Con là người “thù dai nhớ lâu” trong tình cảm: yêu 1 người duy nhất từ hồi cấp III nhưng chúng con không đến được với nhau. Sau khi chia tay, con không yêu ai. Nay con 19 tuổi, gia đình mai mối con với người mới nhưng con không thể quên được bóng hình bạn trai cũ để bước sang trang khác của cuộc đời. Nhiều người khen con quá chung thủy, nhiều người trách con ngu dại.
Tại sao con không thoát được ám ảnh của ký ức?
Một bạn nữ giấu tên (quận 3, TPHCM)
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Các nhà tâm lý học khẳng định rằng ghi nhớ và lãng quên là 2 công đoạn của quá trình trí nhớ, diễn ra song song. Nhờ quên cái cũ mà con người có thể ghi nhớ những cái mới. Trong não người cũng đã cài đặt sẵn sự lãng quên. Khi não đấu tranh với cảm giác đau khổ, buồn bã, thất tình, nó không ngừng tiết ra một chất gọi là cannabinoid. Chất này giúp ký ức mờ dần. Nhà sinh vật học người Pháp tên Isabelle Mansuy nghiên cứu và chứng minh rằng não người có chức năng quên lãng tự nhiên để gạt bỏ những thông tin vô dụng, từ đó tiến hành tự bảo vệ hệ thống ký ức. Vì vậy, việc quá ghi nhớ những gì đau buồn, tiêu cực là một vấn đề tâm lý, cần điều chỉnh.
Những người mắc chứng “quá thủy chung” cũng chỉ là trường hợp đặc biệt của hội chứng tâm lý mang tên “hội chứng nhớ quá độ” (hyperthymestic syndrome). Những ám ảnh đau thương của quá khứ chiến tranh, những mất mát lớn do thiên tai, hỏa hoạn gây ra, nỗi kinh hoàng của một vụ tai nạn, sự đau đớn của mất mát người thân sẽ trở thành lực cản để chúng ta có cuộc sống bình thường nếu chúng không bị quên dần.
Với những người mắc chứng nhớ quá độ, cần có sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý trị liệu. Những lời khuyên thông thường, sự phân tích lợi hại, sự khích lệ động viên của người thân không mấy hiệu quả, bởi nó đã quá đà, trở thành khó kiểm soát lý trí của chính người trong cuộc. Phải dùng những “liệu pháp” khác nhau mới giúp người ta quên dần quá khứ của mình.
Nhiều người khổ sở vì không thể quên hình bóng người xưa dù họ rất muốn quên. Họ khát khao làm sao sau một giấc ngủ, sáng tỉnh dậy, thấy mình đã quên chuyện cũ, sống vui vẻ, thanh thản để mở rộng vòng tay đón yêu thương mới vào lòng. Tuy nhiên, họ nói rằng “người ơi, khi cố quên là khi lòng nhớ thêm”. Nhưng gần đây, các nhà khoa học Mỹ đã tìm ra loại “thuốc lú” có tác dụng xóa nhòa ký ức thống khổ của người bị thương tổn tâm lý. Đó là thuốc propranolol.
Thật ra, đây là thuốc điều trị huyết áp cao nhưng có tác dụng phụ là làm suy giảm trí nhớ. Các nhà khoa học trên thế giới đang tranh cãi về tác dụng của loại thuốc này. Nó giúp người ta quên đi những nỗi ám ảnh buồn đau của quá khứ nhưng cũng làm mất luôn những kỷ niệm tốt đẹp muốn lưu giữ. Để giải quyết vấn đề trên, nhà khoa học Stefano Zago cho rằng phải kết hợp tâm lý trị liệu với sử dụng thứ “thuốc lú” này cho những người mắc chứng “nhớ quá độ”.
Có người nói, việc gì phải buồn nếu bạn và người cũ không đến được với nhau. Hãy vui vẻ chúc phúc cho họ đi chứ! Thực tế thì trên đời, mấy ai có thể rạch ròi chuyện tình cảm. Người ta hết yêu nhưng vẫn còn thương, còn bồi hồi với những ký ức cũ.
Mấy năm đã qua không phải là cháu không thể quên được đối phương, chẳng qua là cháu vẫn loay hoay nâng niu, thủy chung đối với tình cảm của chính mình.
Trước tiên, cháu hãy tìm hiểu về chứng “quá thủy chung” để tự gỡ những rong rêu đang bám vào những chiếc vây trên mình con cá, rồi tự do nhẹ nhàng bơi lội trong vũng nước và tự tin bơi ra hồ nước rộng. Cháu cũng nên đăng ký học thêm cái mới để mở rộng tầm nhìn và các mối quan hệ. Cháu phải tăng cường học vấn và kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng.
“Bảo tàng ký ức” của cháu sẽ có những kỷ niệm mới, hiện vật mới phong phú hơn là chỉ mỗi lối mòn của mối tình thời cấp III. Chúc cháu điều chế “thuốc quên” thành công.
Theo phụ nữ TPHCM