leftcenterrightdel
 Để phòng ngừa đột quỵ, cần đi khám để kiểm soát tốt các bệnh lý nền nếu có và hãy duy trì lối sống lành mạnh

* Gần đây, tôi rất hay bị chóng mặt khi vận động quá sức. Ngoài ra, sau mỗi lần uống rượu bia tôi đều cảm thấy uể oải, mệt mỏi, đầu óc quay cuồng. Nhiều người khuyên tôi nên đi kiểm tra vì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ. Liệu tôi có đang bị dọa đột quỵ không? Những ai là đối tượng dễ bị đột quỵ? Tôi cần phải làm gì để kiểm soát và tránh được đột quỵ?

Nguyễn Văn Quốc 
(46 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp, TPHCM)

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Thắng - Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh, Trưởng đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - trả lời: Bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc có bệnh lý về tim mạch là các đối tượng dễ bị đột quỵ. Sở dĩ huyết áp cao là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn tới đột quỵ vì làm tăng áp lực máu đến tim, thúc đẩy xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim - mạch vành, khiến các động mạch tổn thương.

Theo đánh giá, khoảng 77% trường hợp đột quỵ lần đầu có liên quan đến tình trạng tăng huyết áp. Tiếp đến, rung nhĩ là một trong những bệnh lý tim mạch có nguy cơ gây đột quỵ cao nhất (chiếm khoảng 50% số ca bệnh). Người bị đột quỵ do các bệnh lý tim mạch có nguy cơ tái phát đột quỵ cao. 

Không chỉ riêng tình trạng huyết áp, tim mạch bất ổn dẫn tới đột quỵ mà còn có cả bệnh đái tháo đường. Thống kê cho thấy người bị đái tháo đường có nguy cơ đột quỵ cao gấp sáu lần. Ngoài ra, lối sống cũng đóng vai trò không nhỏ, những ai hay uống rượu bia, hút thuốc lá, thức khuya, căng thẳng kéo dài có nguy cơ dễ bị đột quỵ hơn bình thường. Như vậy, để phòng ngừa đột quỵ, bạn cần đi khám để kiểm soát tốt các bệnh lý nền nếu có và hãy duy trì lối sống lành mạnh.

Theo phụ nữ TPHCM