Bác sĩ Y học cổ truyền Liêu Vạn Chung (Trung Quốc) giải thích, suy buồng trứng sớm là tình trạng các chức năng của buồng trứng ngừng hoặc suy giảm hoạt động. Điều này gây khó khăn hoặc không thể thực hiện được chức năng sản sinh ở nữ giới.
Giống như bất kỳ bộ phận nào khác của cơ thể, buồng trứng cũng lão hóa theo thời gian và tuổi tác. Thông thường thì quá trình lão hóa buồng trứng sẽ bắt đầu vào thời kỳ mãn kinh, khoảng sau 40 tuổi.
Tuy nhiên, bác sĩ Liêu cảnh báo rằng hiện nay có rất nhiều phụ nữ trẻ bị suy buồng trứng sớm, chủ yếu ở khoảng tuổi 30 - 35 và thậm chí có cả trường hợp dưới 18 tuổi. Bà cũng bày tỏ sự quan ngại về việc chị em phụ nữ còn chủ quan, dễ bỏ qua các triệu chứng sớm, dẫn đến bỏ lỡ thời gian điều trị bệnh. Một bệnh nhân 37 tuổi mà bà điều trị thành công gần đây nhất cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Người phụ nữ này họ Trần, cô kết hôn khá muộn và cố gắng suốt 2 năm vẫn không thể thụ thai. Lúc đầu, cô Trần cũng chỉ cho rằng vì mình và chồng đều hơi lớn tuổi nên việc có con không thể vội vàng. Nhưng sau một thời gian dài dùng đủ mọi cách vẫn không thành công, cộng thêm gia đình nội ngoại hai bên liên tục thúc giục chuyện sinh con nên cô quyết định đến bệnh viện thăm khám.
Tại đây, cô Trần nhận được chẩn đoán suy buồng trứng sớm khá nghiêm trọng. Đáng buồn hơn khi bác sĩ chỉ ra rằng cô đã bỏ lỡ 4 triệu chứng đặc hiệu của bệnh trong suốt một thời gian dài.
Các dấu hiệu của suy buồng trứng sớm và cách phòng tránh
Kết quả xét nghiệm máu cho thấy chỉ số chống hormone Mullerian (AMH) của cô Trần thấp. AHM cho biết chức năng dự trữ buồng trứng có tốt hay không và phản ánh “độ tuổi” của buồng trứng, tình trạng mãn kinh của phụ nữ. Chỉ số này ở cô Trần là 1,5 ng/ml trong khi giá trị bình thường phải là 2 - 6,8ng/ml. Tức là số lượng trứng rất ít, cộng thêm (hormone kích thích nang trứng (FSH) cao tới 14,2 mIU/ml (bình thường <8) cho thấy chức năng buồng trứng đang suy giảm nghiêm trọng.
Bác sĩ Liêu khá bất ngờ khi điều tra bệnh sử và biết bệnh nhân có các triệu chứng bất thường đã nhiều năm nhưng lại chủ quan, không đi thăm khám. Suy buồng trứng sớm có 4 triệu chứng đặc hiệu, dễ nhận biết nhất thì cô Trần có đủ cả bốn. Bao gồm rối loạn kinh nguyệt, đặc điểm kinh nguyệt bất thường, giảm ham muốn và đau rát khi quan hệ tình dục, mất ngủ và bị bốc hỏa vào ban đêm.
Cụ thể, khoảng từ sau 30 tuổi cô Trần thường xuyên bị rối loạn kinh nguyệt. Cô cho biết kinh nguyệt của mình rất ít khi đến đúng ngày, có khi 2 tháng mới có một lần. Kể từ khi bước sang tuổi 32, kinh nguyệt đến đều hàng tháng nhưng lượng máu kinh giảm đi chỉ còn khoảng 40% so với trước. Số ngày hành kinh cũng giảm từ 5 ngày xuống còn 2 ngày.
Máu kinh của cô cũng có nhiều bất thường. Nó có màu đỏ sẫm và thường xuyên xuất hiện vài cục máu đông. Dù rất muốn có con nhưng cô cũng khá khổ sở vì ham muốn tình dục ngày càng giảm, lúc quan hệ với chồng còn bị đau rát. Cộng thêm bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm và khó ngủ nhưng cô cho rằng đó là do áp lực từ việc sinh con nên âm thầm chịu đựng.
Sau khi phân tích và bàn bạc kỹ lưỡng, bác sĩ Liêu lên phác đồ điều trị 6 tháng cho cô Trần. Việc điều trị tập trung vào y học cổ truyền, chỉ lấy Tây y hỗ trợ thêm. May mắn là 5 tháng sau, các chỉ số của bệnh nhân đã trở lại gần như bình thường. Kết hợp thêm ăn uống, nghỉ ngơi khoa học và cải thiện sức khỏe tinh thần, cô Trần đã mang thai thành công ở cuối tháng thứ 6.
Bác sĩ Liêu nhắc nhở, lối sống có ảnh hưởng rất lớn đến bệnh suy buồng trứng sớm. Ngoài các nguyên nhân tự phát thì bệnh dễ hình thành do các nguyên nhân chủ quan. Phổ biến như:
- Nạo phá thai
- Nhiễm trùng đường sinh sản
- Ảnh hưởng từ bệnh lý và điều trị bệnh khác: Kích trứng, phẫu thuật buồng trứng, nhiễm virus HSV hay quai bị…
- Thói quen xấu: Giảm cân quá mức, căng thẳng kéo dài, thức khuya, uống rượu bia hay hút thuốc lá nhiều, ăn uống thất thường…
Bà cũng khuyên chị em trẻ tuổi nên học cách chăm sóc cơ thể, đặc biệt là buồng trứng và tử cung càng sớm càng tốt. Ngoài tránh 4 yếu tố nguy cơ cao gây suy buồng trứng sớm vừa kể trên thì cũng nên xây dựng lối sống lành mạnh hơn. Ví dụ như giảm ăn đồ chiên rán, thức ăn chế biến sẵn và tăng rau xanh, trái cây. Ngủ trước 23 giờ và ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày. Vệ sinh vùng kín đúng cách, quan hệ tình dục điều độ, tập thể dục hằng ngày. Đồng thời, hãy hạn chế nạo phá thai và khám phụ khoa định kỳ.
Ngọc Ái