|
|
Triệu chứng Covid-19 kéo dài có thể là nguyên nhân gây ra việc co rút não. Ảnh:Getty Images. |
Chứng teo não là bệnh lý gây nên bởi việc mất đi một phần mô não, bao gồm các tế bào thần kinh và sự kết nối giữa chúng. Chứng co rút não là một nhánh của chứng teo não. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến toàn bộ não hoặc chỉ một vùng nhất định của não.
Nguyên nhân của chứng co rút não bao gồm:
- Chấn thương sọ não
- Đột quỵ
- Bệnh thoái hóa não, như chứng mất trí nhớ
- Các bệnh truyền nhiễm gây viêm nặng, chẳng hạn AIDS và viêm não
Các nhà nghiên cứu vẫn đang tiến hành xem xét liệu Covid-19 có phải là bệnh truyền nhiễm khiến não co lại không.
Covid-19 ảnh hưởng đến não như thế nào?
Dù khỏi Covid-19, một số người vẫn còn các triệu chứng trong vài tuần, vài tháng hoặc vài năm sau đó. Tình trạng này gọi là triệu chứng Covid-19 kéo dài hay hậu Covid-19. Nó xuất hiện ở những người mới bị Covid-19. Bệnh nhân sẽ trải qua các triệu chứng mới, tái phát hoặc liên tục trong 4 tuần hoặc lâu hơn sau khi bắt đầu nhiễm virus.
Co rút não là một trong những tình trạng có thể phát sinh từ triệu chứng Covid-19 kéo dài. Gần đây, vấn đề này thu hút được sự chú ý của các nhà nghiên cứu. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2022 sử dụng 2 máy chụp cộng hưởng từ (MRI) để quét não của 785 người tham gia. Các nhà nghiên cứu tìm thấy những thay đổi trong não của 401 người dương tính với SARS-CoV-2 giữa mỗi lần quét.
Các thay đổi bao gồm:
- Giảm chất xám (lớp ngoài của não)
- Tổn thương mô ở các vùng não liên quan đến mùi
- Giảm kích thước não
Nghiên cứu cũng cho thấy những người thể hiện triệu chứng co rút não có nguy cơ bị suy giảm nhận thức cao hơn. Đặc biệt, vùng não kiểm soát mùi của họ có nhiều mô bị tổn thương hơn.
Các nhà nghiên cứu cho rằng sự co rút não liên quan đến Covid-19 rất có thể là do tế bào não bị viêm hoặc nhiễm virus trực tiếp. Nhưng điều quan trọng cần lưu ý là hầu hết dữ liệu trên đều có từ trước khi vaccine Covid-19 xuất hiện.
|
|
Nhiều nghiên cứu phát hiện não bộ ở những người mắc Covid-19 xuất hiện các tổn thương khác nhau. Ảnh:wp.uthscsa.edu. |
Một nghiên cứu khác cũng sử dụng kỹ thuật MRI để đánh giá não của những người từng mắc Covid-19. Các nhà nghiên cứu phát hiện các mạch máu nhỏ trong não bệnh nhân bị tổn thương. Do quy mô nghiên cứu nhỏ và các hạn chế khác, họ không thể đưa ra kết luận chắc chắn về cách Covid-19 ảnh hưởng đến não bộ.
Nhiều nghiên cứu cho thấy Covid-19 liên quan tới sự hình thành các cục máu đông. Mối liên hệ này có thể là nguyên nhân bệnh nhân bị tổn thương các mạch máu não. Khả năng hình thành cục máu đông trong não cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ sau khi mắc Covid-19.
Nghiên cứu khác phát hiện ra các protein trên virus SARS-CoV-2 có thể đầu độc tế bào thần kinh trong não. Một nghiên cứu năm 2022 cũng ghi nhận chấn thương não ở những bệnh nhân tử vong do các biến chứng liên quan đến Covid-19 trong đợt đại dịch đầu tiên (từ tháng 3 đến tháng 7/2020).
Trong khi tiến hành khám nghiệm não, các nhà nghiên cứu tìm thấy bằng chứng về sự rò rỉ protein và tổn thương tế bào thần kinh. Họ khuyên các bác sĩ lâm sàng chú ý hơn đến những thay đổi não ở người sống sót sau khi nhiễm virus, đặc biệt khi bệnh nhân phàn nàn về các triệu chứng suy giảm nhận thức.
Các triệu chứng hậu Covid-19 ảnh hưởng não
Covid-19 tác động đến não có thể gây ra các triệu chứng sau:
- Tình trạng mệt mỏi quá mức cản trở các hoạt động hàng ngày
- Tình trạng mệt mỏi trở nên tồi tệ hơn sau những nỗ lực về tinh thần hoặc thể chất
- Khó tập trung (“sương mù não”)
- Chóng mặt
- Trầm cảm
- Lo lắng
- Đau đầu
- Khó ngủ
- Thay đổi hương vị hoặc mùi
Chứng co rút não do Covid-19 có tồn tại vĩnh viễn không?
Câu trả lời phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Ví dụ, bệnh sa sút trí tuệ như Alzheimer có xu hướng trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Trong một số trường hợp, các bệnh nghiêm trọng và bệnh về não có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí rút ngắn tuổi thọ.
Nhưng các chuyên gia vẫn chưa biết liệu các tác động của Covid-19 lên não, bao gồm cả co rút não, có vĩnh viễn hay không. Một số nghiên cứu chỉ ra những cải thiện trong chức năng não trong vòng 6 tháng sau khi mắc Covid-19. Nhưng chúng ta sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định xem đây có phải là kết quả điển hình cho mọi bệnh nhân hay không.
Làm cách nào để ngăn ngừa co rút não do Covid-19?
Cách tốt nhất để ngăn ngừa Covid-19 là tiêm phòng. Bạn nên theo dõi lịch tiêm chủng của mình một cách cẩn thận.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), việc tiêm vaccine cũng có thể giúp bảo vệ bạn khỏi triệu chứng Covid-19 kéo dài, bao gồm cả co rút não. Sau khi nhiễm SARS-CoV-2, người mắc rất dễ gặp các bệnh nghiêm trọng khác. Những người được tiêm phòng có ít nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng hơn.
CDC cũng lưu ý rằng bạn vẫn có thể mắc triệu chứng Covid-19 kéo dài ngay cả khi bạn tiêm vaccine hoặc không bị bệnh nặng. Tuy nhiên, tiêm chủng dường như là cách tốt nhất để ngăn ngừa tình trạng này.
Ngoài việc bảo vệ bản thân khỏi Covid-19, bạn có thể áp dụng những thói quen tốt cho não để ngăn ngừa teo cơ nói chung. Các chuyên gia gợi ý những điều sau:
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
- Quản lý huyết áp
- Tập thể dục thường xuyên
- Bắt sở thích mới
- Tiếp tục thực hiện các hoạt động yêu thích
Những người chưa tiêm phòng cần làm gì để tránh Covid-19 và tác động của nó lên não?
Tiêm phòng là cách tốt nhất để chống lại Covid-19. Nhưng nếu bạn không được tiêm phòng và không may lại mắc Covid-19, bạn cần phải khỏi bệnh trước khi tiêm vaccine.
Bạn nên cố gắng giảm nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng khác bằng cách nghỉ ngơi đầy đủ, nói chuyện với bác sĩ về tình trạng bệnh để nhận được sự chăm sóc y tế cần thiết, tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu bạn bắt đầu cảm thấy khó thở hoặc có các triệu chứng liên quan khác.
Theo zingnews