Sốt xuất huyết đã trở thành một dịch bệnh do nhiễm virus, có thể có các biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị đúng cách và kịp thời. Hiện tại vẫn chưa có thuốc chủng ngừa hoặc phương pháp điều trị cụ thể.

Biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất vẫn là diệt trừ muỗi sinh sản và ngăn ngừa muỗi đốt. Khi bị mắc sốt xuất huyết, người bệnh cần được phát hiện sớm và chăm sóc y tế thích hợp để tránh các biến chứng nghiêm trọng.

Chế độ ăn cho bệnh nhân sốt xuất huyết trong thời gian hồi phục - Ảnh 3.

TS. BS. Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng Khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh sốt xuất huyết đóng một vai trò quan trọng trong việc điều trị. Quản lý chế độ ăn uống hợp lý là điều cần thiết để phục hồi sớm và tránh các biến chứng của bệnh sốt xuất huyết.

Tùy từng giai đoạn của bệnh mà thiết kế các chế độ dinh dưỡng phù hợp. Ở giai đoạn đầu, người bệnh thường được cung cấp chế độ ăn lỏng, sau đó là chế độ ăn mềm và chế độ ăn bình thường nhằm cung cấp tối đa các chất dinh dưỡng cho người bệnh.

Chế độ ăn giàu calo, giàu đạm, ít béo, giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa là phù hợp với người bệnh. Uống nhiều chất lỏng - nước lọc, nước ép trái cây tươi, súp rau củ, nước dừa, … là bắt buộc để cơ thể nhanh chóng bù nước giúp phục hồi nhanh chóng.

Nên cho người bệnh ăn thức ăn không cay, dễ tiêu hóa, dung nạp tốt. Lá rau mùi, lá neem (xoan Ấn Độ, loại cây này được trồng chủ yếu ở tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận), lá ổi và lá đu đủ được cho là cực kỳ hiệu quả để tăng cường bạch cầu và số lượng tiểu cầu trong điều trị sốt xuất huyết.

Lưu ý, người bệnh nên tuân thủ theo chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn và giúp người bệnh quay trở lại nhịp sống cũ một cách nhanh chóng.

1. Chế độ ăn nhẹ cho người bệnh sốt xuất huyết khi cơn sốt giảm và người bệnh dần hồi phục

Sau giai đoạn sốt là giai đoạn phục hồi (thường vào ngày thứ 7-10 của bệnh), người bệnh cần tăng năng lượng và đạm, tăng dần lượng ăn cho mỗi bữa ăn. Người bệnh cần ăn uống đầy đủ thực phẩm giàu chất đạm như thịt, cá, trứng, sữa, tôm…

Mỗi ngày nên ăn thêm một bữa phụ giữa các bữa ăn với sữa, cháo, sữa chua, trái cây. Khi người bệnh bắt đầu hồi phục sau đợt nhiễm trùng sốt xuất huyết và chế độ ăn lỏng đã được dung nạp tốt và duy trì tốt, thì nên chuyển sang chế độ ăn mềm.

Chế độ ăn cho bệnh nhân sốt xuất huyết trong thời gian hồi phục - Ảnh 4.

Giai đoạn sau sốt, người bệnh cần tăng thêm bữa và chuyển từ chế độ ăn lỏng sang chế độ ăn mềm. (ảnh minh họa)

Chế độ ăn mềm nên lưu ý: ninh nhừ, dễ dàng nhai và nuốt; dễ tiêu hóa; có thể sử dụng nước chanh hoặc các loại thảo mộc để tăng hương vị cho món ăn. Cùng với chế độ ăn uống mềm, uống nhiều nước như nước trái cây tươi, súp và nước dừa là cần thiết để tiếp tục duy trì sự cân bằng nước và điện giải của cơ thể.

Ngoài ra người bệnh cần tránh lo lắng, ngủ và nghỉ ngơi đầy đủ; sinh hoạt, làm việc, học tập điều độ; tập thể dục nhẹ nhàng vừa sức và tăng dần sẽ giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục.

2. Chế độ ăn uống bình thường trong thời gian hồi phục

Khi bệnh nhân hồi phục và chế độ ăn mềm được duy trì tốt và dung nạp tốt, chế độ ăn mềm dần dần được thay đổi thành chế độ ăn bình thường hàng ngày. Trong thời gian phục hồi, bệnh nhân nên tiêu thụ một chế độ ăn uống giàu calo, chất đạm cao, ít chất béo, không cay, giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Uống nhiều nước là điều cần thiết để phục hồi sức khỏe nhanh chóng. Chế độ ăn cần đảm bảo những yêu cầu sau:

2.1 Đủ năng lượng

Chế độ ăn uống cần cung cấp đầy đủ calo. Điều này là cần thiết để lấy lại sức mạnh của cơ thể đã bị mất trong quá trình nhiễm virus Dengue. Thực phẩm giàu năng lượng như gạo, khoai tây, nước hoa quả, sữa nên được đưa vào chế độ ăn.

2.2 Cung cấp protein

Người bệnh nên duy trì một chế độ ăn giàu protein vì protein cần thiết cho việc sửa chữa các mô của cơ thể. Nên bổ sung các thực phẩm dễ tiêu hóa, giàu protein như sữa, gà hầm, trứng luộc,…

Chế độ ăn cho bệnh nhân sốt xuất huyết trong thời gian hồi phục - Ảnh 5.

Các thực phẩm giàu protein.

2.3 Hạn chế chất béo

Sốt xuất huyết làm giảm khả năng tiêu hóa. Một số người bệnh sốt xuất huyết khó tiêu khi ăn nhiều chất béo. Vì vậy, chế độ ăn uống nên có hàm lượng chất béo thấp. Các thức ăn chiên rán, xào nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn… nên hạn chế; nên lựa chọn các chất béo có lợi cho sức khỏe, dễ tiêu hóa.

2.4 Carbohydrate

Chế độ ăn uống nên giàu carbohydrate vì chúng là nguồn năng lượng chính. Carbohydrate dễ tiêu hóa được ưu tiên hơn thực phẩm nhiều chất xơ. Gạo, yến mạch được ưa chuộng hơn lúa mì và kê.

2.5 Tăng cường vitamin và khoáng chất

Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất là điều cần thiết. Vì vậy, nên bổ sung nhiều súp rau củ mới chế biến và nước ép trái cây tươi trong chế độ ăn uống. Những loại trái cây này không chỉ cung cấp vitamin và khoáng chất mà còn là nguồn giàu chất chống oxy hóa và nhiều chất phytochemical đóng vai trò có lợi trong việc phục hồi nhanh chóng của người bệnh sốt xuất huyết. Uống nước dừa và nước chanh,… cũng rất tốt cho những người bệnh này.

Chế độ ăn cho bệnh nhân sốt xuất huyết trong thời gian hồi phục - Ảnh 6.

Các loại trái cây và rau xanh chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết giúp người bệnh nhanh hồi phục.

2.6 Cung cấp đủ chất lỏng và nước

Uống nhiều nước là cần thiết để người bệnh cung cấp nước cho cơ thể và loại bỏ các chất độc ra khỏi cơ thể. Người bệnh đang hồi phục sau sốt xuất huyết nên uống nhiều nước nhất có thể. Thực phẩm dạng lỏng như nước trái cây, súp, nước dừa, … cũng cung cấp thêm nước. Hạn chế tối đa các nước ép trái cây đóng gói công nghiệp.

2.7 Sử dụng gia vị tối thiểu

Sốt xuất huyết có liên quan đến các biến chứng tiêu hóa như buồn nôn, nôn,… và có nguy cơ xuất huyết tiêu hóa. Vì vậy, một chế độ ăn không cay, nóng được khuyến khích cho những người bệnh này. Nên sử dụng tối thiểu các loại gia vị trong khi chế biến.

Theo suckhoedoisong.vn