Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất và cần thiết cho trẻ khi mới ra đời. Nuôi con bằng sữa mẹ là một biện pháp tự nhiên, kinh tế và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) hoàn toàn trong 6 tháng đầu là chỉ cho trẻ bú mẹ mà không cho ăn, uống bất cứ thức ăn, đồ uống nào khác kể cả nước trắng, trừ các trường hợp phải uống bổ sung các vitamin, khoáng chất hoặc thuốc theo chỉ định của thầy thuốc.
Sinh lý của sự bài tiết sữa mẹ
Phản xạ tạo sữa mẹ
Phản xạ tiết sữa (phản xạ Prolactin): Khi trẻ mút vú sẽ kích thích bài tiết Prolactin. Prolactin đi vào máu, đến vú và làm cho vú sản xuất sữa nên nếu trẻ bú nhiều thì vú mẹ sẽ tạo nhiều sữa.
Phản xạ phun sữa (Phản xạ Oxytoxin): Khi trẻ mút vú sẽ kích thích bài tiết oxytoxin. Oxytoxin có tác dụng làm cho các tế bào cơ xung quanh nang sữa co lại đẩy sữa ra ngoài. Phản xạ Oxytoxin bị ảnh hưởng bởi ý nghĩ của bà mẹ. Khi bà mẹ có những cảm giác tốt như hài lòng với con mình, gần gũi, yêu thương con, luôn tin tưởng vào việc nuôi con bằng sữa mẹ thì sẽ kích thích phản xạ Oxytoxin.
Ức chế tiết sữa: Trong sữa mẹ có một yếu tố phụ được gọi là chất ức chế tạo sữa. Khi một lượng sữa lớn đọng trong vú, chất ức chế sẽ tiết ra làm cho vú ngừng tạo sữa. Vì vậy muốn vú tạo nhiều sữa thì phải tạo cho vú luôn rỗng bằng cách cho trẻ bú thường xuyên hoặc vắt sữa ra.
Các loại sữa mẹ
Sữa non
Là loại sữa mẹ đặc biệt, được tiết ra trong 3 ngày đầu sau đẻ. Sữa non sánh đặc, có màu vàng nhạt hoặc trong. Sữa non chứa nhiều đạm hơn sữa trưởng thành.
Trẻ được bú sữa non trong những bữa bú đầu tiên là rất quan trọng, đặc biệt trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Sữa non đã có sẵn trong vú ngay khi trẻ sinh ra. Không nên cho trẻ bất cứ thức ăn, nước uống nào trước khi trẻ bắt đầu bú mẹ.
Sữa trưởng thành
Sau khoảng 3-4 ngày sữa non chuyển sang sữa trưởng thành. Số lượng sữa nhiều hơn làm 2 bầu vú bà mẹ đầy, căng cứng. Người ta gọi đây là hiện tượng xuống sữa.
Sữa đầu bữa
Là sữa được tiết ra đầu bữa bú của trẻ. Sữa đầu bữa có màu trắng trong, số lượng nhiều và cung cấp nhiều đạm, đường, nước và các chất dinh dưỡng khác.
Sữa cuối bữa
Là sữa được tiết ra cuối bữa bú của trẻ. Bầu vú mẹ lúc này đã hết căng. Sữa cuối bữa có màu trắng đục vì chứa nhiều chất trẻo hơn sữa đầu bữa. Chất trẻo cung cấp nhiều năng lượng cho trẻ giúp trẻ lớn nhanh hơn.
Đáp ứng nhu cầu năng lượng từ sữa mẹ:
Trong 6 tháng đầu sau đẻ, bú mẹ hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng và nước cho trẻ.
Từ 6-12 tháng tuổi sữa mẹ cung cấp 70% nhu cầu năng lượng.
Từ 1-2 tuổi sữa mẹ cung cấp 30-40% nhu cầu năng lượng.
Lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ
Lợi ích đối với trẻ
Là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của trẻ trong 6 tháng đầu. Thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ. Giúp trẻ phát triển trí não tối ưu. Phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp. Sữa mẹ có tác dụng chống dị ứng cho trẻ. Dễ tiêu hóa và hấp thu. Sạch sẽ, luôn sẵn sàng và ở nhiệt độ phù hợp.
Lợi ích đối với bà mẹ
Cho trẻ bú sớm ngay sau khi sinh giúp xổ rau, kích thích co hồi tử cung và giảm nguy cơ chảy máu sau đẻ cho mẹ. Cho trẻ bú ngay và thường xuyên sẽ kích thích tăng cường sản xuất sữa và phòng cương tức vú cho mẹ. Bú mẹ có lợi ích kinh tế cao (tiết kiệm chi phí). Giúp tăng cường tình cảm mẹ con. Giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng cho mẹ. Chậm có kinh và có thai lại giúp mẹ kế hoạch hóa gia đình.
Chế độ dinh dưỡng khi cho con bú
Để có được nguồn sữa tốt và dồi dào cho trẻ, chế độ ăn của bà mẹ nên có đầy đủ chất dinh dưỡng. Vì vậy, bà mẹ cần được ăn, uống nhiều hơn bình thường, không kiêng khem quá mức. Nên hạn chế ăn các thức ăn có nhiều gia vị, không uống rượu, cà phê, và hút thuốc lá.
Chú ý ăn thêm các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như tôm, cua, cá, trứng, sữa, thịt, đậu đỗ, lạc vừng, rau xanh và quả chín. Uống nhiều nước (1.5 đến 2 lít/ngày) vì cơ thể cần nhiều nước cho sự tiết sữa.
Sau 6 tháng tránh thai tự nhiên, người phụ nữ có thể sử dụng một số biện pháp tránh thai, nếu sử dụng thuốc để ngừa thai thì nên sử dụng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Để bà mẹ có đủ sữa nuôi con, nên cho trẻ bú sớm và bú đúng tư thế, cho trẻ bú lần lượt từng bên, hết sữa mới chuyển sang vú bên kia; Cho bú nhiều lần cả vào ban đêm; Sau khi cho trẻ bú, nên vắt hết sữa còn lại bỏ đi hoặc cho vào bình giữ đúng cách; Ăn uống đầy đủ chất, nghỉ ngơi thích hợp....
Sau khi sinh, mẹ nên cho con bú càng sớm càng tốt, để tận dụng nguồn sữa non rất giàu dinh dưỡng và chất diệt khuẩn. Cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu đầu sau sinh giúp trẻ được bú sữa non. Sữa non được xem là chất miễn dịch đầu tiên của trẻ, sữa non có màu vàng nhạt, cô đặc rất giàu chất đạm cũng như các kháng thể, bạch cầu và các vitamin. Kháng thể này không chỉ bảo vệ bé rất tốt trong 6 tháng đầu đời mà còn giúp trẻ phát triển trí não, tăng cường sức đề kháng. Sữa non là sữa sạch, nguyên chất và có khả năng kháng khuẩn. Cho trẻ bú mẹ sớm và thường xuyên, đặc biệt cùng với phương pháp tiếp xúc da-kề-da sớm giữa mẹ và trẻ giúp ổn định nhiệt độ, hô hấp, nồng độ đường trong máu của trẻ và tình cảm khắn khít giữa mẹ và con.
Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ có lợi cho trẻ mà còn có nhiều tác dụng tốt đối với người mẹ thông qua việc cho trẻ bú đã kích thích sự giải phóng hóc môn oxytoxin trong cơ thể mẹ. Hóc môn này làm co dạ con và giảm mất máu sau khi sinh. Những phụ nữ đã từng cho con bú thì nguy cơ bị ung thư vú, ung thư buồng trứng thấp hơn rất nhiều so với những người phụ nữ chưa từng cho con bú.
Theo suckhoedoisong.vn