Bệnh nhân có thể tương tác với bác sỹ thông qua hệ thống đường truyền được gắn trên robot Vibot hoạt động trong khu cách ly. (Ảnh: TTXVN phát)
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, khi dịch COVID-19 bùng phát cũng như khi dịch đã được kiểm soát, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc tái thiết lập cuộc sống và phục hồi kinh tế.
Tại Việt Nam, những ứng dụng khai báo y tế, truy vết, sử dụng robot, xét nghiệm... đang phát huy sức mạnh của khoa học-công nghệ trong việc phòng, chống dịch hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã khẳng định "công nghệ" bắt buộc là một trong ba mũi nhọn của chiến lược chống COVID-19 trong giai đoạn mới, những đóng góp của công nghệ trong đại dịch và những kịch bản ngành công nghệ chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi, tái thiết và phát triển kinh tế-xã hội rất quan trọng.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, đồng thời là Tổ trưởng Tổ Thông tin đáp ứng nhanh của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19, cho biết tổ thông tin đáp ứng nhanh luôn cập nhật, phân tích và sử dụng thông tin, số liệu giám sát để đánh giá tình hình và đưa ra dự báo diễn biến dịch trên thế giới và Việt Nam.
Ngoài ra, Tổ thông tin còn thiết lập cơ chế giám sát các đối tượng nhập cảnh, cách ly, xây dựng các kịch bản ứng phó trong tình huống đặc biệt, xây dựng bản đồ an toàn COVID-19 và hỗ trợ tư vấn các biện pháp triển khai, giúp các địa phương có dịch trong công tác truy vết đánh giá tình hình dịch trên địa bàn.
Liên quan đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phòng, chống dịch COVID-19, nhóm các nhà khoa học thuộc Khoa Y, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố nghiên cứu mới: giải pháp "Công nghệ IoT kết hợp trí tuệ nhân tạo AI nhằm kiểm soát đồng thời nhóm người tại khu vực cách ly, bệnh viện, khu công nghiệp, cửa khẩu, khu tập trung đông người trong phòng chống dịch COVID-19."
Giải pháp giới thiệu hệ thống kiểm soát ứng dụng công nghệ dưới dạng những cabin có khả năng phát hiện hàng loạt các đối tượng F1, F2 đang được yêu cầu cách ly cũng như những người có nguy cơ mắc COVID-19 trong đám đông.
Hệ thống theo dõi được thiết kế dưới dạng những cabin đặt ở nơi mọi người phải đi qua, như cổng chung cư, cổng bệnh viện, cửa ra vào các cao ốc văn phòng, khu vực cách ly, khu vui chơi giải trí…
Cabin này trang bị hệ thống giúp nhận dạng khuôn mặt và kiểm tra thân nhiệt nhiều người cùng một lúc.
Phó Giáo sư Phạm Xuân Đà, đại diện nhóm nghiên cứu Khoa Y, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết hệ thống rất có lợi nếu có chủ trương cách ly các đối tượng F1 tại nhà ở những địa phương có số ca bệnh đông, lượng F1, F2 rất lớn, vì vậy, trong điều kiện người nghi nhiễm có thể gia tăng thì việc cách ly tập trung nhóm người tiếp xúc gần sẽ là gánh nặng cho các địa phương, từ việc bố trí cơ sở cách ly đến nhân lực phục vụ. Do vậy, việc ứng dụng công nghệ IoT và trí tuệ nhân tạo là giải pháp phù hợp trong điều kiện phòng chống dịch hiện nay ở Việt Nam.
Dữ liệu của những người thuộc diện F1, F2 sẽ được nhập vào hệ thống, bao gồm tên tuổi, số điện thoại, tình trạng bị cách ly...
Nếu họ đi qua nơi đặt cabin kiểm soát như ra khỏi chung cư, hệ thống lập tức phát ra cảnh báo.
Đầu tiên là thông báo cho những người đó rằng họ đã vi phạm quy định cách ly, sau đó thông báo đồng loạt tới những người có trách nhiệm quản lý cách ly.
Dữ liệu này cũng được đồng bộ lên hệ thống, kết nối trực tiếp với một modul phần mềm báo cáo, modul phân tích báo cáo… nhằm giảm tiêu hao sức người trong công tác phòng, chống dịch.
Theo nhóm nghiên cứu, hệ thống này còn giúp phát hiện từ xa, hàng loạt các trường hợp nguy cơ cao không thuộc diện giám sát nhưng có biểu hiện bị sốt...
Ngoài ra, ứng dụng sẽ thống kê số liệu từng giờ diễn biến đo thân nhiệt của người dân trong khu vực lắp đặt thiết bị, đây là cơ sở để xác định nguy cơ người nghi nhiễm COVID-19 ngay trong phạm vi từng đơn vị để có sự chủ động phòng ngừa.
Đặc biệt, ở các khu cách ly tập trung, hệ thống này sẽ giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa nhân viên y tế và người cách ly nhờ tính năng tự động đo thân nhiệt, đây là một giải pháp có hiệu quả về mặt kinh tế, giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực và chi phí.
Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Tập đoàn BKAV (doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực an ninh mạng, phần mềm) đã phát triển ứng dụng Bluezone - công nghệ đang phát huy vai trò quan trọng trong công tác hỗ trợ truy vết bệnh nhân COVID-19, được đánh giá là có hiệu quả.
Có thể khẳng định công nghệ là "mũi nhọn" của chiến lược chống COVID-19 trong giai đoạn mới, ngoài ra, một trong những nguyên nhân quan trọng tạo nên thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam là đội ngũ các nhà khoa học có trình độ cao, đã được đào tạo thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được Bộ Khoa học và Công nghệ giao chủ trì hoặc tham gia thực hiện.
Ứng dụng Bluezone. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong việc chuyển kết quả nghiên cứu thành sản phẩm thương mại hóa trên tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã tạo ra nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ trong phòng, chống dịch đạt chất lượng cao và đi vào phục vụ công cuộc phòng, chống dịch như: dự án sản xuất KIT chẩn đoán; nghiên cứu sản xuất vaccine...
Đặc biệt, hệ thống robot y tế, vận chuyển trong khu cách ly bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao đã được đưa vào hoạt động thay thế nhân viên y tế vận chuyển đồ ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm, thu gom rác thải… phục vụ người bệnh và đặc biệt có thể hỗ trợ công tác thăm, khám bệnh nhân, hạn chế tối đa sự tiếp xúc thông qua đường truyền thông tin giao tiếp.
Đồng thời, hệ thống robot còn vận chuyển giá đựng rác đến các buồng bệnh để nhận rác và vận chuyển ra khu tập kết rác thải; di chuyển đến các buồng bệnh để y bác sỹ, người nhà (ở ngoài khu cách ly) giao tiếp từ xa với bệnh nhân.
Theo Vietnamplus