Gia đình cháu đông con, hòa thuận. Cháu là chị của 3 đứa em, đã có người yêu được gần 1 năm, khá hợp tính, trừ quan niệm về quan hệ tình dục trước hôn nhân. Nhà cháu coi việc giữ mình là luật, người yêu cháu thì luôn thuyết phục cháu cho anh ấy “thám hiểm” cơ thể cháu.

Thế nhưng, cứ đặt tay được vào chỗ này thì anh ấy tiếp tục di chuyển đến chỗ khác, có lần này thì anh ấy muốn ngay lần sau. Anh bảo: “Người có lòng tốt thì khi người ta xin ngụm nước liền biếu thêm chén cơm chứ ai như em, lúc nào cũng giữ khư khư. Cứ như thế này, sớm muộn sẽ có ngày anh rời xa em”.

Cháu không muốn đánh mất lòng tin của cha mẹ và các em nên có lẽ cháu đành chấp nhận mất người yêu. 

Nguyễn Thị B. 

(17 tuổi, học sinh một trường nghề, TPHCM) 

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Trong cuốn sách Người nữ thuần khiết (tác giả Crystalina Evert) có đoạn: “Chàng trai nào sẽ muốn một cô gái thuần khiết? Tất cả các chàng trai đều muốn. Vấn đề là họ không muốn sống trong sạch khi còn trẻ. Vì vậy, đừng thỏa hiệp với lợi ích của họ. Đừng bao giờ sợ rằng một người sẽ rời bỏ bạn trừ khi bạn cho anh ta thỏa mãn tình dục bằng cách nào đó. Hãy để anh ấy sợ mất bạn nếu không biết tôn trọng bạn!”.

Từ hơn chục năm trước, trào lưu sống thử và quan hệ tình dục trước hôn nhân được nhiều bạn trẻ Việt tung hô, ai vẫn giữ mình bị xem là cổ hủ. Quan niệm “sống thoáng” được chấp nhận vì cái lợi trước mắt, với suy nghĩ đơn giản rằng thế là tân tiến, cởi mở, hòa nhập xu thế. Những người lên tiếng bênh vực lối “sống thả”, “yêu hiện đại” cho rằng chỉ là “thử”, chắc sẽ không gây hậu quả gì.

Vậy mới có chuyện sau khi đã thuyết phục bạn gái yêu hết mình, chính chàng trai lại sợ bạn gái mình “ngựa quen đường cũ” sẽ dễ dãi, ngoại tình, lăng nhăng; nhiều thanh niên đòi “tận hưởng” với bạn gái nhưng không chấp nhận vợ mình từng “ăn cơm trước kẻng”, họ cho phép bản thân quan hệ với người này người kia nhưng lại không muốn cưới một người vợ như vậy. Họ đã biến mình trở thành con người nhẫn tâm khi vừa quan hệ với (các) cô bạn gái vừa thầm xem thường họ. 

Một số bạn có trách nhiệm với hành động “vượt rào”, dù gặp trắc trở vẫn quyết đi đến kết thúc đẹp - đám cưới. Có bạn thử xong, nhận ra không phù hợp nhau về tính cách nhưng bị cái án “đã quan hệ” trói buộc thành ra khó nghĩ: “Giờ mà nói chia tay thì thể nào cô ấy cũng nghĩ mình là thằng đểu, quất ngựa truy phong sau khi no xôi chán chè. Còn nếu cứ cố gắng lấy về thì không hiểu sẽ phải chịu đựng nhau thế nào”.

Có cặp chóng vánh “gạo nấu thành cơm” lại lo sau này thành vợ chồng, chuyện ấy sẽ trở nên cũ mòn vì cả hai đã quá rành. Nhiều chàng chỉ coi đó là chiến tích tình trường để khoe khoang; không ít anh sau khi tỏ tường, cảm thấy nhạt, lại háo hức đi khám phá cái mới…

Chính những người đàn ông từng “thử đi thử lại” ấy, sau khi lập gia đình và có con đã trải lòng: trong lúc yêu, người con trai hay đòi hỏi người yêu “đã tin là phải cho” nhưng khi người bạn gái dâng hiến thì trong suy nghĩ của người con trai lúc nào cũng lởn vởn suy nghĩ:

1. Cô ấy dễ với mình thì đối với người khác chắc cũng vậy.

2. Trước khi đến với mình, liệu cô ta đã dâng hiến cho ai chưa.

3. Yêu đương thì lựa người thoáng và chịu chơi nhưng khi lấy làm vợ thì chọn người an toàn, đáng tin.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Những thanh niên tham gia trào lưu sống thử đời đầu, nay đã làm cha, thường trở nên nghiêm khắc với con cái qua kinh nghiệm xương máu của bản thân.

Câu hỏi dành cho cháu: “Cháu có thực sự muốn được một chàng trai yêu thương, tôn trọng?”. Nếu câu trả lời là “Có” thì chàng trai nào theo đuổi cháu phải đủ nam tính để chinh phục được trái tim cháu hơn là chỉ chiếm lấy cơ thể cháu. Bằng cách cư xử, đi đứng, trò chuyện, ăn mặc, giữ giới hạn trong quan hệ…, cháu có thể mời gọi một thanh niên trở thành một quý ông hay một kẻ săn tình.

Người ta gọi sự thuần khiết và đoan trang là vị thần bảo vệ tình yêu, bởi nó đặt ra tiêu chuẩn cho sự tôn trọng. Ngay cả sau khi kết hôn, 2 phẩm chất đó vẫn giữ được lực hút với người bạn đời.

Cháu mất người yêu vì không cho anh ấy thử nhưng thanh thản vì cảm thấy hài lòng với sự lựa chọn của mình. Còn nếu đi ngược với giá trị sống của bản thân và gia đình, cháu sẽ chỉ thấy ấm ức và hối tiếc, trong đầu lúc nào cũng hiện lên từ “giá như…”.

Theo phụ nữ TPHCM