1. Viêm gan gây gánh nặng bệnh tật rất lớn
Viêm gan do virus B, C là hai tác nhân chính trong các loại viêm gan do virus và dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề như xơ gan, ung thư gan và tử vong. Có khoảng 80% các trường hợp ung thư gan do viêm gan virus B và C gây ra.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh Viêm gan toàn cầu (World Hepatitis Alliance), trên thế giới mỗi năm có khoảng 3 triệu ca mắc mới và 1 triệu ca tử vong do virus viêm gan B và C. Tuy nhiên, chỉ khoảng 10% trường hợp mắc viêm gan B được chẩn đoán và có đến 300 triệu người (hơn 90%) không hề biết mình mắc bệnh.
Hiện tại, Việt Nam là nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B và C cao nhất trong khu vực. Viêm gan đã trở thành nguyên nhân đứng thứ 3 gây tử vong. Ước tính, hằng năm có khoảng 1,34 triệu người tử vong do viêm gan virus. Gánh nặng bệnh tật của bệnh viêm gan virus B và C là rất lớn tại Việt Nam.
Tuy đã có vaccine phòng bệnh nhưng viêm gan B vẫn đang là gánh nặng cho ngành y tế và người bệnh vì bệnh cần phải điều trị kéo dài.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, Việt Nam hiện có khoảng 10 triệu người nhiễm virus viêm gan B và gần 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C. Tuy nhiên tỷ lệ người bệnh được phát hiện và quản lý còn rất khiêm tốn. Nếu không được kiểm soát tốt, nhiều người trong số đó sẽ tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư gan.
PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết thêm, việc điều trị viêm gan B là điều trị suốt đời nên bệnh nhân cần được theo dõi, quản lý chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa. Điều quan trọng là người dân phải nhận thức được mức độ nguy hiểm của viêm gan với sức khỏe, thực hiện theo khuyến cáo của các chuyên gia.
2. Người mắc viêm gan cần ăn uống thế nào để không gây tổn thương gan?
Theo các chuyên gia y tế, khi mắc bệnh viêm gan B, người bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt để phòng ngừa biến chứng. Vai trò của chế độ ăn uống cũng rất quan trọng trong điều trị bệnh. Khi bị mắc bệnh viêm gan, nên tuân thủ một lối sống lành mạnh, tránh uống rượu và thuốc lá. Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng và tập thể dục thường xuyên.
BS. Keri Gans - một chuyên gia dinh dưỡng đã đăng ký tại Thành phố New York và là người phát ngôn của Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ cho biết: Không có chế độ ăn kiêng đặc biệt nào cho bệnh viêm gan. Người bị viêm gan chỉ cần tuân theo một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh.
Chế độ ăn uống lành mạnh tốt cho bệnh nhân viêm gan nên bao gồm các loại thực phẩm sau:
- Nhiều trái cây và rau quả, nên ăn đa dạng các loại rau củ quả càng nhiều màu sắc càng tốt.
- Các loại ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, gạo lứt, lúa mạch và hạt quinoa (diêm mạch).
- Protein nạc như cá, thịt gà không da, lòng trắng trứng và các loại đậu, đỗ.
- Các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc không béo.
- Chất béo lành mạnh như chất béo trong các loại hạt, quả bơ và dầu oliu.
Chuyên gia dinh dưỡng Gans đưa ra lời khuyên: Nên chú ý tới khẩu phần ăn cho mỗi bữa. 1/4 đĩa thức ăn phải chứa carbohydrate giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, 1/4 nên chứa nguồn protein nạc và nửa còn lại nên chứa đầy trái cây và rau quả.
Để giúp cơ thể xử lý thức ăn tốt hơn và hoạt động tốt nhất, cần đảm bảo uống nhiều nước. Nên uống nước lọc tốt hơn đồ uống chứa caffeine như cà phê và cola.
Người bệnh viêm gan không nên ăn các loại thực phẩm gì?
Lưu ý rằng chế độ ăn uống không lành mạnh có thể góp phần gây tổn thương gan. Nếu ăn quá nhiều thực phẩm có hàm lượng calo cao, nhiều chất béo chuyển hóa hoặc đường, bạn sẽ tăng cân và chất béo bắt đầu tích tụ trong gan. Tình trạng gan nhiễm mỡ có thể góp phần phát triển bệnh xơ gan hoặc sẹo ở gan. Chất béo trong gan cũng có thể cản trở hiệu quả của các loại thuốc được kê đơn để điều trị virus viêm gan.
Các loại thực phẩm người mắc viêm gan cần tránh.
Người bệnh viêm gan cần tránh những thực phẩm dưới đây:
- Chất béo bão hòa có trong thịt mỡ và thực phẩm chiên rán; bơ thực vật, bơ động vật và các thực phẩm từ sữa giàu chất béo khác.
- Đồ ăn có đường như bánh quy, bánh ngọt, soda và thức ăn đóng gói.
- Thực phẩm chứa nhiều muối.
- Rượu bia.
Người bệnh viêm gan thường bị mệt mỏi, khó tiêu và ăn uống kém. Để đảm bảo dinh dưỡng, nên chia nhỏ bữa ăn thành 4-5 lần trong ngày để tốt cho tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn. Người bệnh cũng cần cân nhắc việc hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn vì chúng có thể chứa các chất phụ gia hóa học và hàm lượng muối cao.
3. Các biện pháp hỗ trợ phòng ngừa tổn thương gan
Vì cơ thể đang chiến đấu với virus viêm gan nên hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa đặc biệt để phòng tránh mọi căn bệnh có thể làm tăng nguy cơ tổn thương gan. Do đó cần rửa sạch tất cả các loại thịt, trái cây và rau quả để loại bỏ mọi chất cặn có hại, đồng thời rửa tay kỹ trước và sau khi xử lý thực phẩm để ngăn ngừa lây nhiễm chéo.
Ở người mắc viêm gan, do chức năng gan yếu nên cần lựa chọn thực phẩm an toàn, thực phẩm tươi. Không ăn uống những thực phẩm lạ dễ gây dị ứng. Khi chế biến thực phẩm cần đảm bảo vệ sinh, nấu chín kỹ thức ăn.
Nhiều chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân viêm gan cũng nên tránh ăn sống hoặc nấu chưa chín kỹ các loại động vật có vỏ vì chúng có thể chứa virus và vi khuẩn dễ gây ngộ độc thực phẩm.
TS.BS Christine Gerbstadt, chuyên gia dinh dưỡng đã đăng ký ở Sarasota, Fla., đồng thời là người phát ngôn của Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ, cho biết: Những người bị viêm gan nên nói chuyện với bác sĩ của họ về việc uống vitamin tổng hợp mỗi ngày 1 lần. Vitamin B nói riêng có thể giúp hỗ trợ quá trình chữa lành của gan.
Tuy nhiên, cũng theo TS. Gerbstadt, người bệnh viêm gan cần đảm bảo không nạp quá nhiều vitamin và khoáng chất nhất định thông qua việc sử dụng thực phẩm bổ sung, vì một số loại có thể gây tổn thương gan. Hãy thận trọng với:
- Sắt
- Vitamin A
- Vitamin B3 (niacin)
- Vitamin C
- Vitamin D
Bệnh nhân viêm gan muốn dùng thực phẩm bổ sung phải luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thử bất kỳ chất bổ sung hoặc thảo dược nào, không tự ý sử dụng, không lạm dụng.
Theo suckhoedoisong.vn