Tỉ lệ phụ nữ hút thuốc lá tăng

Tại Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại TPHCM ngày 17/10, thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương - Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) - cho biết: nhờ các chiến dịch tuyên truyền phòng, chống hút thuốc lá triển khai từ năm 2015, đến năm 2023, tỉ lệ người sử dụng thuốc lá truyền thống đã giảm từ 22,5% xuống còn 20,2%. Tỉ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá đã giảm đáng kể tại hầu hết các khu vực có quy định cấm. Hiện nay, nam giới, học sinh cũng đã ít hút thuốc lá hơn trước. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nữ giới hút thuốc lá lại đang tăng.

leftcenterrightdel
 Nữ bệnh nhân 20 tuổi ngộ độc thuốc lá điện tử điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh do bệnh viện cung cấp

Có nhiều nguyên nhân khiến nữ giới hút thuốc nhiều hơn. Trước đây, phụ nữ Việt hút thuốc rất hạn chế so với các nước khác. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các loại thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận với thuốc lá nhiều hơn. Hiện tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng nhanh chóng ở phụ nữ (từ 0,1% lên 1%) và học sinh 13-15 tuổi (từ 3,5% lên 8%). Xu hướng này cũng xuất hiện ở người trưởng thành. Điều này cho thấy những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ và đáng lo hơn là việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung ở giới trẻ.

“Các tập đoàn thuốc lá cho rằng thuốc lá mới ít tác hại hơn so với thuốc lá điếu thông thường và giúp cai nghiện thuốc lá điếu. Nhưng thực tế, tất cả sản phẩm thuốc lá đều chứa nicotine là chất gây nghiện cao, gây hại đến sức khỏe” - bà Thu Hương chia sẻ và cho rằng: để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá của người dân, nên thực hiện đồng bộ việc tăng thuế thuốc lá, ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, tăng cường thực hiện môi trường không khói thuốc, cũng như hỗ trợ người dân cai nghiện thuốc lá…
Có đến 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Kết quả nghiên cứu của Bệnh viện K cho thấy, tỉ lệ bệnh nhân ung thư có hút thuốc lá lên đến 96,8%. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới cập nhật đến năm 2021, số lượng người tử vong có liên quan đến hút thuốc lá tại Việt Nam đã lên đến 85.500 ca mỗi năm (trước đây là 40.000). Việc hút thuốc lá thụ động cũng làm hơn 18.000 người tử vong mỗi năm.

Thuốc lá không chỉ gây thiệt hại về người mà còn khiến người sử dụng phải chịu gánh nặng về kinh tế. Ngoài tiền để mua thuốc lá, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỉ đồng/năm. Chính vì vậy, nếu không ngăn chặn kịp thời, những thiệt hại do hút thuốc lá gây ra sẽ càng tăng lên.

Loạn thần vì nghiện thuốc lá điện tử

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, từ tháng 1/2022 đến tháng 10/2023, trung tâm đã tiếp nhận hơn 120 bệnh nhân nhập viện sau khi sử dụng thuốc lá điện tử. Trong đó, có đến 16 trường hợp được phát hiện dương tính với ma túy trong thuốc lá điện tử. Người bệnh thường được đưa vào với các triệu chứng lơ mơ, rối loạn ý thức và kích động. 51,7% bệnh nhân nhập viện vì rối loạn về cảm xúc, tâm thần, la hét, ảo giác, hoang tưởng… Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện nhiều người vào giai đoạn nặng, sốc, loạn nhịp tim, suy hô hấp, viêm phổi, phù não, nhồi máu não… Sau quá trình điều trị, chỉ 43 bệnh nhân hồi phục hoàn toàn.

Điển hình là một nữ bệnh nhân 20 tuổi bị hôn mê, co giật sau khi dùng thuốc lá điện tử. Kết quả xét nghiệm cho thấy cô bị ngộ độc thuốc lá điện tử bởi chất ma túy ADB-BUTINACA (cần sa tổng hợp) gây tổn thương đa tạng, tổn thương tim, sốc, suy thận. Một bệnh nhân nữ khác 26 tuổi thì bị đột quỵ não vì thuốc lá điện tử. Có những bệnh nhân còn rất trẻ đã bị tổn thương não, mất trí nhớ, ảnh hưởng cả tương lai về sau. Trong đó, không ít người cho biết sử dụng thuốc lá điện tử vì nghĩ rằng chúng vô hại.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, thuốc lá điện tử với nhiều mẫu mã, ngày càng được cải tiến nhằm thu hút người dùng. Thành phần hóa chất, ma túy trong thuốc lá điện tử phức tạp hơn rất nhiều so với thuốc lá truyền thống. Thường sẽ có chất nicotine, hương liệu, phụ gia, cần sa tổng hợp và các sản phẩm cháy. Người sử dụng cũng có thể tự cho thêm các chất khác vào để hút. Do đó, không chỉ nghiện, người hút còn đối diện với nguy cơ ngộ độc hoặc các bệnh phức tạp khác. Đặc biệt với nữ giới, hút thuốc lá điện tử gây rối loạn kỳ kinh, tăng FSH, giảm estrogen, giảm progesteron, ảnh hưởng buồng trứng, trưởng thành noãn, giảm dòng máu đến vòi trứng. Từ đó làm cho thai nhi chậm phát triển, thai lưu, chửa ngoài tử cung, chậm phát triển tri tuệ thai, tăng nguy cơ hen ở con sinh ra…

“Thuốc lá điện tử còn làm tăng việc bắt đầu hút thuốc lá thông thường ở thiếu niên. Bởi nếu trẻ 14 tuổi hút thuốc lá điện tử thì đến 17 tuổi sẽ tăng nguy cơ hút thuốc lá thông thường. Chưa kể thuốc lá điện tử làm tăng nguy cơ dùng ma túy gấp 3,5 lần” - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nói thêm. Vì vậy, ông cho rằng cần ngay lập tức cấm lưu hành thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá mới khác ở Việt Nam.

 

# First Last Handle
1 Mark Otto @mdo
2 Jacob Thornton @fat
3 Larry the Bird @twitter

 

Xử lý 111 vụ, 152 đối tượng liên quan đến thuốc lá điện tử

Ông Hồ Hồng Hải - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết, theo báo cáo kết quả giám sát, khảo sát của các ủy ban của Quốc hội, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam ngày càng tăng, nhất là ở giới trẻ, học sinh, sinh viên. Nguy hiểm hơn, có tình trạng lợi dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để lưu hành, sử dụng ma túy trái phép. Trong quý I/2024, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý 111 vụ, 152 đối tượng liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên cả nước. Trong đó, có 33 vụ với 73 đối tượng bị khởi tố do phạm tội về ma túy, còn lại bị xử lý hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc.

Theo phụ nữ TPHCM