Từ nhỏ, cha mẹ đã cho con học bơi. Con yêu thích môn thể thao này, luôn tham gia các hoạt động bơi lội ở trường và thường xuyên luyện tập, thi đấu. Lúc trước thì không gặp trở ngại gì nhưng từ khi lên cấp III, cơ thể con thay đổi số đo và xuất hiện lông ở vùng hõm nách, “ngã ba”.
Mỗi lần con thay sang đồ bơi là các bạn cười khúc khích và nhắc con phải chịu khó triệt lông gọn gàng vùng đó cho khô thoáng. Con đáp: “Những gì của tự nhiên thì cứ để nguyên. Tạo hóa ban cho con người không dư thứ gì, mỗi thứ đều có ý nghĩa và chức năng riêng”.
Hiện chúng con đang tranh cãi cách xử lý lông nách (lô-na) và “cỏ” ở vùng kín: 1/ Dọn sạch, 2/ Chỉ xén phần ngọn, 3/ Có sao để vậy. Xin bác sĩ cho lời khuyên.
Một nữ sinh lớp Mười một (quận Bình Thạnh, TPHCM)
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Cơ thể người có 2 loại lông: lông tơ được bao phủ khắp người và lông cứng mọc ở vùng đầu, cung lông mày, mi mắt, hõm nách, vùng kín. Lông cứng nhận nhiệm vụ:
- Bảo vệ da - niêm mạc, làm giảm những tác động cọ xát với quần áo, tránh tổn thương khi hoạt động hằng ngày.
- Cân bằng nhiệt độ và độ ẩm tại chỗ.
- Ngăn cản vi khuẩn và bụi bẩn xâm nhập gây viêm nhiễm.
Đúng là có 3 cách xử lý:
1. Khi vào viện, có trường hợp thầy thuốc chỉ định bệnh nhân phải cạo sạch “đám cỏ lạ” khi chuẩn bị sinh thường, mổ đẻ, phẫu thuật vùng bụng hoặc bị bệnh rận mu, vùng kín có mùi hôi và ngứa… để dễ dàng vệ sinh và bôi thuốc. Sau đó, lông mọc lại bình thường.
2. Trường hợp cắt tỉa phần ngọn lông nách cũng phổ biến như người ta thường xuyên cắt tóc hay bấm/giũa móng tay, móng chân. Các cô gái cắt tỉa “lô-na” để tự tin diện áo 2 dây, áo sát nách. Tương tự, chẳng có gì đáng ngại nếu có ý định làm sạch lông vùng kín khi chúng quá rậm rạp. Có thể cắt tỉa phần ngọn bằng kéo, để lại khoảng 2 - 3cm, không cần làm quá thường xuyên cũng không nên dùng dao cạo, vì lông mọc lại sẽ cứng và gây ngứa.
Tỉa ngắn giúp gọn gàng, lại dễ dàng vệ sinh trong ngày “đèn đỏ”, không bị ẩm gây nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn phụ khoa. Việc tẩy lông cứng không chỉ liên quan đến vệ sinh thân thể mà còn tùy vào quan điểm thẩm mỹ.
Một đồng nghiệp của bác sĩ Hoa Tiêu làm điều dưỡng ở nước ngoài tâm sự: “Thỉnh thoảng chăm sóc các nữ bệnh nhân trong ADL (viết tắt của Activities of Daily Living: hoạt động thường nhật, thuật ngữ dùng trong y học để chỉ việc chăm sóc bản thân hằng ngày của người bệnh) thấy đa phần họ đều tiễn đám cỏ ấy đi hết, ngoại trừ người da màu và Nam Á.
Tuy nhiên, người gốc Á, nhất là giới trẻ hiện giờ, cũng đã dọn sạch hoặc tỉa tót nhiều hơn. Họ bắn bằng máy laser cầm tay, chỉ qua 15 lần bắn đã không thấy mọc lại sau 1 năm. Nhờ vậy mỗi lần mặc bikini đi bơi an tâm, không sợ mấy “em” lông nổi loạn lộ ra, tới ngày chu kỳ cũng sạch sẽ, khô thoáng.
3. Với các bạn gái giữ quan điểm “có sao để vậy”, chỉ cần vệ sinh “vùng sâu vùng xa” kỹ hơn. Cháu lưu ý chọn đồ bơi dài tay, chọn quần bơi có đệm ở vùng tam giác sẽ đảm bảo được tính thẩm mỹ. Sau khi đi bơi về, tắm lại, sấy khô người, chọn đồ lót bằng cotton vì các lỗ chân lông có nguy cơ viêm tắc rất cao do vùng da này thường xuyên bị bịt kín, nóng ẩm, không được thoáng khí.
Có nhiều cách xử lý “cỏ” tại nhà, cháu có thể tham khảo ý kiến người lớn trong nhà và áp dụng.
Theo phụ nữ TPHCM