Dưới đây là 5 thói quen ăn uống xấu có thể gây rụng tóc, theo các chuyên gia.
1. Hạn chế calo
Nếu bạn thường xuyên tiêu thụ ít calo đáng kể, rụng tóc có thể là một trong những tác dụng phụ.
Calo cung cấp năng lượng cho cơ thể bạn, từ vận động hằng ngày và tập thể dục cho đến năng lượng cần thiết để phát triển các nang tóc.
Mọi người đều cần có một lượng calo cơ bản trong một ngày để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của mình.
Nếu lượng calo của bạn thấp hơn nhiều so với mức này, bạn có thể gây nguy hiểm cho cơ thể mình.
|
Chế độ ăn kiêng cấp tốc và các hình thức ăn uống hạn chế khác đã được ghi nhận dẫn đến các tác dụng phụ như rụng tóc
|
Trên thực tế, chế độ ăn kiêng cấp tốc và các hình thức ăn uống hạn chế khác đã được ghi nhận dẫn đến các tác dụng phụ như rụng tóc.
Mặc dù mối quan hệ giữa tiêu thụ năng lượng và rụng tóc có thể chưa được hiểu đầy đủ, nhưng việc thiếu chất dinh dưỡng liên quan đến chế độ ăn ít calo có thể là nguyên nhân, theo Eat This, Not That!
2. Thiếu đạm
Khi mức tiêu thụ calo quá thấp để hỗ trợ các chức năng cơ bản và nhu cầu năng lượng, có khả năng lượng protein cũng quá thấp.
Protein có thể hỗ trợ sửa chữa, tăng trưởng và duy trì các mô cơ thể - bao gồm cả tóc.
Chất dinh dưỡng đa lượng này cũng đóng một vai trò trong việc cân bằng chất lỏng và độ pH trong cơ thể.
Keratin là dạng protein chính cung cấp cấu trúc cho tóc và protein bạn tiêu thụ thông qua chế độ ăn uống được sử dụng để sản xuất chất sừng này.
Khi lượng protein trong chế độ ăn uống quá thấp để hỗ trợ sự phát triển của tóc, chất lượng tóc có thể bị giảm sút và dễ xảy ra tình trạng rụng tóc.
3. Thiếu kẽm
Kẽm là một khoáng chất hỗ trợ hơn 100 enzym thực hiện các chức năng của chúng.
Nó có vai trò hỗ trợ hệ thống miễn dịch, tạo DNA, sửa chữa các mô và xây dựng protein.
Với những chức năng như vậy, sự thiếu hụt kẽm có thể tự biểu hiện theo nhiều cách trong cơ thể.
Rụng tóc là một tác dụng phụ đã biết của tình trạng thiếu kẽm, có thể là do vai trò của kẽm trong việc tạo ra protein.
May mắn thay, trong một số nghiên cứu, việc bổ sung kẽm sau khi rụng tóc do thiếu hụt dường như giúp tóc mọc lại.
4. Thiếu sắt
|
Những thực phẩm giàu chất sắt
|
Một khoáng chất khác có nhiều chức năng trong cơ thể là sắt.
Vai trò phổ biến nhất của nó là hỗ trợ sức khỏe của máu và hỗ trợ các tế bào hồng cầu (RBC) vận chuyển oxy đi khắp cơ thể.
Khi tình trạng thiếu sắt trở nên nghiêm trọng, nó có thể ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển oxy đúng cách của hồng cầu và các mô, bao gồm cả tóc, có thể bị suy yếu.
Một nghiên cứu năm 2013 đã xem xét mối quan hệ giữa thiếu sắt và rụng tóc, và kết quả cho thấy sắt có thể đóng vai trò quan trọng hơn đối với chứng rụng tóc ở phụ nữ so với chứng rụng tóc ở nam giới. Trong khi những người đàn ông trong nghiên cứu này cũng bị rụng tóc, ít hơn 23% trong số họ cũng có mức độ sắt thấp, theo Eat This, Not That!
Nghiên cứu này lưu ý rằng việc sàng lọc sắt trong máu có thể hữu ích cho những người bị rụng tóc.
5. Bổ sung quá mức
Mặc dù lượng calo và chất dinh dưỡng không đủ trong chế độ ăn uống có thể dẫn đến rụng tóc, nhưng việc bổ sung quá mức cũng có thể gây rụng tóc.
Tiêu thụ quá nhiều selen, vitamin A và vitamin E có liên quan đến rụng tóc, cũng như các biến chứng liên quan đến độc tính khác.
Một nghiên cứu ghi nhận tác dụng phụ này do bổ sung quá mức cũng chỉ ra rằng không nên bổ sung quá nhiều chất bổ sung dinh dưỡng nếu không bị thiếu hụt.
Để an toàn, tốt nhất bạn nên nói chuyện với bác sĩ để được hướng dẫn bổ sung như thế nào cho hợp lý và giúp bạn giảm rụng tóc, theo Eat This, Not That!
Theo Thanh niên