Chuyện về vị bác sỹ cứu hàng nghìn trẻ sơ sinh bằng món súp cà rốt
Cập nhật lúc 10:02, Thứ sáu, 27/11/2020 (GMT+7)
Món súp cà rốt đơn giản đã ngăn ngừa bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh và giúp cứu hàng ngàn trẻ em.
Bác sỹ Ernst Moro
Cái tên Ernst Moro có lẽ không còn được đông đảo quần chúng ngày nay biết đến bởi chúng ta không đọc nhiều về ông trong sách và cũng không xem phim về ông trên phim ảnh. Nhưng ngành y trên thế giới đều biết đến vị bác sĩ người Áo này như một thiên tài khoa Nhi - người tiên phong cho những nghiên cứu đột phá giúp cứu sống hàng nghìn trẻ sơ sinh.
Ernst Moro sinh năm 1874 tại Ljubljana, Slovenia, vào thời điểm đó là một phần của Đế chế Áo-Hung.
Ông theo học tại trường đại học ở Graz của Áo và trở thành giáo sư Nhi khoa giảng dạy tại Đại học Heidelberg, Đức. Nhi khoa khi đó chỉ mới phát triển như một lĩnh vực y học độc lập ở châu Âu để giải quyết tỷ lệ tử vong rất cao ở trẻ sơ sinh (lên tới 25%).
Một trong những lý do chính khiến hàng nghìn trẻ sơ sinh tử vong tại thời điểm đó là bệnh tiêu chảy.
Sau một thời gian nghiên cứu, bác sĩ Moro đã tìm ra phương pháp để chữa trị cho những đứa trẻ không may mắc bệnh này. Điều đáng ngạc nhiên là cách chữa bệnh của ông rất đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả.
Ersnt Moro đã đề xuất cho các bé ăn súp cà rốt được nấu theo công thức đơn giản với những nguyên liệu giá rẻ mà bất kỳ tầng lớp nào thời đó đều có thể chi trả.
Trong một bát súp cà rốt của bác sỹ Moro chỉ có ba thành phần: 500 gram cà rốt, nước và muối.
Để nấu món súp cà rốt, trước tiên phải rửa sạch cà rốt và luộc chín cho đến khi cà rốt mềm. Vớt cà rốt ra, nghiền nhuyễn cà rốt, thêm khoảng một lít nước rồi quấy đều. Cuối cùng, nêm chút muối để món ăn có vị đậm đà ngon miệng.
Món súp cà rốt
Món súp cà rốt đơn giản này đã ngăn ngừa bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh và giúp cứu hàng ngàn trẻ em.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các oligosaccharides (một dạng polymer saccharide có chứa một số lượng nhỏ đường đơn) có trong món súp cà rốt này đã ngăn vi khuẩn bám vào thành ruột, nhờ đó ngăn ngừa bệnh tiêu chảy. Tuy về sau, phương thuốc này đã được thay thế bằng thuốc kháng sinh và thuốc trị tiêu chảy nhưng vào thế kỷ 20, món ăn đã giúp giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh một cách đáng kể.
Ngoài món súp cà rốt đã cứu mạng hàng nghìn trẻ em ra, bác sỹ Ernst Moro đã cống hiến rất nhiều công trình nghiên cứu có vai trò làm nền tảng cho khoa Nhi ngày nay.
Ông đã phát hiện ra "phản xạ ôm" hay còn gọi là phản xạ Moro, giúp phát hiện chứng liệt não ở trẻ sơ sinh.
Những nghiên cứu của ông đã mô tả tỉ mỉ các biến đổi và sự hình thành của trẻ trong giai đoạn đầu mang thai, từ đó chỉ ra tầm quan trọng của ba tháng đầu trong thời kỳ mang thai.
Ông đã phát triển một phương pháp xét nghiệm trên da để chẩn đoán bệnh lao. Phương pháp này vẫn còn được sử dụng cho đến những năm 1960.
Ông là người phát hiện ra rằng hệ miễn dịch của những đứa trẻ bú sữa mẹ tốt hơn nhiều so với hệ miễn dịch của những đứa trẻ bú bình.
Bác sỹ Ernst Moro đã cống hiến rất nhiều công trình nghiên cứu có vai trò làm nền tảng cho khoa Nhi ngày nay.
Bác sĩ Moro nghỉ hưu vào năm 1936 và tiếp tục làm việc như một bác sĩ Nhi khoa tư nhân cho đến năm 1948.
Theo vietnamnet