Theo các bác sĩ BV K, ung thư khoang miệng là vấn đề sức khỏe toàn cầu với tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong ngày càng tăng. Có rất nhiều yếu tố được xác định là yếu tố nguy cơ gây bệnh như hút thuốc lá, uống rượu, ăn trầu, vệ sinh răng miệng kém, thậm chí chế độ dinh dưỡng kém, thiếu vitamin A và/hoặc ß-caroten cũng là yếu tố nguy cơ gây ung thư biểu mô khoang miệng.
Mặc dù không có một chế độ ăn uống cụ thể nào có thể ngăn ngừa ung thư khoang miệng nhưng một số loại thực phẩm và chất dinh dưỡng đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ phát triển căn bệnh này.
Chế độ ăn uống lành mạnh, bổ dưỡng là một phần quan trọng trong hành trình của bệnh nhân ung thư. Cơ thể hoạt động tốt nhất khi ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Vitamin, khoáng chất giúp tăng cường sức mạnh và mức năng lượng.
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bị ung thư khoang miệng
Ung thư miệng khoang miệng và cách điều trị như xạ trị, phẫu thuật… có thể ảnh hưởng đến việc ăn uống của người bệnh, gây khó khăn khi nuốt, khô miệng, thay đổi vị giác, sụt cân. Xạ trị ở đầu hoặc cổ có thể làm cho cổ họng của người bệnh rất đau. Việc ăn uống, nuốt thường khó khăn hoặc đau đớn trong một thời gian. Những vấn đề này khiến người bệnh rất khó ăn uống, dễ dẫn đến sụt cân và dinh dưỡng kém. Vì vậy, trong quá trình điều trị ung thư, đa số người bệnh cần phải thay đổi để duy trì chế độ ăn uống lành mạnh.
Rất nhiều người trên khắp thế giới mắc các loại bệnh ung thư khác nhau và ung thư khoang miệng là một trong số đó. Tùy tình trạng sức khỏe, giai đoạn bệnh, loại ung thư… sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau như xạ trị, hóa trị, phẫu thuật.
Trong quá trình hóa trị, xạ trị, nhiều tế bào khỏe mạnh bị phá hủy. Cơ thể phải làm việc chăm chỉ để chống lại các tế bào ung thư và giải quyết những tổn thương đối với các tế bào khỏe mạnh do xạ trị hoặc hóa trị. Vì vậy, người bệnh ung thư nói chung cần dinh dưỡng tốt để thực hiện các chức năng cơ thể khác nhau. Các chất dinh dưỡng không chỉ giúp thực hiện các chức năng của cơ thể mà còn giúp sửa chữa các tế bào bị hư hỏng.
Đối với bệnh nhân ung thư khoang miệng, việc ăn uống gặp nhiều khó khăn khiến cơ thể người bệnh có nhiều nguy cơ suy kiệt, vì vậy người bị ung thư miệng cần kiên nhẫn tuân theo các hướng dẫn của bác sĩ điều trị, điều dưỡng chăm sóc về chế độ ăn uống để phục hồi nhanh chóng.
2. Tham khảo một số thực phẩm nhiều dinh dưỡng tốt cho người bệnh
Các chuyên gia của BV K cho biết duy trì chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với hoạt động thể dục thể thao giúp tăng sức miễn dịch, bảo vệ cơ thể trước nguy cơ bệnh tật. Để tăng cường sức khỏe và ngừa nguy cơ ung thư biểu mô khoang miệng, cần nhiều loại trái cây, rau quả trong chế độ ăn hàng ngày. Các vitamin và chất chống oxy hóa chứa trong các loại thực phẩm này được chứng minh có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh ung thư khoang miệng.
Ăn thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
Những người mắc bệnh ung thư nên cố gắng bổ sung các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa vào chế độ ăn uống vì chất chống oxy hóa giúp chống lại các gốc tự do và các tế bào sản sinh ung thư trong cơ thể. Vitamin A và chất chống oxy hóa còn giúp chống lại những tác động xấu do xạ trị, hóa trị trong cơ thể.
Bệnh nhân ung thư khoang miệng nên bổ sung các loại quả mọng khác nhau như dâu tây, quả việt quất, quả mâm xôi trong chế độ ăn uống. Chúng rất giàu chất chống oxy hóa và các chất dinh dưỡng khác giúp chống lại các tế bào ung thư. Thành phần có trong quả mọng còn làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư.
Cá
Người bệnh có thể bổ sung cá giàu acid béo omega-3 vào chế độ ăn uống của mình. Cá rất giàu protein và giúp phục hồi nhanh chóng.
Các loại rau
Những người mắc bệnh ung thư khoang miệng nên bổ sung các loại rau lá hoặc họ cải trong chế độ ăn uống vì chúng là nguồn giàu thành phần giúp chống lại ung thư. Các thành phần có trong các loại rau này cũng giúp làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư trong cơ thể.
Ăn trái cây họ cam quýt
Trái cây họ cam quýt rất giàu vitamin C giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Những loại trái cây này còn có các đặc tính khác giúp chống lại bệnh ung thư. Lưu ý, nên ăn trái cây họ cam quýt bằng cách thêm chúng vào món tráng miệng vì điều đó giúp trung hòa tác dụng acid của các loại trái cây này.
Dầu ô liu
Nghiên cứu cho thấy dầu ô liu cũng hữu ích trong việc ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư. Vì vậy, những người mắc bệnh ung thư khoang miệng nên sử dụng dầu ô liu trong chế biến thực phẩm. Chất dinh dưỡng trong dầu ô liu cũng có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Nhưng nên ưu tiên chế biến bằng phương pháp hấp, tránh chiên, rán nhiều dầu mỡ.
Uống nhiều nước hơn
Những người mắc ung thư khoang miệng cần uống nhiều nước hơn, hoặc bổ sung nước từ súp, sữa, trà... Nếu bác sĩ không yêu cầu hạn chế uống chất lỏng, người bệnh phải cố gắng uống ít nhất 8-10 ly chất lỏng mỗi ngày. Chú ý uống chất lỏng từ từ thay vì uống hết một khẩu phần mỗi lần.
Ăn nhiều bữa nhỏ trong khoảng thời gian ngắn
Người bệnh nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, có thể chia bữa ăn của mình từ sáu đến tám lần, ưu tiên ăn những thực phẩm có giá trị calo cao.
Thêm các món ăn đầy màu sắc
Sinh tố rất giàu protein cung cấp cho người bệnh lượng calo cần thiết. Những người bệnh gặp khó khăn khi nuốt có thể sử dụng sinh tố để tăng cường năng lượng và tăng lượng calo, đáp ứng nhu cầu protein. Bổ sung vào chế độ ăn các loại trái cây nhiều màu sắc như dưa hấu, cà rốt... để tăng cường hệ miễn dịch. Nếu cảm thấy khó nuốt thức ăn thô do lở loét miệng, người bệnh nên ăn súp, thức ăn nghiền và xay nhuyễn.
3. Các lưu ý về dinh dưỡng với người bệnh ung thư khoang miệng
Chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng Stacy Ching của Queen Health System chia sẻ những mẹo giúp bệnh nhân ung thư khoang miệng vượt qua những thách thức của việc ăn uống lành mạnh. Lời khuyên hàng đầu của Stacy là: "Cố gắng ăn uống trong suốt cả ngày - bao gồm các loại thực phẩm có nhiều calo và protein hơn".
Một vài thay đổi đơn giản có thể giúp bữa ăn trở nên dễ chịu hơn, giúp người bệnh cảm thấy khỏe hơn để chống lại bệnh tật. Dưới đây là một số mẹo và thủ thuật để kiểm soát các tác dụng phụ của ung thư khoang miệng.
Mẹo chung cho bữa ăn
- Ăn khi cảm thấy khỏe nhất, bất kể thời điểm nào trong ngày.
- Tập trung vào các bữa ăn nhỏ thường xuyên thay vì các bữa ăn lớn theo truyền thống.
- Đôi khi mùi của thức ăn gây khó chịu và dẫn đến buồn nôn ở những người bị ung thư khoang miệng. Những bệnh nhân như vậy nên tránh ăn thức ăn nóng, nên ăn thức ăn lạnh, tránh mùi thức ăn trong bếp.
- Sử dụng đồ dùng một lần hoặc bằng nhựa nếu đồ dùng bằng kim loại có mùi vị khó chịu.
Mẹo về đồ uống
Chất lỏng là một phần thiết yếu trong chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư và người bệnh cần uống nhiều chất lỏng trong ngày.
- Chuẩn bị đầy đủ nước, nước ép, súp, trà, sữa…
- Uống nhiều nước thường xuyên trong ngày.
- Ăn sinh tố trái cây tươi và bột protein.
- Ăn đá bào hoặc kẹo không đường.
Mẹo về thực phẩm
Chọn các thành phần giàu dinh dưỡng khi chế biến hoặc ăn thực phẩm. Người bệnh có thể cần thêm protein và calo.
- Hãy xem xét lại cách chế biến các món ăn, chẳng hạn như thực phẩm mềm, ẩm hoặc những món được nấu lỏng có thể dễ ăn hơn.
- Dự trữ những món ăn nhẹ dễ làm và nhanh chóng như yến mạch, trứng, sữa chua đông lạnh, phô mai…
- Ưu tiên các loại trái cây, rau quả không có tính acid như dưa lưới, dưa hấu, rau bina và cà rốt.
- Hạn chế ăn thịt đỏ, thay thế bằng thịt gia cầm và cá.
- Tránh đường và thực phẩm chế biến sẵn.
Chế độ ăn mềm, lỏng
Người bệnh nên ăn thức ăn mềm hoặc xay nhuyễn và uống từng ngụm chất lỏng. Khi cơn đau họng giảm dần thì tăng lượng thức ăn.
Bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng sẽ đánh giá xem người bệnh ung thư khoang miệng có cần đặt ống truyền thức ăn vào dạ dày hay không để duy trì chất dinh dưỡng lỏng qua ống. Điều này giúp giảm sụt cân trong quá trình điều trị.
Tránh ăn chất béo, đường và rượu
Những người bị ung thư miệng phải tránh ăn chất béo, đường, rượu. Những thực phẩm này chứa lượng calo rỗng và còn là nguyên nhân sản sinh ra nhiều tế bào ung thư hơn trong cơ thể.
Theo suckhoedoisong.vn