Câu hỏi đặt ra liệu tình trạng viêm dạ dày, tá tràng ở trẻ do H.pylori có liên quan đến chứng đau bụng tái diễn không?

Biểu hiện nhiễm H.pylori ở trẻ

Helicobacter pylori (H. pylori) là một trong những tác nhân gây nhiễm khuẩn mạn tính phổ biến nhất trên thế giới, ước tính hiện nay có khoảng phân nửa dân số thế giới nhiễm loại vi khuẩn này. Tuy vậy, tỉ lệ lưu hành của H. pylori không đồng đều giữa các nước. Tại các nước đang phát triển, tỉ lệ nhiễm H.pylori bắt đầu từ rất sớm, ngay từ tuổi sơ sinh và tăng nhanh trong những năm đầu, đặc biệt từ 2 đến 4 tuổi.

Khi nhiễm H.pylori ngay cả người lớn và cả trẻ em đều không có triệu chứng gì cả, khi H.pylori gây viêm dạ dày ở mức có thể nhận thấy bằng mắt thường qua nội soi thì trẻ cũng không có triệu chứng.

Nếu H.pylori gây ra triệu chứng, thì thường đó là triệu chứng của viêm loét dạ dày tá tràng.

- Đối với trẻ em triệu chứng của viêm dạ dày thường là buồn nôn, nôn ói và đau ở vùng bụng trên. Nhưng những triệu chứng này cũng có ở những bệnh lý khác.

- Đối với trẻ lớn biểu hiện của loét dạ dày là cảm giác cồn cào, nóng rát và đau vùng bụng trên, vùng giữa bờ sườn và trên rốn. Đau tăng lên khi đói và giảm đi khi ăn, khi uống sữa hoặc uống các thuốc trị dạ dày.

- Điều đặc biệt, loét dạ dày ở trẻ nhỏ cũng có thể gây chảy máu dạ dày, khi đó trẻ sẽ có biểu hiện như nôn ra máu, đại tiện ra phân đen như bã cà phê. Ở trẻ nhỏ loét có thể không có triệu chứng rõ và khó chẩn đoán. Và các nghiên cứu cho thấy loét dạ dày thường ít gặp ở trẻ nhỏ, nhưng cũng không phải là hiếm gặp. Trên thực tế ghi nhận đã có trẻ 4 tuổi mắc loét dạ dày. Và các giả thiết của các nhà khoa học cho rằng trẻ mắc bệnh viêm loét dạ dày ngày càng tăng lên do chế độ ăn uống và sinh hoạt không khoa học.

Chính vì vậy, khi trẻ bị đau bụng liên tục thì cha mẹ cho rằng có hay không trẻ viêm loét dạ dày do H.pylori. Hay nói cách khác liệu có mối liên hệ giữa viêm loét dạ dày do H.pylori và chứng đau bụng tái diễn ở trẻ hay không?

Ngày nay, có rất nhiều nghiên cứu về vấn đề viêm loét dạ dày do H.pylori ở trẻ và hiện chưa thể kết luận H.pylori có liên quan với chứng đau bụng tái diễn thường gặp ở trẻ. Nhưng ghi nhận cho thấy một số trẻ mắc chứng đau bụng tái diễn có nhiễm H.pylori sẽ hết đau sau khi điều trị H.pylori. Phần lớn trẻ bị chứng đau bụng tái diễn sẽ vẫn tiếp tục triệu chứng dù có điều trị H.pylori.

Đau bụng tái diễn ở trẻ và viêm dạ dày, tá tràng do H.pylori - Ảnh 2.

 

Ngày nay, tỷ lệ trẻ mắc bệnh viêm loét dạ dày ngày càng tăng lên do chế độ ăn uống và sinh hoạt không khoa học.

Chẩn đoán viêm loét dạ dày do H.pylori ở trẻ

Khi trẻ có biểu hiện viêm loét dạ dày do H.pylori, việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào kết quả xét nghiệm. Các bác sĩ sẽ chỉ định trẻ nội soi dạ dày, xét nghiệm máu... ngoài việc tìm H.pylori còn quan sát tìm xem có viêm, loét trong dạ dày hay không. Dựa vào kết quả các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ và đơn thuốc điều trị thích hợp. Trên thực tế khi trẻ có nhiễm H.pylori và có viêm loét dạ dày thì việc phải điều trị H.pylori là cần thiết.

Thuốc điều trị thường được sử dụng là kháng sinh để diệt trừ vi khuẩn H.pylori phối hợp với các thuốc trung hòa acid hoặc ức chế tăng tiết acid dịch vị. Chính vì lẽ đó cha mẹ nên chú ý đến dinh dưỡng cho trẻ để giúp trẻ phục hồi sức khỏe nhanh hơn. Khẩu phần ăn hàng ngày cần có đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng để trẻ bắt kịp đà tăng trưởng.

Cha mẹ cần sử dụng các loại thực phẩm có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày và chống tăng tiết acid dịch vị. Ưu tiên thức ăn giảm tiết acid dịch vị: Mật ong, đường, bánh quy, dầu thực vật; Thức ăn trung hòa acid dịch vị: Sữa, trứng; Thức ăn bọc hút niêm mạc dạ dày, ít mùi vị: Gạo nếp, bột sắn, khoai, bánh mỳ… Chế biến thức ăn nên hấp luộc, nấu chín hầm nhừ, nghiền nát hoặc xay nhuyễn để giảm kích thích tiết dịch vị và được vận chuyển nhanh qua dạ dày. Hạn chế hoặc không sử dụng thức ăn, nước uống gây kích thích niêm mạc dạ dày.

Tóm lại: Viêm loét dạ dày - tá tràng ở trẻ em thường do nhiễm vi khuẩn H.pylori. Đường lây truyền phổ biến là đường miệng - miệng và đường phân - miệng qua người và ruồi nhặng. Vì vậy, để phòng bệnh, ăn uống hợp vệ sinh là khâu quan trọng hàng đầu. Trong gia đình khi có người bị viêm loét dạ dày, tá tràng do H.pylori thì bát, đũa, cốc, chén không nên dùng chung hoặc phải nhúng vào nước đun sôi sau khi đã rửa sạch. Không mớm thức ăn, không ôm hôn trẻ. Ngoài ra, chú ý cho trẻ bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng vào chế độ ăn uống hàng ngày, nâng cao sức đề kháng cho trẻ.

Theo suckhoedoisong.vn