Trong chương trình “The Doctor is so Spicy”, bác sĩ tiết niệu Gui Jiahao (Trung Quốc) đã chỉ ra những sai lầm khi đi vệ sinh ảnh hưởng xấu đến đường tiết niệu. Ông cho biết, trên thực tế thì phụ nữ dễ bị bệnh đường tiết niệu hơn và cũng nhìn nhận tầm quan trọng của đảm bảo vệ sinh khi đi tiểu, đại tiện tốt hơn nam giới.
Chính vì vậy mà rất nhiều cô gái không muốn vào nhà vệ sinh công cộng khi buồn vệ sinh vì sợ bẩn và nguy cơ lây nhiễm bệnh phụ khoa. Họ thường cố gắng nhịn cho đến khi về nhà hoặc dùng nhiều cách để tránh nhiễm khuẩn. Phổ biến nhất là lót giấy lên thành bồn cầu khi ngồi hoặc đi tiểu ở tư thế mông không chạm xuống bồn cầu. Thậm chí nhiều người còn dùng tư thế đó khi đi tiểu ở nhà mà không biết thói quen tưởng sạch hóa bẩn này có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu.
Tiểu buốt, tiểu ra máu là triệu chứng cho thấy bạn bị viêm nhiễm đường tiết niệu (Ảnh minh họa)
Để làm rõ hơn tác hại của thói quen đi tiểu trong tư thế mông không chạm vào bồn cầu, bác sĩ Gui đã chia sẻ một ca bệnh thực tế ông điều trị trong thời gian gần đây. Ông kể lại, đó là một cô gái mới ngoài 20 tuổi, cô đến khám bệnh trong tình trạng tiểu buốt, tiểu ra máu.
Trong quá trình thăm khám, cô cho biết mình vốn là một người sạch sẽ. Không chỉ chú trọng việc rửa vùng kín thường xuyên trong ngày mà cô còn tỉ mỉ trong chọn đồ lót, thay và giặt chúng mỗi ngày. Ngay cả khi đại tiện hay tiểu tiện cô cũng cẩn trọng từng chút một để tránh nhiễm khuẩn. Thế nên khi nhận chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu, cô đã rất sững sờ. Nhất là khi bác sĩ chỉ ra nguyên nhân gây bệnh đến từ thói quen đi tiểu của cô.
Tư thế đi tiểu có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu chị em nên tránh
Hóa ra, cô gái này thường xuyên phải làm việc ở bên ngoài nên tần suất sử dụng nhà vệ sinh công cộng cũng rất nhiều. Cô cho biết, vì vậy nên mình luôn đứng khom lưng hoặc đặt hẳn hai chân lên thành bồn cầu với mong muốn bảo vệ vùng kín khỏi vi khuẩn, virus khi đi vệ sinh.
Từ trước đến nay cô luôn cho rằng đó là tư thế đi tiểu tuy hơi khó chịu nhưng tốt cho sức khỏe, cho đến khi đi khám vì tiểu buốt, tiểu ra máu mới tá hỏa vì sự thật hoàn toàn ngược lại. Bác sĩ Gui cho biết, có thể nói rằng bàng quang của cô “chứa đầy vi khuẩn” vào thời điểm thăm khám. Do tư thế đi tiểu tưởng tốt mà hại kia khiến cô bị đọng lại nước tiểu trong bàng quang một thời gian dài, cứ lặp đi lặp lại gây nhiễm trùng đường tiết niệu.
Ông giải thích, việc nước tiểu đọng lại trong bàng quang có thể dẫn đến rò rỉ nước tiểu giữa các lần đi tiểu và nhiễm trùng đường tiết niệu. Trong trường hợp nghiêm trọng, nước tiểu có thể chảy ngược về phía thận, gây tổn thương thận và các bệnh tiết niệu nghiêm trọng hơn.
Kiểu đi tiểu này khiến cơ nâng hậu môn căng thẳng, niệu đạo không thể thả lỏng, bàng quang co bóp nên xảy ra hiện tượng “mất điều hòa bàng quang niệu đạo”. Khi bàng quang phải tiêu tốn nhiều năng lượng hơn để hoàn thành động tác đi tiểu, lâu ngày sẽ khiến thành bàng quang phì đại và xơ hóa.
Cứ như vậy lâu ngày sẽ dẫn đến rối loạn tiểu tiện, tiểu không sạch, tiểu rắt, tiểu buốt, viêm bàng quang và thậm chí là tiểu không tự chủ. Ngoài ra, những người thường xuyên nhịn tiểu hoặc hay dùng lực rặn mạnh khi đại tiện sẽ khiến cơ vùng chậu không thể thả lỏng, niệu đạo co thắt lại, ảnh hưởng đến quá trình tiểu tiện.
Theo bác sĩ Gui, tư thế đi vệ sinh tiêu chuẩn với loại bồn cầu ngồi là bạn phải ngồi lên thành bồn cầu và chạm mông vào nó. Trong khi đó, đầu gối và mắt cá chân phải tạo thành góc 90 độ, đồng thời hai chân chạm hẳn xuống đất, dùng một chút lực ở bàn chân để các cơ có thể đẩy nước tiểu ra hiệu quả hơn, không gây sót lại nước tiểu.
Nếu muốn đảm bảo vệ sinh, bạn có thể lau, rửa hoặc sát khuẩn thành bồn cầu trước và sau mỗi lần đi tiểu. Dùng giấy để lót cũng là lựa chọn không tồi nhưng cần tránh nước tiểu thấm vào giấy gây phản tác dụng.
Ngồi xổm khi tiểu tốt hơn nhưng không phải là ngồi kiểu đặt hai chân lên thành bồn cầu (Ảnh minh họa)
Mặc dù ngồi xổm với hai chân trên thành bồn cầu cũng là một tư thế đi tiểu tốt cho đường tiết niệu nhưng rất phản cảm, dễ bị trượt chân, hư hại bồn cầu. Thay vào đó, tốt nhất là bạn nên ưu tiên loại bồn cầu bệt có thể ngồi xổm.
Ngọc Ái