Đầu năm nay, Nidhi Parmer Hiranandani, một nhà làm phim sống ở Mumbai (Ấn Độ), rơi vào tình huống khó xử. Sau hơn 1 tháng hạ sinh con trai, cô nhận ra mình thừa nhiều sữa mẹ dự trữ không sử dụng đến.
“Tủ lạnh nhà tôi chất đống những bịch sữa mà tôi đã hút sẵn, mà hạn sử dụng của sữa mẹ chỉ khoảng 3-4 tháng thôi”, người mẹ 42 tuổi chia sẻ với VICE.
Nhà làm phim Nidhi Parmer Hiranandani. Ảnh: NVCC.
Khi hỏi ý kiến bạn bè và người thân về cách giải quyết chỗ sữa dư thừa, Nidhi nhận được nhiều câu trả lời khác nhau. Có người khuyên rằng hãy sử dụng chúng để tắm cho con, người lại thẳng thừng bảo vứt đi. Tuy nhiên, Nidhi muốn dòng sữa của mình được sử dụng vì mục đích tốt đẹp hơn.
Sau một hồi lướt Internet, Nidhi biết đến hoạt động quyên góp sữa mẹ tại Mỹ. Nhận thấy đây là một việc làm có ý nghĩa lớn, cô nhanh chóng tìm kiếm xem có trung tâm tương tự ở Mumbai hay không.
Cuối cùng, Nidhi quyết định đem tặng những túi sữa cho bệnh viện Surya, theo lời đề nghị của bác sĩ phụ khoa thăm khám cho cô.
Kể từ tháng 5, nhà làm phim 42 tuổi đã quyên góp 42 lít sữa mẹ cho Đơn vị Chăm sóc đặc biệt cho Trẻ sơ sinh (NICU) của bệnh viện Surya, nơi có 65 em bé đang được theo dõi.
Đa số đều nhẹ cân và sinh non, thường được nằm trong lồng ấp đặc biệt, không có mẹ bên cạnh. Các em được chăm sóc hoàn toàn bởi y bác sĩ, hạn chế tiếp xúc với người nhà, nhất là trong thời điểm Covid-19.
Tại Ấn Độ, dữ liệu về số trẻ sơ sinh nhẹ cân không được ghi chép đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng là rất cao.
“Gần đây, tôi ghé qua bệnh viện để xem số sữa mình đóng góp được sử dụng như thế nào. Lúc đó, tôi mới biết có tới hơn 60 đứa trẻ đang rất cần sữa mẹ. Do vậy, tôi quyết định sẽ duy trì hoạt động quyên góp này ít nhất trong một năm”, Nidhi nói.
Bị soi mói, dị nghị
Tương tự các quốc gia khác, Ấn Độ cũng có nhiều “ngân hàng sữa mẹ” với những quy định nghiêm ngặt được đề ra bởi Học viện Nhi khoa. Các bác sĩ cho biết sữa mẹ quyên góp là nguồn thay thế tốt nhất dành cho những em bé không được bú trực tiếp từ mẹ ruột.
Một tủ lạnh đựng sữa mẹ được hút sẵn.
“Tuy nhiên, bạn sẽ chỉ biết đến các ngân hàng sữa mẹ nếu bạn là người cần nguồn cung. Hầu như chẳng có ai quan tâm đến hoạt động quyên góp sữa. Với cả, nhiều người cảm thấy khó chịu khi đứa trẻ không uống sữa của mẹ ruột mà lại lấy từ người dưng”, Munjaal V Kapadia, một bác sĩ phụ khoa ở Mumbai, nói.
Trong xã hội Ấn Độ cũng như nhiều quốc gia khác, nỗ lực giúp đỡ trẻ sơ sinh của Nidhi thường bị dị nghị, coi là không bình thường. Thậm chí, việc cho con bú ở nơi công cộng cũng bị chỉ trích, lên án.
Năm 2018, tạp chí Grihalakshmi đã sử dụng hình ảnh một nữ diễn viên đang cho con bú làm trang bìa nhằm nâng cao nhận thức, xóa bỏ định kiến xã hội về bản năng tự nhiên của người mẹ.
Ngay lập tức, một cuộc tranh cãi lớn xung quanh đã nổ ra trên toàn quốc, đòi tạp chí Grihalakshmi phải hủy số báo đó đi với lý do “hình ảnh dung tục”. Tuy nhiên, tòa án cấp cao Kerala đã ra phán quyết rằng việc mẹ cho con bú “không phải hành động tục tĩu”.
Trên thực tế, những cuộc thảo luận về sữa mẹ đã ít, trò chuyện về việc quyên góp sữa mẹ lại càng hiếm hơn. Ngay cả những phụ nữ mới làm mẹ cũng từ chối bàn luận về chủ đề này và lựa chọn đứng ngoài cuộc.
Cho con bú là một hành vi tự nhiên của phụ nữ nhưng họ lại phải chịu soi mói, chỉ trích.
“Thật ra không phải người mẹ nào cũng trang bị đầy đủ kiến thức về dòng sữa của mình, đặc biệt là những phụ nữ mới lần đầu có con. Nguồn thông tin đầu tiên họ tìm đến thường là người thân và bạn bè, rồi đến Internet. Do đó, họ tự giới hạn mình trong những định kiến xã hội”, bác sĩ Munjaal chia sẻ.
Một cuộc khảo sát nhỏ năm 2017 chỉ ra rằng chỉ 44% phụ nữ Ấn Độ cho con bú trong vòng một giờ sau khi sinh.
Một khảo sát khác vào năm 2018 cho thấy 70% các bà mẹ người Ấn nhận thấy nuôi con bằng sữa mẹ rất khó khăn vì không có không gian cho con bú hoặc người thân, bạn bè từ chối giúp đỡ họ.
Ngoài ra, phụ nữ thường e ngại, không dám quyên góp sữa do sợ chưa đủ cho con của họ, theo một nghiên cứu năm 2019.
Không ít lần Nadhi phải chịu ánh mắt kỳ thị hoặc những câu hỏi khó xử xung quanh quyết định quyên góp sữa của mình.
“Chúng ta thường không nhận ra những định kiến tồn tại trong chính bản thân mình. Nhiều người cảm thấy ngại ngùng khi tôi đề cập đến chủ đề cho con bú hoặc tặng sữa mẹ cho bệnh viện. Nhưng rồi họ chợt vỡ ra rằng đây không phải vấn đề gì to tát, đáng xấu hổ cả”, nhà làm phim chia sẻ.
Theo Zing