Vừa ngắm nhìn hàng dãy chiếc xe đạp địa hình “xé gió” - vượt núi trong buổi tập, huấn luyện viên Tadesse Mikiele vừa nghiêm túc ghi chú, thảo luận cùng trợ lý. Lát sau, anh gọi Genet Mekonen - nữ đội trưởng bấy giờ vẫn luôn tụt lại phía cuối hàng, đến trò chuyện. “Mạnh mẽ lên. Cô cần gia tăng tốc độ và cố gắng bứt phá khi xe bắt đầu đổ dốc”, Mikiele dặn dò.
|
|
Các tay đua nữ tích cực tập luyện trở lại, dẫu họ vẫn bị ám ảnh về cuộc nội chiến đẫm máu vừa kết thúc. |
Hai ngày trước vòng đua kế tiếp, vị huấn luyện viên tỏ ra phấn khởi: “Băng qua đồi núi, trên yên xe, họ là một đội thống nhất. Những phụ nữ ấy hỗ trợ nhau mọi lúc”.
Giữa bầu không khí tích cực như thế, thật khó tin rằng mới hơn 1 năm trước, vùng núi Tigray (cực bắc Ethiopia, Đông Phi) nơi nhóm nữ vận động viên tập luyện từng diễn ra chiến tranh khốc liệt. Trong vô số sinh mạng đã nằm xuống vì cuộc nội chiến đau thương giữa quân tự trị Tigray chống lại quân đội Ethiopia, có cả người thân, bạn bè của những phụ nữ nhiệt huyết này.
Tìm kiếm hy vọng sau bi kịch
Gần đây, các đội đua xe đạp của Tigray, bao gồm nhóm tay đua nữ thuộc câu lạc bộ Mekelle 70 Enderta do Mikiele dẫn dắt, đang hăng say tập luyện trở lại. Đây là dấu hiệu cho thấy đời sống người dân dần quay về trạng thái bình thường sau 2 năm chiến tranh tàn khốc. Nạn đói, cảm giác bất ổn vẫn hiện diện ở một số khu vực, nhưng ít nhất nơi địa hạt thể thao, hy vọng đang được hồi sinh.
Thời điểm nội chiến diễn biến căng thẳng, mạng internet và dịch vụ điện thoại tại Tigray bị ngắt hoàn toàn. Viện trợ tài chính, y tế không thể tới tay người dân. Phụ nữ nơi đây chịu tổn thương đặc biệt nặng nề. Các chuyên gia từ Liên Hợp Quốc lên án hành vi xâm hại và cưỡng ép phụ nữ làm nô lệ tình dục của quân đội hai bên. Ước tính, hơn 600.000 người đã thiệt mạng ở miền bắc Ethiopia.
“Tôi không thể diễn tả bằng lời những gì mình từng trải qua. Chiến tranh thật khủng khiếp”, Mekonen bày tỏ, sau một buổi luyện tập cùng đồng đội. “Tôi còn không dám tin mình đã sống sót”.
|
|
Mekonen, đội trưởng nhóm nữ tuyển thủ của câu lạc bộ Mekelle 70 Enderta, được chăm sóc vết thương do va chạm sau một giải đấu ở thành phố Axum, miền bắc Ethiopia. |
Tigray nổi tiếng trong lịch sử quốc gia Đông Phi về văn hóa đua xe đạp. Dù sở hữu địa hình tự nhiên quanh co – nguy hiểm, vùng đồi núi này vẫn hấp dẫn giới vận động viên chuyên nghiệp. Đáng tiếc, chiến tranh tàn ác đã cướp đi sinh mạng, hoặc buộc gần phân nửa số tay đua nữ bản địa phải di cư. Mekelle 70 Enderta, đặt trụ sở tại thành phố thủ phủ của Tigray, nay chỉ còn lại 8 nữ tuyển thủ.
Một tay đua nữ của câu lạc bộ, cũng là quân nhân từng trải qua gần 12 tháng chiến đấu nơi tiền tuyến, bày tỏ niềm xúc động khi được tái ngộ đồng đội: “Có lúc tôi đã nghĩ mình không thể sống qua ngày mai, chứ đừng nói đến việc quay lại đường đua xe đạp”.
COVID-19 “kìm chân” họ gần 3 năm, ngay sau đó lại là một cuộc chiến đẫm máu. Mekonen cho biết: “Đua xe đạp đường trường đòi hỏi bạn phải rèn luyện liên tục, nếu muốn tranh tài trong môi trường chuyên nghiệp. Nhưng vì thời cuộc, chúng tôi bị ‘mắc kẹt’ suốt thời gian dài”.
“Là đồng đội - là gia đình”
Câu lạc bộ của Mekonen có thể hoạt động đến tận ngày nay, đều nhờ nỗ lực miệt mài và sự hy sinh thầm lặng của nhóm vận động viên cùng các huấn luyện viên. Tháng trước, họ tham dự một giải đấu kéo dài vài ngày tại Axum, thành phố từng bị tàn phá nặng nề vì nội chiến.
|
|
Những tay đua nữ của Mekelle 70 Enderta được người dân chào đón tại Axum. |
Trên nhiều đoạn đường nơi người dân ùa ra chào đón - cổ vũ đoàn đua, chỉ cách đây mấy năm, quân tự trị đã giết hại hàng trăm đàn ông, trẻ nhỏ. Đoạn ký ức đen tối ấy vẫn “bủa vây” thành phố. Trước khi giải đấu chính thức mở màn, nghi thức tưởng niệm nạn nhân chiến tranh đã được tổ chức.
Các cô gái của đội đua Mekelle 70 Enderta chưa nhận được đồng lương nào từ tháng 10/2020, 1 tháng trước khi nội chiến bùng nổ. Họ đang sống tạm trong một khu ký túc xá. Đội được ăn uống, nghỉ ngơi miễn phí tại đây, nhưng không có bất kỳ chi phí hỗ trợ nào khác.
“Chúng tôi không thể mua quần áo, kể cả xà phòng tắm giặt. Nhưng chúng tôi vẫn bám trụ, vì thể thao, vì cả đội”, tuyển thủ Serkalem Taye chia sẻ. Cô tin rằng, có một “sợi dây liên kết chặt chẽ” giữa nhóm vận động viên. “Chúng tôi không chỉ xem nhau như đồng đội, mà còn như chị em cùng một nhà. Kết quả một giải đấu không chỉ là chiến thắng của một người, mà là vì cả nhóm. Nên chúng tôi luôn nâng đỡ nhau”.
Taye tiết lộ từng bị bố mẹ ép buộc nghỉ thi đấu, vì nỗi lo chiến tranh. “Tôi đã mất nhiều bạn bè vì cuộc chiến này. Quay lại với thể thao là lựa chọn khó khăn, nhưng mọi người ở Tigray giống như gia đình thứ hai của tôi. Tôi không thể bỏ rơi gia đình mình”, cô nói.
Tại Đại hội Thể thao châu Phi (African Games) diễn ra tại Ghana hồi đầu năm nay, tất cả 6 vận động viên nữ đại diện cho Ethiopia đều đến từ Tigray – 3 trong số này thuộc câu lạc bộ Mekelle 70 Enderta.
Với huấn luyện viên Mikiele, đây là thành tựu vô cùng đáng tự hào, đặc biệt khi “vết thương” chiến tranh còn chưa lành hẳn. Anh bày tỏ: “Có lúc chính tôi cũng mệt mỏi, nản lòng. Nhưng tôi không muốn họ thất vọng. Những nữ tuyển thủ ấy đã hy sinh rất nhiều vì thể thao”.
Theo phụ nữ TPHCM