Trẻ sinh ra trong thời phong tỏa vì COVID-19 có hệ miễn dịch tốt hơn bình thường
Cập nhật lúc 23:51, Thứ ba, 05/03/2024 (GMT+7)
Nghiên cứu của các nhà khoa học Ireland cho thấy việc phong tỏa trong đại dịch COVID-19 đã dẫn đến hai thay đổi có lợi trong cơ thể trẻ sơ sinh, giúp trẻ ít bị mắc bệnh và ít bị dị ứng.
|
|
Những đứa trẻ sinh ra trong thời kỳ phong tỏa do COVID-19 được bú mẹ lâu hơn. (Ảnh: Shutterstock) |
Các nhà nghiên cứu từ Đại học College Cork ở Ireland phát hiện ra rằng những đứa trẻ được sinh ra trong thời điểm thế giới bị phong tỏa trong đại dịch COVID-19 (trẻ sơ sinh COVID) có hệ vi sinh vật đường ruột bị thay đổi.
Phát hiện cho thấy sự thay đổi này rất có lợi với sức khỏe của trẻ, khiến tỷ lệ mắc các bệnh dị ứng, chẳng hạn như dị ứng thực phẩm, của trẻ sơ sinh COVID thấp hơn so với trẻ sơ sinh sinh ra trước đại dịch.
Các trẻ sơ sinh COVID cũng cần ít kháng sinh hơn để điều trị bệnh.
Hệ vi sinh vật đường ruột, bao gồm cả lợi khuẩn và hại khuẩn, là 1 trong những yếu tố quan trọng, giúp kiểm soát sự hoạt động của hệ thống miễn dịch.
Trong và sau khi sinh, trẻ sơ sinh nhận vi khuẩn từ mẹ (lây truyền dọc) và sau đó, đặc biệt là sau 6 tháng đầu, trẻ nhận vi khuẩn từ môi trường hoặc từ vật chủ không phải cha mẹ ở gần đó (lây truyền ngang).
Sự đa dạng của hệ vi sinh vật đường ruột càng cao thì càng tốt cho sức khỏe.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích mẫu phân của 351 trẻ sơ sinh Ireland được sinh ra trong 3 tháng đầu tiên của đại dịch COVID-19, từ tháng Ba đến tháng Năm năm 2020, và so sánh chúng với kết quả phân tích mẫu phân của những trẻ sinh ra trước đại dịch.
Họ thu thập thông tin về chế độ ăn uống, môi trường gia đình và sức khỏe của các trẻ qua bảng câu hỏi trực tuyến để tính toán các biến số.
Các mẫu phân được thu thập lúc trẻ 6, 12 và 24 tháng, trong khi xét nghiệm dị ứng được thực hiện lúc trẻ 12 và 24 tháng.
Nghiên cứu phát hiện trẻ sơ sinh COVID có nhiều lợi khuẩn nhận được từ mẹ sau khi sinh, điều này có tác dụng như một biện pháp bảo vệ, giúp hệ tiêu hóa của trẻ cân bằng được hệ vi sinh vật đường ruột, chống lại các bệnh dị ứng.
Các số liệu cũng cho thấy trẻ sinh ra trong đại dịch có tỷ lệ dị ứng thấp hơn. Chỉ có khoảng 5% trẻ sơ sinh COVID bị dị ứng thực phẩm khi 1 tuổi, so với 22,8% ở trẻ sinh ra thời điểm trước đó.
Các nhà nghiên cứu cho biết các bà mẹ đã truyền các vi khuẩn có lợi cho con mình khi mang thai và họ cũng nhận được thêm những lợi khuẩn từ môi trường sau khi sinh.
Nghiên cứu cũng cho thấy những đứa trẻ sinh ra trong thời gian phong tỏa ít bị nhiễm trùng hơn vì chúng không tiếp xúc với vi trùng và vi khuẩn. Điều này có nghĩa là chúng cần ít thuốc kháng sinh hơn - loại thuốc tiêu diệt lợi khuẩn - dẫn đến hệ vi sinh vật trong cơ thể tốt hơn.
Những đứa trẻ sinh ra trong thời điểm phong tỏa cũng được bú sữa mẹ lâu hơn, đồng nghĩa với việc trẻ được tiếp nhận nhiều hơn kháng thể từ sữa mẹ chống lại các bệnh nhiễm khuẩn.
Theo nghiên cứu, trong số các trẻ sơ sinh COVID, chỉ có 17% trẻ cần dùng kháng sinh trước 1 tuổi. Trong khi đó, ở nhóm trẻ sơ sinh trước đại dịch, có tới 80% trẻ phải dùng thuốc kháng sinh khi được 12 tháng.
Tác giả cao cấp Liam O'Mahony, Giáo sư Miễn dịch học tại Đại học Cork, cho biết đây là "kết quả thú vị" và "tương quan với mức độ cao hơn của vi khuẩn có lợi như bifidobacteria."
Giáo sư Jonathan Hourihane, bác sỹ tư vấn Nhi khoa tại Children's Health Ireland Temple Street và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết nghiên cứu này đưa ra một góc nhìn mới về tác động của sự cô lập xã hội trong giai đoạn đầu đời đối với hệ vi sinh vật đường ruột của trẻ sơ sinh.
Giáo sư Hourihane lưu ý: “Tỷ lệ dị ứng thấp hơn ở trẻ sơ sinh trong thời gian phong tỏa có thể cho thấy tác động của các yếu tố môi trường và lối sống, chẳng hạn như sử dụng thuốc kháng sinh thường xuyên, đối với sự gia tăng của các bệnh dị ứng.”
Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ kiểm tra lại những đứa trẻ khi chúng được 5 tuổi để xem liệu có bất kỳ tác động lâu dài nào từ những thay đổi ban đầu của hệ vi sinh vật đường ruột hay không./.
Theo vietnamplus