Nắng nóng gay gắt, không gì hơn là giải nhiệt bằng ly kem mát lạnh. Nhưng chuyên gia lưu ý kem có thể làm tăng mức cholesterol "xấu" LDL rất có hại, nếu không biết cách ăn cho cân đối.
Chuyên gia Kathryn Gilhuly, huấn luyện viên chăm sóc sức khỏe tại San Diego (Mỹ), mách bạn cách hay nhất để ăn kem an toàn cho sức khỏe.
Cô Gilhuly viết: Kem - món giải nhiệt được yêu thích, vốn thường chứa nhiều chất béo bão hòa và đường, chắc chắn có thể góp phần làm tăng mức cholesterol "xấu" LDL và chất béo trung tính - có thể làm tắc nghẽn động mạch, nếu không biết cách tiêu thụ cho cân đối.
Lượng calo trong kem cũng có thể thúc đẩy tăng cân, lại thêm một yếu tố nguy cơ dẫn đến cholesterol cao, theo trang tin sức khỏe Live Strong.
Kem và sức khỏe tim mạch
Chế độ ăn uống thân thiện với tim hạn chế chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và đường. Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến nghị nên hạn chế chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và đường. Kem vừa chứa chất béo bão hòa vừa nhiều đường, nên nếu không biết cách tiêu thụ kem sẽ không tốt cho tim.
"Kiêng" nguồn chất béo bão hòa khác
Một ly kem sô cô la béo ngậy chứa hơn 15 gram chất béo bão hòa - gần bằng nhu cầu của cả ngày theo hướng dẫn của AHA. Vậy nếu muốn ăn 1 ly kem sô cô la đậm đà mà không làm tăng mức cholesterol "xấu" LDL, cần phải "kiêng" hầu hết các nguồn chất béo bão hòa khác, như thịt, pho mát, sữa và các sản phẩm động vật khác, trong ngày đó, chuyên gia Gilhuly lưu ý, theo Live Strong.
Cách để ăn kem sô cô la mà không làm tăng cholesterol
Bạn có thể ăn kem sô cô la mà không làm tăng cholesterol, với điều kiện ngày đó chỉ được phép ăn thêm thực phẩm từ thực vật, như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau, các loại đậu, các loại hạt.
Riêng đối với một số loại thực vật chứa nhiều chất béo bão hòa, như dừa, cũng cần phải hạn chế nếu đã ăn kem.
Nếu muốn ăn kem mà vẫn tiếp tục tiêu thụ các sản phẩm từ động vật, hãy chọn những loại ít chất béo. Và giới hạn số lượng, chỉ nửa ly kem thay vì 1 ly, theo Live Strong.
Theo Thanh niên