Cô Dương (Trung Quốc) năm nay 24 tuổi, từ nhỏ đã là người sạch sẽ và ngăn nắp. Ngoài thích dọn dẹp, cô gái trẻ này cũng rất quan tâm tới vệ sinh cá nhân. Ngay cả mùa đông cô cũng phải tắm 2 lần mỗi ngày, vệ sinh vùng kín nhiều lần mỗi ngày. Mọi người xung quanh có người thì ngưỡng mộ, nhưng cũng không ít người thường trêu đùa rằng cô mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) nên mới sạch sẽ quá mức tới vậy.
Mặc kệ người khác nghĩ gì, cô Dương vẫn luôn cảm thấy rất hài lòng với cuộc sống của mình. Cho đến gần đây, cô đột nhiên cảm thấy vùng kín của mình có nhiều điều bất thường. Đầu tiên là hơi ngứa ngáy, có mùi hôi nhẹ sau đó chuyển sang tiết dịch bất thường.
Cô cho rằng những lúc như vậy càng phải chú trọng vệ sinh hơn nên tự ra hiệu thuốc mua một số loại dung dịch làm sạch mạnh hơn. Đồng thời, cô Dương cũng tăng số lần rửa vùng kín mỗi ngày, mỗi khi rửa đều cố gắng làm sạch sâu hơn và rửa kỹ hơn. Nhưng thật không ngờ, tình trạng không được cải thiện mà còn ngày càng nghiêm trọng hơn.
Vùng kín của cô Dương trở nên ngứa ngáy dữ dội, thậm chí có cảm giác đau nhẹ khi cọ vào quần áo hay đi tiểu. Dịch tiết từ trắng đục chuyển sang màu vàng xanh, đặc và có mùi hôi tanh rất khó chịu. Lo lắng vô cùng, cô xin nghỉ làm và tới bệnh viện thăm khám.
Tại đây, bác sĩ cho biết cô bị viêm âm đạo. Càng bất ngờ hơn khi nguyên nhân xuất phát từ chính thói quen sạch sẽ quá mức của cô.
Với vùng kín, sạch sẽ quá cũng có thể hóa thành bệnh!
Khi nhận được kết quả chẩn đoán, cô Dương hoảng hốt vô cùng. Một người sạch sẽ như cô làm sao có thể mắc loại bệnh mà cô luôn cho rằng chỉ người lười vệ sinh vùng kín mới bị. Thậm chí, khi biết rằng lý do đến từ chính thói quen vệ sinh của mình, cô còn liên tục nói rằng bác sĩ đã chẩn đoán sai, yêu cầu bác sĩ thực hiện xét nghiệm lại để tìm ra nguyên nhân thực sự.
Bác sĩ sản phụ khoa Lý Hứa Linh tại Bệnh viện Wanfang (Trung Quốc) cho biết, trên thực tế những trường hợp bị viêm nhiễm phụ khoa do vệ sinh vùng kín quá mức như cô Dương không hề hiếm gặp. Hầu hết họ đều hiểu sai về vệ sinh vùng kín, cho rằng càng sạch càng tốt, rửa càng nhiều và càng kỹ càng tốt nhưng sự thật không phải vậy.
Ông giải thích, âm đạo phụ nữ thực chất có khả năng tự làm sạch ở mức độ nhất định. Nó cũng có một hệ sinh vật bao gồm cả lợi khuẩn và hại khuẩn, cần đảm bảo sự cân bằng của môi trường nội môi vì nó rất quan trọng với sức khỏe phụ khoa.
Khi vệ sinh, rửa ráy quá nhiều sẽ phá vỡ sự cân bằng của hệ vi khuẩn âm đạo. Chưa kể tới, việc vệ sinh quá kỹ hoặc quá mạnh bạo còn gây ra các tổn thương vùng kín, khiến hại khuẩn dễ dàng tấn công và gây viêm nhiễm nhanh hơn. Với trường hợp của cô Dương, cô còn lạm dụng các loại chất tẩy rửa có đặc tính diệt khuẩn quá mạnh, nhiều chất hóa học nên làm mất cân pH, khả năng tự làm sạch cũng như phục hồi của niêm mạc. Nhiều yếu tố kết hợp lại gây ra bệnh viêm âm đạo.
Bác sĩ Lý cũng cho biết thêm, viêm âm đạo là bệnh lý phụ khoa phổ biến, có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào, bất cứ đối tượng nào. Bao gồm cả phụ nữ chưa từng quan hệ tình dục hay phụ nữ đang mang thai, đã mãn kinh. Ngoài gây ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày, sự tự tin cũng như ham muốn và chất lượng tình dục thì viêm âm đạo còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng khác.
Ví dụ như nó là tiền đề cho viêm lộ tuyến cổ tử cung, viêm cổ tử cung, viêm vùng chậu, viêm phần phụ, viêm tắc ống dẫn trứng, viêm lạc nội mạc tử cung… Bệnh tái đi tái lại nhiều lần có thể dẫn tới khó thụ thai, thậm chí là vô sinh. Phụ nữ mang thai bị viêm âm đạo còn có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của sản phụ cũng như thai nhi. Đáng chú ý như làm tăng nguy cơ cơ sảy thai, sinh non… hay thai nhi có thể gặp phải nhiều bệnh lý nghiêm trọng, nhất là các bệnh về da, mắt, hệ hô hấp, trí não…
May mắn là sau 2 tuần dùng thuốc kết hợp với thay đổi thói quen ăn uống, vệ sinh thì tình trạng bệnh lý của cô Dương đã thuyên giảm đi rất nhiều. Nhân trường hợp này, bác sĩ Lý cũng muốn nhắc nhở chị em phụ nữ hãy học cách vệ sinh vùng kín sao cho đúng.
Đầu tiên, đừng nghĩ rửa càng nhiều càng tốt hay càng sạch sẽ thì càng tốt. Nếu không mắc bệnh phụ khoa, chỉ nên rửa vùng kín 1 - 2 lần mỗi ngày. Chỉ cần rửa với nước, tốt nhất là nước ấm. Khi rửa, không nên quá mạnh tay hoặc thọc sâu vào bên trong, cũng đừng lạm dụng các hóa chất tẩy rửa. Nếu có sử dụng chúng, hãy chọn dung dịch vệ sinh chuyên dụng với độ pH phù hợp thay vì dùng sữa tắm, bông tắm để vệ sinh vùng kín.
Đặc biệt là việc thụt rửa âm đạo bằng vòi sen, dạng xịt hay dung dịch tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tổn thương, ảnh hưởng chức năng sinh sản, tăng nguy cơ mắc bệnh phụ khoa. Một nghiên cứu tại Mỹ năm 2016 cũng chỉ ra rằng những phụ nữ thường xuyên thụt rửa có liên quan đáng kể đến việc nhiễm virus HPV.
Ngoài ra, cần lau khô vùng kín sau khi vệ sinh rồi mới mặc đồ lót. Nên lau thấm nhẹ nhàng và chỉ cần lau ở bên ngoài để giữ độ ẩm, cân bằng nội môi. Nhớ giặt khăn lau này cũng như quần lót sau mỗi ngày sử dụng để tránh xa bệnh phụ khoa.
Ngọc Ái/Nguồn: Sohu, ETtoday, Women's Health