Chị không mắc bệnh mạn tính, bệnh phụ khoa trước đó. Bệnh nhân đau vùng hạ sườn phải, đau tăng lên khi hít sâu và khi ho, hắt hơi, không sốt, không khó thở, đại tiểu tiện bình thường, không ra khí hư.

Bệnh nhân đã được điều trị ở nhiều bệnh viện theo hướng viêm loét dạ dày nhưng tình trạng bệnh không cải thiện. Đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính có thuốc cản quang, kết quả cho thấy bao gan dày và ngấm thuốc cản quang. 

Hội chứng FHC, hay còn gọi là viêm bao gan. Bác sĩ phẫu thuật mở bụng cho thấy sự bất thường khu trú ở màng bụng vùng phía trước, góc bên phải của gan, liền kề vùng màng bụng mặt cơ hoành.

Được điều trị theo phác đồ, sức khoẻ chị cải thiện và ra viện sau 1 tuần điều trị.

Một trường hợp khác là nữ bệnh nhân 46 tuổi, vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa với lý do đau bụng vùng hố chậu và hạ sườn phải.

Cách vào viện 1 ngày, bà xuất hiện đau bụng vùng hạ vị và hạ sườn phải dữ dội, đau tăng khi thay đổi tư thế, hít thở sâu, sốt nhẹ, ra khí hư âm đạo, không nôn, không bí trung đại tiện.

hoi-chung-fhc.png

Hình ảnh các dây chằng giữa mặt trước gan và thành bụng qua nội soi. Ảnh: BSCC

Cũng nhận chẩn đoán mắc hội chứng viêm bao gan, bệnh nhân được điều trị giảm đau, giãn cơ và kháng sinh trong 6 ngày, tình trạng viêm nhiễm có cải thiện (bệnh nhân hết sốt, không còn ra khí hư âm đạo). Tuy nhiên bệnh nhân vẫn đau, triệu chứng đau này hầu như không cải thiện nhiều.

Ngày thứ 7 nằm viện, bệnh nhân được chỉ định nội soi ổ bụng can thiệp. Bác sĩ đã gỡ dính, cắt các dây chằng bao gan, lau sạch ổ bụng. Sau mổ điều trị kháng sinh phối hợp, bệnh nhân hết dần các triệu chứng, ra viện.

Hội chứng không hiếm gặp nhưng dễ bỏ sót, nhầm lẫn

Hội chứng Fitz-Hugh-Curtis (FHC) mà nữ bệnh nhân mắc phải thuộc nhóm bệnh lý viêm nhiễm vùng tiểu khung. Đây là bệnh lý không hiếm gặp trên lâm sàng, tuy nhiên nhiều ca bệnh còn bỏ sót do đòi hỏi các xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán. 

Việc chẩn đoán gặp khó khăn vì dễ nhầm với các bệnh lý bụng cấp tính khác như viêm túi mật, viêm ruột thừa…

Tác nhân vi sinh hay gặp gây bệnh là Chlamydia trachomatis, Neisseria gonorrhoeae, vi khuẩn kị khí,… Chúng có thể xâm nhập theo 3 con đường, gồm:

- Từ đường sinh dục qua vòi trứng vào trong ổ bụng. Biến chứng bao gồm: Viêm tử cung, viêm – áp xe vòi trứng,…

- Theo đường bạch huyết, như từ các dụng cụ trong tử cung theo đường dây chằng rộng.

- Theo đường máu.

Dấu hiệu lâm sàng của hội chứng FHC

Hội chứng FHC thường gặp ở bệnh nhân nữ trong độ tuổi sinh đẻ vào viện vì đau bụng nửa trên bên phải. Đau do sự dính của bao gan vào thành bụng, đau liên quan đến thay đổi tư thế, tăng lên khi vận động, khi hít thở. 

Cần lưu ý, triệu chứng này có thể gặp ở nhiều bệnh lý khác nhau: viêm túi mật, tràn dịch màng phổi bên phải, áp xe gan, áp xe dưới hoành,…

Các bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh – Bệnh viện 108 cho hay tình trạng đau có thể lan lên vai phải, mặt trong cánh tay phải, và đau tăng khi vận động. Một số trường hợp có thể có sốt, rét run, ra mồ hôi trộm, buồn nôn và nôn; hoặc đau đầu, nấc và khó chịu. 

Các triệu chứng chủ yếu do viêm bao gan gây nên, trong khi các triệu chứng do viêm nhiễm vùng tiểu khung thường mờ nhạt, một số trường hợp có thể có ra khí hư.

Ai dễ bị hội chứng FHC, điều trị, phòng bệnh ra sao?

Những đối tượng sau có nguy cơ mắc hội chứng FHC: Tuổi dưới 25, lần đầu quan hệ tình dục dưới 15 tuổi, tiền sử bệnh lý viêm nhiễm vùng tiểu khung – sinh dục, sử dụng các biện pháp tránh thai đặt trong tử cung.

Hội chứng FHC là một bệnh lý nhiễm khuẩn. Vì vậy điều trị bằng các kháng sinh để bao phủ các tác nhân gây bệnh như lậu cầu, Chlamydia trachomatis,…

Bản chất của bệnh là bệnh nhiễm khuẩn từ đường sinh dục. Vì vậy, phòng bệnh là chống nhiễm khuẩn, nhất là đường sinh dục.

- Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng các biện pháp phòng chống các bệnh lây qua đường tình dục.

- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là đường sinh dục.

- Cần đến cơ sở y tế kịp thời để thăm khám và điều trị bệnh khi có triệu chứng bệnh.

Theo suckhoedoisong.vn