1. Có an toàn khi cho con bú khi bị sốt, cảm cúm, cảm lạnh?
Cho con bú sữa mẹ là an toàn khi người mẹ mắc các bệnh thông thường như viêm họng, ho, sốt, cảm cúm, cảm lạnh...
Sữa mẹ tạo ra kháng thể để bảo vệ con ngay cả trong trường hợp có người bên cạnh hắt hơi, sổ mũi.
Mẹ nên tiếp tục cho con bú sữa mẹ kể cả đang dùng thuốc kháng virus để điều trị các triệu chứng giống như cúm. Sữa mẹ được sản xuất đặc biệt dành riêng cho con, cung cấp các kháng thể mà trẻ cần để chống nhiễm trùng. Vì vậy, tiếp tục cho con bú có thể bảo vệ con khỏi bị nhiễm trùng mà cơ thể mẹ đang chống lại. Trong trường hợp mẹ bị cảm lạnh, sốt hoặc thậm chí là mắc COVID, mẹ cũng không nên ngừng cho con bú.
Lý do việc cho con bú lại quan trọng đối với con ngay cả khi mẹ bị bệnh:
Ngăn ngừa cai sữa sớm: Ngừng cho con bú đột ngột có thể khiến người mẹ có nguy cơ bị căng sữa, tắc ống dẫn sữa hoặc viêm vú cũng giống một sự thay đổi đột ngột đối với hệ thống tiêu hóa và miễn dịch của bé. Trẻ bắt đầu ăn dặm càng sớm càng có tỷ lệ thiếu máu do thiếu sắt cao hơn, nguy cơ nhiễm trùng và các vấn đề về cân nặng cao hơn.
Cải thiện khả năng miễn dịch: Sữa mẹ chứa các kháng thể và các yếu tố miễn dịch khác có thể giúp bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi bệnh cúm và là nguồn dinh dưỡng được khuyến nghị cho trẻ sơ sinh, ngay cả khi người mẹ bị bệnh. Nếu mẹ quá ốm không thể cho trẻ bú mẹ nên được khuyến khích và hỗ trợ vắt sữa thường xuyên để trẻ tiếp tục nhận được sữa mẹ.
Nguồn dinh dưỡng toàn diện: Sữa mẹ chứa tất cả các chất dinh dưỡng thiết yếu, kháng thể và các yếu tố quan trọng khác cho sự tăng trưởng và phát triển. Vì vậy, điều quan trọng là cố gắng tiếp tục cho con bú trong đa số trường hợp.
2. Khi nào nên tránh cho con bú?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, các bà mẹ nên tránh cho con bú hoặc cho con bú sữa mẹ vắt ra nếu:
- Trẻ được chẩn đoán mắc bệnh galactosemia cổ điển, một chứng rối loạn chuyển hóa di truyền hiếm gặp.
- Mẹ bị nhiễm virus lymphotropic tế bào T ở người loại I hoặc loại II.
- Mẹ nghi ngờ hoặc đã xác nhận mắc bệnh do virus Ebola.
- Mẹ đang sử dụng ma túy.
Trong trường hợp ngộ độc thực phẩm vẫn có thể cho con bú vì khi các triệu chứng giới hạn ở đường tiêu hóa (như nôn mửa hoặc tiêu chảy) thì không có nguy cơ lây nhiễm trùng cho trẻ. Tuy nhiên, nếu ngộ độc thực phẩm nặng tiến triển thành nhiễm trùng máu, vi khuẩn thường đã xâm nhập vào máu thì nên tránh cho con bú. Trên thực tế, điều này là rất hiếm, do đó người mẹ hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu lo lắng nguy cơ ngộ độc thực phẩm có thể gây nguy hiểm cho trẻ.
3. Mẹ uống thuốc có an toàn khi cho con bú không?
Một số thuốc an toàn trong khi cho con bú như paracetamol và ibuprofen nhưng vẫn cần được sự đồng ý của bác sĩ. Mẹ không nên tự mua và thận trọng khi dùng thuốc kháng sinh, hãy đi khám và hỏi bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể nếu mẹ đã được kê đơn thuốc kháng sinh.
Hầu hết bệnh cảm sẽ thuyên giảm trong vòng vài ngày mà không cần dùng thuốc. Vì vậy, mẹ nên cố gắng tránh dùng thuốc nếu có thể.
Một số loại thuốc có thể có tác dụng phụ đối với trẻ cả khi dùng trực tiếp cho trẻ và khi truyền sang trẻ qua sữa mẹ. Những tác dụng phụ này sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại thuốc và cách trẻ tiếp nhận liều lượng của loại thuốc đó.
4. Cách phòng ngừa khi mẹ bị bệnh để tránh truyền bệnh cho con
Một số lời khuyên phòng ngừa bổ sung cần thực hiện khi mẹ bị ốm để tránh truyền bệnh cho con:
- Không cho núm vú giả hoặc thìa của bé vào miệng trước khi đưa cho con. Điều này có thể khiến vi trùng truyền sang con.
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp, vì đây là cách lây nhiễm dễ dàng nhất.
- Luôn che mũi hoặc dùng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi, bất kể mẹ ở đâu. Những mầm bệnh này rất dễ truyền sang trẻ.
- Đảm bảo uống nhiều nước trong khi mẹ bị ốm để giữ nước và duy trì nguồn sữa mẹ dồi dào. Điều này cũng sẽ giúp giữ cho trẻ đủ nước thông qua sữa mẹ.
- Rửa tay thường xuyên và luôn làm như vậy trước khi cho con bú. Tốt nhất là sử dụng xà phòng và nước nóng hoặc nước sát khuẩn.
- Sử dụng máy hút sữa nếu có thể để tránh tiếp xúc gần và tránh lây lan vi khuẩn càng nhiều càng tốt.
- Đeo khẩu trang khi ở gần con, chẳng hạn như khi cho con bú. Điều này cũng sẽ giúp giảm sự lây lan của vi khuẩn.
Theo suckhoedoisong.vn