì ô nhiễm môi trường khi sinh ra có nguy cơ thiếu cân hoặc sinh non cao hơn.
Bà Debora Comini, đại diện của UNICEF, nói: "Chất lượng không khí xấu là thách thức nghiêm trọng và ngày càng lớn với Indonesia".
"Mỗi năm, hàng triệu trẻ em đang phải hít vào không khí độc hại đe dọa sức khỏe của chúng cũng như buộc chúng phải nghỉ học, điều này gây ra những tổn hại cả về thể chất lẫn nhận thức của các em", bà tiếp.
Do tình trạng mù khô dày đặc vì ảnh hưởng từ đốt rẫy ở Indonesia, tuần trước nhiều trường học tại Malaysia đã phải đóng cửa. Trong khi đó Singapore cũng đã bị bao trùm trong khói bụi mù mịt những ngày cuối tuần qua khi quốc đảo sư tử tổ chức sự kiện cuộc đua xe Công thức 1.
Trên thế giới, thời gian qua xảy ra một loạt vụ cháy rừng, từ rừng Amazon tới nước Úc. Giới khoa học ngày càng lo ngại tình trạng này sẽ gây tác động tiêu cực tới hiện tượng trái đất nóng lên.
Theo tuoitre