leftcenterrightdel
 Việc đi bộ dễ dàng duy trì hơn vì mọi người có thể tập ở bất kỳ đâu và không cần thiết bị nào. Ảnh:Unsplash

Đi bộ và đạp xe đều là những hình thúc luyện tập được nhiều người yêu thích vì tiện lợi và mang đến nhiều lợi ích sức khỏe.

Đi bộ có tác dụng gì?

Đi bộ là một trong những cách luyện tập được nhiều người chọn lựa đặc biệt là đối tượng người cao tuổi. Mỗi ngày, chỉ với 30 phút đi bộ bạn sẽ nhận được những lợi ích sức khỏe đáng kể như:

  • Về tim mạch: Đi bộ giúp tăng cường sức khỏe cho tim mạch, đặc biệt là khi bạn già đi và phải đối mặt với nhiều loại bệnh lý liên quan đến tim mạch. Khi đi bộ, lưu lượng máu sẽ được đẩy đi khắp cơ thể, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, bảo vệ hệ thống tim mạch và giảm nguy cơ đột quỵ.
  • Về xương khớp: Đi bộ là cách bảo vệ khớp và giúp tăng cường mật độ xương. Khi bạn già đi và đối mặt với nguy cơ loãng xương, đi bộ được xem là cách tập luyện để giúp bạn có bộ xương chắc khỏe. Bởi càng lớn tuổi lượng canxi trong cơ thể càng giảm và bạn sẽ phải đối mặt với các chấn thương khi vận động mạnh hoặc vận động sai tư thế.
  • Về tinh thần: Đi bộ ngoài trời là cách để giúp tinh thần sảng khoái hơn, ngoài ra có thể trò chuyện trong khi đi bộ để giảm stress, căng thẳng. Việc đi bộ còn giúp những người bị rối loạn giấc ngủ (khó ngủ, ngủ không sâu giấc…) dễ đi vào giấc ngủ hơn và giảm nguy cơ mất ngủ.
leftcenterrightdel
 Không chỉ giúp nâng cao thể lực, đi bộ cũng là một cách cải thiện sức khoẻ tinh thần. Ảnh:Unsplash

Cách đi bộ hiệu quả

Sau đây là một số lưu ý để việc đi bộ được hiệu quả hơn:

  • Tư thế: Khi đi bộ nhiều người thường mắc một số sai lầm gây sai tư thế như đi ngả người quá nhiều về phía sau hoặc cúi người về phía trước, sải chân bước quá sài… Nếu điều này diễn ra trong thời gian dài có thể khiến cột sống và khớp gối bị tổn thương.
  • Đi bộ quá sức: Nhiều người cho rằng đi bộ càng nhiều thì càng tốt. Tuy nhiên đây là quan niệm sai lầm. Các khuyến cáo đưa ra mỗi ngày bạn nên đi bộ tối thiểu 30 phút, việc đi bộ nhiều hơn là điều tốt nhưng cần lắng nghe cơ thể để biết bản thân phù hợp với cường độ tập luyện thế nào. Việc đi bộ quá sức có thể gây ra các tổn thương cho khớp gối do sức nặng làm tăng áp lực lên đầu gối quá lâu.
  • Không chủ quan: Nhiều người cho rằng đi bộ là bộ môn dễ thực hiện và không để ý đến các vấn đề có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của việc đi bộ như: không khởi động kỹ, không giãn cơ trước và sau khi đi bộ, lựa chọn trang phục (quần áo, giày) không phù hợp, đi bộ khi ăn quá no hoặc khi đang quá đói, địa hình đi bộ dễ trơn trượt gây nguy hiểm…

Lợi ích của đạp xe

Bên cạnh đi bộ, chạy bộ thì đạp xe cũng là cách tập luyện được nhiều người chọn lựa. Ngoài việc giúp tăng cường thể lực và sự cân bằng, đạp xe còn mang đến các lợi ích khác cho sức khỏe như:

  • Tốt cho sức khỏe tim mạch: Đạp xe sẽ giúp bạn ổn định nồng độ cholesterol, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch như tăng huyết áp, đột quỵ. Bên cạnh đó đạp xe cũng là môn thể thao được khuyến nghị cho các bệnh nhân mắc bệnh lý liên quan đến chuyển hóa như đái tháo đường, mỡ máu.
  • Tốt cho cơ xương khớp: So với đi bộ, đạp xe ít gây áp lực lên cơ xương khớp hơn. Đạp xe thích hợp với những người gặp vấn đề về cơ xương khớp hoặc đang cần phục hồi sau chấn thương.
  • Tăng cường hệ miễn dịch, duy trì cân nặng hợp lý và giúp giải tỏa tinh thần.
leftcenterrightdel
 So với đi bộ, đạp xe ít gây áp lực lên cơ xương khớp hơn. Ảnh:Unsplash

Cách đạp xe hiệu quả

Nếu bạn lo sợ về các nguy cơ chấn thương và an toàn khi đạp xe ngoài trời, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn đạp xe trong nhà. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý việc đạp xe ngoài trời sẽ giúp cơ thể giải tỏa căng thẳng và tinh thần thoải mái hơn. Dưới đây là một số lưu ý để việc đạp xe được hiệu quả:

  • Hạn chế chấn thương khi đạp xe bằng cách lựa chọn địa hình đạp bằng phẳng, tránh nơi trơn trượt, gồ ghề hay đồi núi. Bạn nên đạp xe khi trời sáng, hạn chế đạp vào buổi tối và nên sử dụng đồ bảo hộ như mũ bảo hiểm.
  • Lựa chọn xe phù hợp với mục đích tập luyện và tạo sự thoải mái khi đạp. Trang phục tập luyện cũng cần lựa chọn bộ đồ phù hợp, thoáng mát.
  • Khởi động trước khi đạp xe và kiểm tra phanh trước khi đạp. Bạn nên đạp xe với tần suất vừa phải theo thể trạng của cơ thể. Ngoài ra nên lưu ý tư thế, tốc độ để hạn chế nguy cơ mất an toàn.

Vậy đạp xe hay đi bộ tốt hơn? Đạp xe và đi bộ đều là những hình thức tập luyện mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và dễ thực hiện hàng ngày. Người cao tuổi, người trưởng thành nên vận động với cường độ trung bình ít nhất 150 phút mỗi tuần hoặc 75 phút với cường độ mạnh, bạn cũng có thể kết hợp cả hai.

Do vậy, việc lựa chọn đi bộ hay đạp xe đều tốt, chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện và thể trạng của từng người. Bạn nên lắng nghe cơ thể và lựa chọn dựa trên sở thích, mục tiêu của bản thân. Điều quan trọng nhất là cần đảm bảo an toàn cho bản thân và duy trì mục tiêu tập thể dục đều đặn.

Theo lifestyle.znews