leftcenterrightdel
 Khoảng 15% bé trai và 16% bé gái cho biết đã bị bắt nạt trên mạng ít nhất một lần trong những tháng gần đây.

Tiến sĩ Hans Kluge - Giám đốc khu vực châu Âu của WHO - cho biết trong một tuyên bố: “Báo cáo này là lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta trong việc giải quyết tình trạng bắt nạt và bạo lực, bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào nó xảy ra”.

Theo nghiên cứu có tựa đề Hành vi sức khỏe ở trẻ em trong độ tuổi đi học, khoảng 15% bé trai và 16% bé gái cho biết đã bị bắt nạt trên mạng, ít nhất một lần trong những tháng gần đây.

WHO lưu ý rằng đại dịch COVID-19 đã thay đổi cách cư xử của các thanh thiếu niên với nhau. “Các hình thức bạo lực trực tuyến đã trở nên đặc biệt quan trọng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khi giới trẻ làm bạn với internet trong thời gian bị phong tỏa” - báo cáo cho biết.

Theo WHO, tổng cộng 11% nam và nữ bị bắt nạt ở trường ít nhất 2-3 lần một tháng, con số này tăng so với năm 2018 (10%). Trẻ em ở các quốc gia Bulgaria, Lithuania, Moldova và Ba Lan bị bắt nạt cao nhất. Trẻ em Tây Ban Nha bị bắt nạt ở mức độ thấp nhất.

Tiến sĩ Kluge cho biết: “Với việc những người trẻ tuổi dành tới 6 giờ trực tuyến mỗi ngày, thì tỷ lệ bắt nạt và bạo lực có tác động sâu sắc đến sức khỏe và hạnh phúc của hàng ngàn người”.

Theo báo cáo, cứ 8 thanh thiếu niên thì có 1 em thừa nhận bắt nạt người khác trên mạng, tăng 3% so với năm 2018. Trong khi đó, số thanh thiếu niên tham gia đánh nhau ở mức 10% - 14% đối với nam, và 6% đối với nữ.

Nghiên cứu này dựa trên dữ liệu từ 279.000 trẻ em và thanh thiếu niên từ 44 quốc gia trên khắp châu Âu, Trung Á và Canada. Ở hầu hết các nơi, độ tuổi bị bạn bắt nạt cao nhất là 11 tuổi đối với bé trai, và 13 tuổi đối với bé gái.

WHO lưu ý rằng vấn đề này đã lan rộng, báo cáo kêu gọi những nỗ lực lớn hơn để nâng cao nhận thức.

Tổ chức y tế của Liên hợp quốc cho biết: “Cần đầu tư nhiều hơn vào việc giám sát các hình thức bạo lực khác nhau. Bên cạnh đó, còn có nhu cầu cấp thiết là giáo dục giới trẻ, gia đình và trường học về các hình thức bắt nạt trên mạng và tác động của nó, đồng thời quản lý các nền tảng truyền thông xã hội để hạn chế tiếp xúc với bắt nạt trên mạng”.

Theo phụ nữ TPHCM