Từng ngày sống của cháu đều bị áp lực ghê gớm. Ai cũng bảo cháu sướng mà còn kêu gì: nhà có điều kiện, đi học trường tốt, không bị bạn học tẩy chay hay bắt nạt, thỉnh thoảng được đi du lịch…

Mọi người không hiểu rằng thứ áp lực cháu phải chịu đựng đến từ những lời kêu ca phàn nàn, than phiền, báng bổ, chỉ trích… cháu nghe từ những người xung quanh dù là nhắm vào mình hay vào người khác. Bực quá cháu cũng đáp trả bằng những lời tương tự, để rồi sau đó lại tự trách mình tệ quá.

Cháu muốn chấm dứt “căn bệnh” này.

Nguyễn Phúc T. 

(học sinh lớp Mười hai, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)


Ai cũng biết than phiền là cách để con người thể hiện suy nghĩ tiêu cực, bộc lộ sự không hài lòng, nhắc nhở người khác chú ý đến vấn đề và giải tỏa cảm xúc đang dồn nén. Mặt tích cực là bất kỳ cảm xúc nào của mình cũng được nhận biết, gọi tên, trân trọng và điều đó có lợi cho sức khỏe tinh thần. Nếu để tích tụ lâu ngày có thể gây ra phản ứng tâm lý tiêu cực (căng thẳng, áp lực, chán nản, thậm chí trầm cảm).

Tuy nhiên, tần suất, đối tượng và thời điểm “xả lũ” không hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng “đầu độc” bầu không khí xung quanh và làm mình trở nên xấu xí trong mắt mọi người. Người hay than phiền, theo luật hấp dẫn, sẽ thu hút những thứ khiến họ càng “bán than” nhiều hơn; theo năm tháng dần trở thành thói quen ca thán, thành lối sống phàn nàn.

Cháu hãy rủ ai đó cùng tham gia kế hoạch nhỏ với mình (đầu tiên là mời người thân trong gia đình, bạn bè trong nhóm, tiến đến mở rộng trong lớp, trên mạng xã hội…) chấp nhận thử thách sống 21 ngày mà không than phiền.

Đây là sáng kiến của Will Bowen - tác giả cuốn Thế giới không phàn nàn (A Complaint Free World). Ông cho rằng suy nghĩ tiêu cực tựa như những hạt giống ta gieo vào thế giới này. Bằng cách than phiền, chúng sẽ bén rễ và ngày càng sinh ra nhiều yếu tố tiêu cực. Ông đưa ra 1 cách rèn luyện nhận thức đơn giản nhưng hiệu quả là mời mọi người tham gia trò chơi: đeo chiếc vòng màu tím vào cổ tay, mỗi lần phàn nàn, phải đổi chiếc vòng sang cổ tay kia và bắt đầu lại từ ngày 0. Có phiếu ghi chép để dễ theo dõi, cho đến khi liên tục 21 ngày không thốt ra lời than phiền nào là hết 1 liệu trình. 21 ngày là thời gian để 1 quả trứng được ấp nở ra 1 con gà, cũng là thời gian tối thiểu con người thiết lập 1 thói quen mới.

Cháu có thể thay chiếc vòng tím bằng thứ khác nhưng vẫn phải chơi đúng luật, nên chơi theo nhóm để thêm hứng thú và có cơ hội chia sẻ những cảm nhận/kinh nghiệm với nhau.

Bác sĩ Hoa Tiêu còn nhớ: khi nhận lời tham gia thử thách cùng nhóm 5 người, ngay ngày đầu tiên đã có 1 người rất đạo đức (chẳng khi nào nói lời thô lỗ chứ đừng nói là chửi tục, cũng chẳng bao giờ nói xấu ai) phải đổi vòng từ tay này sang tay kia. Thì ra khi có việc cần ra đường, vừa bước ra cửa, trời bất chợt đổ mưa, bạn buột miệng “than trời trách đất”. Một người khác thì kêu: “Đồ ngu! Đá kiểu gì vậy” khi xem trận đá banh trên ti vi. Người khác thực nghiệm được 7 ngày, lỡ miệng càu nhàu khi gặp chuyện bất như ý… Tất cả tự giác về số 0.

Đến khi cả nhóm hoàn thành thử thách, hẹn gặp nhau để ăn mừng, vòng của ai cũng bạc màu và giãn vì tháo ra đổi cổ tay quá nhiều, chỉ có vòng của 1 cô bạn trong nhóm vẫn như mới. Mọi người xúm vào khen ngợi, chúc tụng: “Biết mà, bạn lúc nào cũng ngoan hiền, vui tươi”, “Tuyệt quá, người không đánh cũng thắng đây rồi”… Cô ấy bẽn lẽn thú thật rằng đây là chiếc vòng mới còn chiếc vòng tham gia trò chơi đã bị đứt vì tháo ra quá nhiều lần.

Không than phiền sẽ giúp đầu óc thư thái, có thêm thời gian để nghỉ ngơi, làm việc có ích, khiến ta hạnh phúc hơn. B. Franklin tùng nói: “Tôi chưa bao giờ thấy một người siêng năng và trung thực dậy sớm rồi than phiền số phận sao quá đen đủi”.

Chúc cháu sử dụng lời nói của mình một cách thông minh, tích cực. 

Theo phụ nữ TPHCM