leftcenterrightdel
 Cha mẹ cần theo dõi các mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ để nhận biết và can thiệp kịp thời nếu con chậm nói (ảnh minh họa)

Bác sĩ Lâm Hiếu Minh (Phòng khám Tâm lý, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM) cho biết từ ngày TPHCM bỏ giãn cách tới nay, bác sĩ đã tư vấn cho ít nhất 40 trường hợp liên quan tới vấn đề chậm phát triển ngôn ngữ. Điều đáng nói, nhiều trẻ bị trễ mất thời gian vàng điều trị bệnh, dẫn tới nguy cơ không kịp đi học lớp Một, hòa nhập với bạn bè đồng trang lứa.

Nguy cơ lỡ thời gian vàng của trẻ tự kỷ

Trường hợp của bé trai tên T.Đ.V. (5 tuổi, ngụ Q.12, TPHCM) khiến bác sĩ Minh không khỏi trăn trở. Bé V. là bệnh nhân cũ của bác sĩ Minh. Cách đây hai năm, bé được mẹ đưa đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM khám vì bé chưa thể nói. Sau khi quan sát, bác sĩ phát hiện bé có các biểu hiện đi kèm như tăng động, hay lặp đi lặp lại một hành động, rối loạn khả năng tương tác. Đây là những biểu hiện điển hình của trẻ tự kỷ.

Bên cạnh việc hướng dẫn cha mẹ bé cách giao tiếp với con,  bác sĩ Minh khuyên gia đình đưa bé tới trường đặc biệt cho trẻ tự kỷ để bé được các thầy cô giáo ở đó can thiệp kịp thời, từ đó hy vọng cải thiện khả năng ngôn ngữ, kịp đi học lớp Một hòa nhập. Giai đoạn vàng để can thiệp cho trẻ tự kỷ bị chậm nói là từ 3 - 6 tuổi.

Theo quy định, trẻ đi học lớp Một chậm nhất không quá 8 tuổi. Sau 8 tuổi mới bắt đầu đến lớp, trẻ sẽ không được đi học như các bạn cùng trang lứa mà phải học lớp chuyên biệt cho trẻ tự kỷ. Đã có rất nhiều trường hợp trẻ tự kỷ nhờ được can thiệp ngữ âm trị liệu kịp thời mà nói chuyện, giao tiếp, đi học hòa nhập bình thường.

Thế nhưng, dịch COVID-19 bùng phát, suốt hai năm qua, bé V. chỉ tới trường cho trẻ tự kỷ được sáu tháng, điều đó khiến quá trình trị liệu cho bé bị đứt gãy. Trên thực tế, từ khi COVID-19 xuất hiện, rất nhiều trường cho trẻ tự kỷ đành phá sản do không “gồng” nổi qua dịch. Đây là một thực trạng đau lòng khiến trẻ tự kỷ đã bị hạn chế nhiều thứ nay lại càng thêm thiệt thòi. Bé V. nay đã 5 tuổi, thời điểm bé vào lớp Một đã cận kề mà khả năng ngôn ngữ của bé chưa thể cải thiện như kỳ vọng.

Con chậm nói vì mẹ thường xuyên đeo khẩu trang

Thêm một trường hợp trẻ chậm nói do ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Bé gái N.T.D. (2 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TPHCM) được mẹ đưa đến bệnh viện khám vì gia đình phát hiện bệnh nhi không có phản ứng với ngôn ngữ. Lúc mẹ gọi, nói chuyện với bé, bé tỏ ra thờ ơ, không đáp lại.

Sau khi thăm khám, quan sát người mẹ, hỏi han thêm một số chi tiết, bác sĩ Minh xác định bé chậm nói vì người mẹ thường xuyên mang khẩu trang. Suốt hai năm qua, vì sợ lây COVID-19 cho con, dù không mắc bệnh, mẹ bé vẫn luôn đeo khẩu trang kể cả khi ở nhà, thậm chí lúc đi ngủ. Điều đó khiến bé D. không cảm nhận được sắc thái gương mặt mẹ, không nhìn thấy khẩu hình khi mẹ nói, không nghe rõ tiếng do mẹ đeo khẩu trang...

Việc người mẹ thường xuyên đeo khẩu trang đã cản trở sự tương tác giữa hai mẹ con. Bác sĩ đã khuyên người mẹ bỏ khẩu trang khi giao tiếp với con, hướng dẫn mẹ bé những bài tập cho con nói (phát âm chậm; khẩu hình miệng rõ, tròn để con nhìn rồi bắt chước).

Nếu nhận thấy trẻ có biểu hiện chậm nói, cha mẹ có thể gọi số 028 39 52 53 50 từ thứ Hai đến thứ Bảy trong giờ hành chính. Đây là kênh tư vấn miễn phí sức khỏe tâm lý - xã hội của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM dành cho người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Khi gọi điện, bạn sẽ được xếp lịch nói chuyện online với bác sĩ chuyên khoa tâm lý.

Theo bác sĩ Minh, các trường hợp đến khám trực tiếp hoặc nhờ tư vấn qua điện thoại liên quan tới hiện tượng trẻ chậm nói được chia làm ba nhóm bệnh. Nhóm thứ nhất là những trẻ phải ở nhà quá lâu, không được đi học, không giao tiếp với bên ngoài; một số bé do cha mẹ bận nên gửi con về quê cho ông bà trông. Nhóm thứ hai là những trẻ chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ.

Thời gian dịch bệnh kéo dài khiến các trẻ này chậm trễ đi khám; chậm trễ, gián đoạn trong việc trị liệu khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn. Nhóm thứ ba là những trẻ chậm nói do không nhìn được biểu cảm, khẩu âm của cha mẹ khi giao tiếp (người lớn vì quá ám ảnh bởi dịch bệnh, sợ lây bệnh cho trẻ nên đeo khẩu trang suốt thời gian chăm sóc trẻ).

Các mốc theo dõi sự phát triển ngôn ngữ của trẻ

Cha mẹ cần nắm được các dấu hiệu chậm nói của trẻ theo từng mốc tuổi để kịp thời can thiệp. Ngôn ngữ được chia thành hai loại: ngôn ngữ có lời và ngôn ngữ không lời. Ngay từ khi ra đời, tuy chưa nói được, trẻ đã biết tương tác với người thân bằng ánh mắt và phản ứng âm thanh. Sáu tháng tuổi, trẻ đã biết phát âm để thể hiện mong muốn. Ví dụ như trẻ phản xạ với âm thanh của mẹ (nghe thấy tiếng mẹ thì khóc đòi mẹ…).

Chín tháng tuổi, trẻ đã nói được âm vị dù không hiểu ý nghĩa. 12 tháng tuổi, trẻ bắt đầu nói được những từ đơn đầu tiên. 1 - 1,5 tuổi, trẻ sẽ hiểu ngôn ngữ (khi mẹ hỏi đầu đâu, tay đâu, chân đâu… thì bé sẽ chỉ được). Trẻ 2 tuổi nói được hai từ, biết kết hợp từ, thậm chí nói được 3 - 4 từ. Trẻ lên 3 có thể hát theo lời bài hát, dùng đại từ nhân xưng. Vốn từ vựng của trẻ 3 tuổi đã rất phong phú (800 - 1.000 từ vựng). Ở thời điểm này, trẻ có khả năng đối thoại. Bốn tuổi, trẻ sẽ tập trung lâu hơn trong cuộc nói chuyện, biết chơi nhóm với các bạn, nói đúng ngữ pháp. Nếu phụ huynh thấy con mình có nhiều điểm chậm hơn so với các mốc trên thì có thể nghĩ tới tình huống trẻ bị chậm nói. 

Chậm nói ngày nào trẻ thiệt thòi ngày ấy

Khi phát hiện con chậm nói, cha mẹ cần đưa trẻ đến khám ở các đơn vị y tế chuyên khoa để được đánh giá chính xác tình trạng của trẻ. Chuyên gia sẽ đưa ra lời khuyên và hướng dẫn phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Ngoài ra, phụ huynh còn cần tham dự các buổi học online hướng dẫn can thiệp ngữ âm trị liệu cho con. Để thành công trong việc điều trị chứng chậm nói ở trẻ, sự quan tâm, đồng hành của cha mẹ đóng vai trò quan trọng nhất.

Hiện nay, đa số phụ huynh ngại đưa con tới bệnh viện vì sợ bị lây nhiễm COVID-19. Có rất nhiều số điện thoại của các đơn vị y tế sẵn sàng tư vấn miễn phí cho người dân trong thời điểm này. 

Hiện tại, nhiều cha mẹ vẫn còn chủ quan khi thấy con chậm nói. Điều này vô tình làm lỡ mất thời gian vàng trong quá trình can thiệp trị liệu cho trẻ. Một số cha mẹ cho rằng trẻ vẫn ăn tốt, ngủ ngon, chơi đùa nghĩa là đang phát triển bình thường hoặc nghĩ rằng từ từ trẻ tự khắc biết nói, không cần đi khám. Ngôn ngữ rất quan trọng. Nó giúp chúng ta tương tác với thế giới bên ngoài, từ đó tiếp thu tri thức, phát huy sáng tạo, phát triển các kỹ năng. Một đứa trẻ bị hạn chế về ngôn ngữ sẽ gặp khó khăn khi bày tỏ mong muốn của bản thân, khi tò mò về thế giới xung quanh nhưng không thể hỏi và bày tỏ được dẫn tới nhận thức về xã hội cũng bị ảnh hưởng. Phụ huynh cần hiểu rằng, con chậm nói ngày nào thì thiệt thòi ngày ấy bởi bé sẽ bỏ lỡ nhiều điều trên con đường phát triển.

 

Theo phunuonline