1. Rượu ảnh hưởng đến sức khỏe xương như thế nào?
Lạm dụng rượu không chỉ trực tiếp làm tổn thương gan, đường tiêu hóa, gây mất kiểm soát về hành vi, suy nghĩ, khả năng vận động mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng của các cơ quan khác trong cơ thể và làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh.
Theo ThS.BS Đặng Ngọc Hùng, Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng, rượu gây nhiều tác hại đối với cơ thể cả về thể chất lẫn tinh thần. Uống rượu trong thời gian dài là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm.
Uống nhiều rượu gây rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra, rượu gây viêm gan và nghiện rượu có thể gây sẹo mô gan dẫn đến xơ gan.
Khi vào cơ thể, rượu chuyển hóa qua các bước, trong đó có tạo ra acetaldehyde, một chất được biết đến là chất gây ung thư. Rượu cũng làm suy yếu khả năng phân hủy và hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng khác, về lâu dài gây rối loạn dinh dưỡng và tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khác.
Rượu có tác động tiêu cực đến sức khỏe của xương, nguyên nhân là nó cản trở sự cân bằng canxi và hấp thụ vitamin D trong cơ thể. Uống nhiều rượu cũng có thể gây thiếu hụt nội tiết tố ở cả nam và nữ. Tiêu thụ rượu quá mức cũng có thể giết chết các nguyên bào xương, tế bào tạo xương.
Rượu có thể đóng một vai trò trong quá trình hình thành mật độ xương, tốc độ tái tạo tế bào xương và cản trở cơ thể bạn hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng để tạo xương.
Rượu cũng có thể làm thay đổi chức năng bình thường của các hormone trong cơ thể liên quan đến việc giữ cho xương chắc khỏe, như hormone tuyến cận giáp, hormone tăng trưởng và estrogen.
Ngoài ra, lạm dụng rượu có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát hành vi và vận động dẫn đến ngã gây chấn thương gãy xương. Thói quen lạm dụng rượu bia thường xuyên còn có thể làm gia tăng tình trạng viêm khớp, thoái hóa khớp, tê cứng, đau nhức xương.
2.1. Rượu làm tăng nguy cơ loãng xương
Loãng xương là một bệnh thoái hóa làm cho xương yếu đi, mỏng đi và dễ gãy hơn. Thói quen uống nhiều rượu có thể cản trở khả năng phát triển xương mới và thay thế các mô xương của cơ thể. Điều này làm tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương vì nó làm giảm mật độ xương.
2.2. Uống rượu làm giảm hấp thụ vitamin và khoáng chất
Bộ xương của chúng ta là một trung tâm lưu trữ chính canxi và các khoáng chất khác. Canxi được hấp thụ từ thức ăn vào ruột non và thận chịu trách nhiệm loại bỏ lượng canxi dư thừa trong cơ thể.
Cơ thể chúng ta cần được cung cấp đủ lượng canxi phù hợp để các dây thần kinh và cơ bắp hoạt động bình thường. Khi mất cân bằng canxi, cơ thể sẽ sử dụng vitamin, hormone và các hợp chất khác để điều chỉnh sự mất cân bằng. Tuy nhiên, việc uống rượu sẽ cản trở khả năng của cơ thể thực hiện những điều chỉnh này một cách hiệu quả.
Uống rượu thường xuyên làm tăng nguy cơ thiếu hụt chất dinh dưỡng do chế độ ăn uống kém và quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng bị gián đoạn. Trong đó có các chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin A, kẽm, vitamin B và các chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe của xương như canxi, magiê và vitamin D.
Rượu có thể làm giảm quá trình hấp thụ canxi qua ruột hoặc nó có thể ảnh hưởng đến tuyến tụy và quá trình chuyển hóa vitamin D, từ đó có thể ảnh hưởng đến mật độ xương.
Khi rượu làm gián đoạn vitamin D và khả năng giúp cơ thể hấp thụ canxi, nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng tạo xương chắc khỏe và mật độ xương của cơ thể, khiến bạn có nguy cơ bị gãy xương cao hơn nếu bị té ngã.
2.3. Giảm khả năng hình thành và tái tạo xương
Trong cơ thể, hệ xương của chúng ta sẽ liên tục bị phá vỡ và xây dựng lại. Đây được gọi là quá trình tu sửa xương. Các tế bào xương, được gọi là hủy cốt bào, phá vỡ các phần xương của bạn để giải phóng thêm canxi vào máu, quá trình này được gọi là tái hấp thu. Các tế bào xương khác, được gọi là nguyên bào xương, lấp đầy các lỗ này bằng xương mới chắc khỏe hơn.
Một số nghiên cứu cho rằng uống rượu làm tăng quá trình tái hấp thu xương và làm giảm khả năng thúc đẩy quá trình hình thành và sửa chữa xương mới của cơ thể. Điều này dẫn đến sự luân chuyển tế bào xương bị suy giảm và xương sẽ yếu hơn theo thời gian.
2.4. Giảm sản xuất nội tiết tố
Nghiên cứu phát hiện ra rằng, tình trạng làm dụng rượu hay nghiện rượu có thể gây ra sự thiếu hụt hormone ở nam giới và phụ nữ. Đàn ông nghiện rượu có thể sản xuất ít testosterone hơn, một loại hormone liên quan đến việc sản xuất các nguyên bào xương (tế bào kích thích sự hình thành xương).
Đối với phụ nữ, uống quá nhiều rượu có thể làm giảm estrogen, điều này có thể tác động tiêu cực đến mật độ xương. Estrogen có thể ức chế sự phân hủy xương và có thể kích thích sự hình thành xương. Đó là lý do tại sao sự suy giảm estrogen trong thời kỳ mãn kinh có liên quan đến tình trạng mất xương.
Ngừng uống rượu, bổ sung thực phẩm giàu canxi và vitamin D giúp cải thiện sức khỏe của xương.
2. Cách cải thiện sức khỏe của xương
Vì rượu có liên quan đến tình trạng giảm mật độ xương và tái tạo xương nên nếu tiếp tục uống rượu, đặc biệt là uống nhiều rượu, có thể làm trầm trọng thêm bệnh loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương và nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Do vậy các chuyên gia y tế khuyên chúng ta nên hạn chế tối đa, cách tốt nhất là ngừng uống rượu.
Điều quan trọng tiếp theo là cần đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh, đủ dinh dưỡng, tăng cường các chất dinh dưỡng cần thiết cho hệ xương như canxi, magiê, vitamin D.
Nguồn thực phẩm giàu canxi và vitamin D bao gồm: sữa và các sản phẩm từ sữa, trứng, các loại rau lá xanh, các loại hải sản, cá béo giàu omega-3…
Lưu ý, vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi để duy trì mật độ xương. Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời cũng có thể tăng cường sản xuất vitamin D. Vì vậy, chúng ta nên thường xuyên vận động và tiếp xúc với ánh mặt trời đúng cách để giúp xương chắc khỏe.
Theo suckhoedoisong.vn