leftcenterrightdel
 Người dân Anh tại một ga tàu điện ở London đeo khẩu trang phòng Covid-19 hồi tháng 7.2021

Hãng AFP ngày 12.3 dẫn một nghiên cứu lớn cho thấy tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với suy nghĩ trước đây.

Điều này đánh dấu sự đảo ngược rõ rệt sau thời kỳ tuổi thọ toàn cầu tăng liên tục trong nhiều thập niên trước đó, theo hàng trăm nhà nghiên cứu sàng lọc dữ liệu của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME-Mỹ).

"Đối với người trưởng thành trên toàn thế giới, đại dịch Covid-19 đã có tác động sâu sắc hơn bất kỳ sự kiện nào xảy ra trong nửa thế kỷ qua, bao gồm cả xung đột và thiên tai", theo nhà nghiên cứu Austin Schumacher tại IHME và là tác giả dẫn đầu nghiên cứu đăng trên chuyên san The Lancet.

Ông cho biết trong giai đoạn 2020-2021, tuổi thọ đã giảm tại 84% trong số 204 quốc gia và vùng lãnh thổ được phân tích, "chứng tỏ những tác động tiềm tàng mang tính tàn khốc" của các loại virus mới.

Các nhà nghiên cứu ước tính tỷ lệ tử vong ở những người trên 15 tuổi tăng 22% đối với nam và 17% đối với nữ trong thời gian này. Mexico City (Mexico), Peru và Bolivia là một số nơi có tuổi thọ trung bình giảm nhiều nhất.

Nhưng có một số tin tốt trong nghiên cứu. Số trẻ em dưới 5 tuổi tử vong vào năm 2021 ít hơn nửa triệu so với năm 2019, tiếp tục giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em trong thời gian dài.

Nhà nghiên cứu Hmwe Hmwe Kyu tại IHME ca ngợi "sự tiến bộ đáng kinh ngạc" này, đồng thời cho rằng thế giới giờ đây nên tập trung vào "đại dịch tiếp theo và giải quyết sự chênh lệch lớn về sức khỏe giữa các nước".

Và bất chấp những khó khăn trong đại dịch, mọi người vẫn sống lâu hơn trước đây. Các nhà nghiên cứu cho biết, từ năm 1950 đến năm 2021, tuổi thọ trung bình khi sinh đã tăng thêm 23 năm, từ 49 lên 72. 

Theo Thanh niên