Bệnh cơ tim phì đại là một trong những bệnh tim diễn biến hết sức phức tạp, là một bệnh có nguyên hàng đầu dẫn đến đột tử ở các bệnh nhân trẻ tuổi.

Đây là bệnh lý di truyền do đột biến gene nên không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Ở nước ta, theo nghiên cứu, ước tính hiện có khoảng 500.000 người mắc bệnh lý này, dựa trên tần suất bệnh 1/200-1/500 trong dân số chung.

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý bệnh cơ tim phì đại. Bằng cách điều chỉnh chế độ ăn, bệnh nhân có thể giảm bớt gánh nặng lên tim, cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Chế độ ăn cho người mắc bệnh cơ tim phì đại- Ảnh 1.
 

Bệnh cơ tim phì đại là rối loạn tim nguyên phát đặc trưng bởi sự phì đại vách tim.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với bệnh nhân cơ tim phì đại

Chế độ ăn lành mạnh và phù hợp cho bệnh nhân cơ tim phì đại sẽ góp phần giảm gánh nặng lên tim. Các thực phẩm lành mạnh giúp giảm huyết áp, cholesterol và lượng triglyceride trong máu, từ đó giảm bớt gánh nặng lên tim.

Chế độ ăn cân đối sẽ giúp kiểm soát cân nặng. Do béo phì làm tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của bệnh cơ tim phì đại nên việc giảm cân thông qua chế độ ăn giúp cải thiện chức năng tim.

Chế độ ăn cân bằng cung cấp đủ các vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể người bệnh, giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và cải thiện chức năng tim.

Lợi ích của việc tuân thủ chế độ ăn ở người bệnh cơ tim phì đại:

  • Giảm các triệu chứng: Giảm khó thở, mệt mỏi, tức ngực.
  • Cải thiện chất lượng cuộc sống: Tăng cường năng lượng, cải thiện tâm trạng.
  • Giảm nguy cơ biến chứng: Giảm nguy cơ đột quỵ, suy tim.
  • Tăng tuổi thọ: Người bệnh tuân thủ chế độ ăn hợp lý có thể kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống.

2. Một số chất dinh dưỡng cần thiết cho bệnh nhân cơ tim phì đại

Kali: Kali có vai trò giúp điều hòa huyết áp, hỗ trợ chức năng tim.

Nguồn cung cấp: Chuối, khoai tây, bơ, rau lá xanh đậm (rau cải xoăn, cải bó xôi).

Magie: Có tác dụng giúp thư giãn cơ bắp, ổn định nhịp tim. Magie cũng giúp các mạch máu khỏe mạnh bằng cách hoạt động như một chất chống oxy để chống lại tổn thương mạch máu.

Nguồn cung cấp: Hạt bí ngô, hạnh nhân, rau lá xanh đậm, các loại đậu.

Canxi: Đây là khoáng chất cần thiết cho sự co bóp của tim.

Nguồn cung cấp: Sữa, các sản phẩm từ sữa, rau lá xanh đậm.

Vitamin D: Giúp cơ thể hấp thụ canxi, hỗ trợ sức khỏe xương và tim mạch.

Nguồn cung cấp: Cá béo (cá hồi, cá ngừ), trứng, sữa, các loại nấm.

Omega-3: Loại acid béo thiết yếu này giúp giảm viêm, giảm triglyceride, giảm nguy cơ đông máu.

Nguồn cung cấp: Cá béo (cá hồi, cá ngừ), hạt lanh, quả óc chó.

Chất xơ: Chất xơ có vai trò làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu, giúp ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột biến sau bữa ăn, giảm cholesterol, tăng cường hệ tiêu hóa.

Nguồn cung cấp: Trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt.

Protein: Cần thiết cho việc xây dựng và sửa chữa các tế bào, giúp cơ thể khỏe mạnh. Protein cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.

Nguồn cung cấp: Thịt nạc, cá, trứng, đậu nành, các loại hạt.

3. Những nguyên tắc trong xây dựng chế độ ăn cho bệnh nhân cơ tim phì đại

Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch. Chế độ ăn tốt cho bệnh nhân cơ tim phì đại bao gồm nhiều loại trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc và cá.

Bệnh nhân nên ăn chế độ ăn ít chất béo động vật để giảm cholesterol. Người bệnh cần uống lượng nước vừa đủ giúp duy trì huyết áp ổn định, hỗ trợ quá trình thải độc của cơ thể. Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày giúp giảm gánh nặng lên hệ tiêu hóa và tim.

  • Hạn chế muối: Giảm lượng muối nạp vào giúp kiểm soát huyết áp.
  • Hạn chế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa: Các loại chất béo này làm tăng cholesterol xấu, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.
  • Hạn chế đường: Đường có thể làm tăng huyết áp, không có lợi cho sức khỏe tim và làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
  • Tăng cường trái cây, rau xanh: Cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ, giúp giảm cholesterol và giảm huyết áp đồng thời hỗ trợ hệ miễn dịch hiệu quả
  • Chọn các loại thịt nạc: Thịt nạc cung cấp protein cần thiết cho cơ thể mà không chứa quá nhiều chất béo.
Chế độ ăn cho người mắc bệnh cơ tim phì đại- Ảnh 3.
 

Bệnh nhân cơ tim phì đại nên duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, tốt cho sức khỏe tim mạch.

3.1. Những thực phẩm người bệnh nên ăn

  • Các loại cá béo (cá hồi, cá ngừ): Giàu omega-3, tốt cho tim mạch.
  • Trái cây, rau xanh: Cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ.
  • Các loại hạt: Giàu chất béo không bão hòa đơn và đa, tốt cho tim mạch.
  • Ngũ cốc nguyên hạt: Cung cấp chất xơ.
  • Sữa ít béo hoặc không béo: Cung cấp canxi và protein.

3.2. Những thực phẩm người bệnh cơ tim phì đại nên tránh hoặc hạn chế ăn

  • Đồ uống có cồn: Những người mắc tình trạng cơ tim phì đại nên hạn chế hoặc tránh uống rượu. Đồ uống có cồn có thể làm tình trạng tắc nghẽn ở tim trở nên trầm trọng hơn, làm giảm lưu lượng máu đến cơ thể. Uống rượu cũng có thể thúc đẩy tăng cân, làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
  • Thịt đỏ, thịt chế biến sẵn: Chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol.
  • Đồ ăn nhanh, đồ ngọt: Chứa nhiều đường, chất béo và muối.
  • Đồ uống có gas: Chứa nhiều đường và caffeine.
  • Nội tạng động vật: Chứa nhiều cholesterol.
Chế độ ăn cho người mắc bệnh cơ tim phì đại- Ảnh 4.

Rượu bia có thể làm tăng huyết áp và gây hại cho tim, người bệnh nên tránh tiêu thụ hoàn toàn.

4. Lời khuyên của thầy thuốc

Song song với việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh nên có sự kết hợp với chế độ sinh hoạt khoa học để cải thiện sức khỏe tổng thể của tim, đồng thời giảm nguy cơ biến chứng của bệnh cơ tim phì đại.

Rất nhiều trường hợp bệnh nhân có thể chung sống hòa bình với bệnh mà không cần đòi hỏi các phương pháp điều trị đặc biệt. Bệnh nhân nên tránh làm việc quá sức, nâng vật nặng hoặc chơi thể thao cường độ cao.

Các chuyên gia tim mạch thường khuyến nghị một số hướng dẫn về lối sống cho những người mắc bệnh cơ tim phì đại. Bác sĩ có thể khuyến cáo giảm cân nếu thừa cân, bỏ hút thuốc và hạn chế uống rượu.

Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất thường xuyên giúp giảm nhịp tim và hạ huyết áp. Thực hiện các bài tập thể dục vừa sức, chỉ nên tập với cường độ nhẹ đến trung bình hoặc tập theo hướng dẫn của bác sĩ.

Duy trì cân nặng vừa phải: Nếu thừa cân hoặc béo phì, chỉ cần giảm vài cân có thể giúp hạ huyết áp, giảm gánh nặng cho tim và có thể cải thiện tình trạng cơ tim phì đại.

Tránh căng thẳng, áp lực: Căng thẳng quá mức có thể làm tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ mắc bệnh cơ tim phì đại. Để kiểm soát tốt hơn, hãy ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên theo chỉ dẫn của bác sĩ và cân nhắc thực hành các kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu và yoga có lợi cho cơ thể và tâm trí.

Bỏ hút thuốc lá: Hút thuốc lá có thể làm trầm trọng thêm một số triệu chứng cơ tim phì đại và gây ra tình trạng hẹp động mạch vành. Bỏ thuốc là cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh tim và các biến chứng của bệnh.

Những thay đổi lối sống này có thể giúp cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Việc kết hợp chế độ ăn uống hợp lý, tập luyện đều đặn và đi khám đúng lịch, dùng thuốc đúng cách sẽ giúp bệnh nhân cơ tim phì đại cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.

Theo suckhoedoisong.vn