leftcenterrightdel
Zsófi Karetka và mẹ tại Phòng khám Cleveland khi thực hiện ca ghép gan 

"Với lá gan của mình, mẹ đã sinh ra tôi lần nữa!"

Chạy marathon, Zsófi Karetka đã phải dầm mưa để vượt qua vạch đích tại sân vận động Đại học Toledo (Mỹ). Cô hoàn thành chặng đường với thời gian 4 giờ 21 phút và về đích thứ hai trước sự cổ vũ của bạn bè và người thân. 16 tháng trước, Zsófi đã được ghép gan và người hiến tặng một phần gan cho cô là mẹ cô. Cô sinh viên năm thứ hai Đại học Dayton theo học chuyên ngành Kỹ thuật công nghiệp, đam mê chơi bóng đá, cho biết: "Tôi đã trở lại lối sống như trước đây".

leftcenterrightdel
 Hai mẹ con Zsófi Karetka

Tháng 8/2022, Zsófi bắt đầu năm thứ nhất Đại học Dayton. Vài tuần trước khi nhập học, cô phải nhập viện một tuần tại Bệnh viện Cleveland Clinic Hillcrest vì nhiễm trùng do suy gan. Bà Livia và chồng, ông Levente Karetka, lo lắng khi con gái sống xa gia đình mà trong người lại đang mang bệnh. Ngay khi học kỳ đầu tiên của Zsófi bắt đầu, tình trạng bệnh của cô trở nên tồi tệ hơn. Cô ngày càng mệt mỏi, bị đau dạ dày liên tục, vàng da và vàng mắt - dấu hiệu cho thấy chức năng gan của cô đang bị suy giảm.

Trong khi Zsófi tiếp tục "chiến đấu" với bệnh tật, các bác sĩ ở Cleveland đã đưa cô vào danh sách chờ ghép tạng. Vì gan có thể tái tạo nên gan của người hiến tặng còn sống thường phát triển trở lại sau 6-8 tuần. Cha mẹ của Zsófi bắt đầu trải qua các cuộc kiểm tra để xác định xem họ có phù hợp để hiến gan cho con gái hay không. Giáng sinh năm 2022, mẹ của Zsófi, bà Livia, vui mừng vì có thể là người hiến tạng cho con gái mình.

leftcenterrightdel
 Cả gia đình vui vẻ sau khi Zsófi Karetka đạt thành tích trong chạy marathon

Bác sĩ phẫu thuật cho Livia là Tiến sĩ Choon Hyuck David Kwon, Giám đốc Phẫu thuật gan xâm lấn tối thiểu tại Phòng khám Cleveland. Livia là ứng cử viên cho kỹ thuật phẫu thuật nội soi mà bác sĩ Kwon có thể thực hiện để lấy mảnh gan của người hiến tặng còn sống để ghép gan. Không giống như phẫu thuật mở, bệnh nhân có vết sẹo nhỏ hơn, giảm đau và rút ngắn thời gian hồi phục sau phẫu thuật bằng kỹ thuật nội soi.

Vào tháng 1/2023, ca phẫu thuật từ người hiến tặng còn sống và ca ghép gan đều được hoàn thành mà không có biến chứng. Mặc dù Zsófi phải trải qua cơn đau trong vài ngày đầu sau ca phẫu thuật ghép gan nhưng cô vẫn kiên trì tập đi lại dọc hành lang bệnh viện với sự động viên của cha, người chăm sóc cô trong quá trình hồi phục. Zsófi tâm sự: "Tôi vô cùng biết ơn mẹ. Mẹ đã cho tôi cơ hội sống lần thứ hai. Mẹ đã sinh ra tôi và với lá gan của mình, mẹ sinh ra tôi lần nữa!".

Hai lần cứu mạng mẹ bằng cách hiến gan, thận

Eileen Harlin đã tặng một quả thận và một phần gan của mình cho mẹ cô là Julia Harlin.

Khi gan của bà Julia Harlin (71 tuổi), ở Frederick, Maryland (Mỹ), bắt đầu suy yếu cách đây vài năm, lựa chọn duy nhất để sống sót của bà là ghép gan. Bà sẽ phải đợi hàng tháng hoặc hàng năm để tìm được người hiến tặng có nhóm máu phù hợp cũng như các đặc điểm y tế khác. Là một người cao tuổi, thời gian không hẳn là thuận lợi cho bà. Mặc dù đã có 5 người con nhưng Julia Harlin cho biết, bà không muốn bất kỳ ai trong số họ trở thành người hiến tặng cho mình "vì khi đó tôi sẽ lo lắng cho chúng hơn là lo lắng cho bản thân mình". Tuy nhiên, bà không hề hay biết, Eileen Harlin, con gái của mình và hai anh chị em khác đã nộp đơn xin trở thành người hiến tặng còn sống. Vào tuần lễ Ngày của Mẹ, Eileen Harlin nhận được kết quả xét nghiệm cho thấy cô phù hợp. Khi báo tin cho bố mẹ, cả nhà đều khóc.

leftcenterrightdel
Eileen Harlin đã tặng một quả thận và một phần gan của mình cho mẹ cô là Julia Harlin 

Ca ghép gan đã được thực hiện thành công vào ngày 16/8/2022 tại Trung tâm Y tế, Đại học Maryland ở Baltimore. Thật không may, không lâu sau cuộc phẫu thuật, thận của bà Julia Harlin cũng bắt đầu suy do một tình trạng gọi là hội chứng gan thận, một "tình trạng đa cơ quan của tổn thương thận cấp tính gặp ở những người mắc bệnh gan tiến triển. Các bác sĩ cho biết, tình trạng bệnh buộc bà phải có một quả thận mới. "Tất cả chúng tôi đều bị sốc. Tôi đã khóc vì không thể tin được mình lại phải trải qua điều đó một lần nữa", bà Julia Harlin nhớ lại.

Eileen Harlin một lần nữa được xét nghiệm với tư cách là người hiến tặng còn sống cho mẹ cô và được xác định là người phù hợp. Ca ghép thận đã được thực hiện tại cùng bệnh viện vào ngày 19/12/2023. Theo Daniel G. Maluf, Giám đốc chương trình cấy ghép tại Đại học Maryland, người từng là bác sĩ phẫu thuật của Julia Harlin cho cả hai ca phẫu thuật, đây là ca phẫu thuật kép đầu tiên được thực hiện tại Trung tâm Y tế, Đại học Maryland. Ông Maluf cho biết, ca cấy ghép kép từ người hiến tặng còn sống là cực kỳ hiếm và Eileen Harlin là trường hợp thứ 14 ở Mỹ hiến thận và một phần gan của mình cho người khác qua hai ca phẫu thuật riêng biệt.

leftcenterrightdel
Bà Julia Harlin hạnh phúc bên các cháu 

Sau ca phẫu thuật, ông Maluf cho biết: "Chức năng thận của người mẹ đã phục hồi nhanh chóng. Cả hai mẹ con đều đã về nhà sau 2-3 ngày. Julia là một bệnh nhân tuyệt vời, rất đáng trân trọng. Người hùng của câu chuyện là Eileen, người đã hai lần hiến tạng cho mẹ". Về phần mình, Eileen Harlin khuyến khích mọi người nên nghĩ đến việc hiến tạng để cứu người. Khi nói về mẹ mình, cô chia sẻ: "Tôi biết mẹ muốn sống thêm 20 năm nữa để chứng kiến tất cả các cháu tốt nghiệp đại học, kết hôn và đạt mọi điều mơ ước. Nếu tôi bị bệnh, chắc chắn mẹ cũng sẽ làm điều tương tự vì tôi".

Ngự Bình/Nguồn: ABC News