Chủ động cải thiện giãn tĩnh mạch chân bằng chế độ ăn uống
Cập nhật lúc 23:59, Thứ hai, 02/10/2023 (GMT+7)
Có thể phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch chân - một bệnh dễ gây biến chứng nguy hiểm - bằng các biện pháp đơn giản; cũng có thể chủ động cải thiện và phòng ngừa bằng việc thay đổi thói quen và chế độ ăn uống.
Tránh đi giày gót cao thường xuyên hoặc đi trong thời gian dài. Việc này gây áp lực lên chân, dễ dẫn đến tình trạng suy giãn tĩnh mạch chân. Cách tốt nhất, nếu không quá bắt buộc (do tính chất công việc) thì nên thay bằng loại giày, dép có đế thấp để tốt cho tĩnh mạch và cơ bắp chân. Nếu đi giày gót cao thì cố gắng hạn chế việc đi trong thời gian dài.
Một số bài tập để chủ động và phòng ngừa giãn tĩnh mạch chân gồm nâng cao chân và xoa bóp.
Trong đó, đối với bài nâng cao chân, thực hiện bằng cách sau khi tập thể dục hoặc đi bộ nhanh, nằm trên giường, gác chân lên gối cao hoặc gác chân lên tường từ 10-15 phút. Động tác này giúp giảm áp lực của trọng lực lên các mạch máu và hỗ trợ lưu thông máu tốt hơn.
Bên cạnh đó, có thể áp dụng xoa bóp nhẹ nhàng và đều phần bắp chân, cẳng chân để hỗ trợ máu lưu thông qua các tĩnh mạch tốt hơn. Tuy nhiên, lưu ý không ấn trực tiếp lên tĩnh mạch.
Trong chế độ ăn uống, người bị giãn tĩnh mạch chân cần tránh ăn quá nhiều muối vì nó có thể góp phần làm tăng huyết áp, từ đó có thể ảnh hưởng đến tất cả mạch máu trong cơ thể. Cần tăng cường thực phẩm chứa kali. Kali sẽ giúp hạn chế khả năng giữ nước và giảm nồng độ natri.
Những thực phẩm giúp tăng lượng kali là hạnh nhân, khoai tây, rau lá xanh và cá hồi. Ngoài ra, các loại thực phẩm như bắp cải đỏ, trà, chocolate đen và trái cây họ cam quýt... có thể góp phần làm cho máu lưu thông máu tốt hơn, giảm huyết áp trong động mạch và làm giãn thành mạch máu, giảm suy giãn tĩnh mạch chân.
Theo laodong