leftcenterrightdel
 Đau cánh tay là biểu hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm như bệnh tim mạch, đau thắt ngực, gãy xương. Ảnh:Orthoexperts

Mọi người thường bỏ qua nhiều biểu hiện đau tay và nghĩ rằng điều đó không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy bị đau cánh tay không rõ nguyên nhân, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh.

Việc phát hiện sớm nguyên nhân các cơn đau này sẽ giúp bạn nhanh chóng điều trị kịp thời.

Dưới đây là 7 bệnh lý nguyên hiểm được cảnh báo từ việc đau tay mà bạn cần hiểu rõ.

Đau thắt ngực

Đau thắt ngực thường xảy ra khi cơ thể gắng sức hoặc căng thẳng (đau thắt ngực ổn định) nhưng cũng thể xảy ra ngay cả khi bạn đang nghỉ ngơi (đau thắt ngực không ổn định).

Nguyên nhân là tim bị thiếu oxy do lượng máu chảy vào tim không đủ, gây đau ở ngực, cánh tay trái.

Chuyên gia tim mạch Adedapo Iluyomade tại Viện Tim mạch & Mạch máu Miami của Baptist Health cho biết cơn đau thắt ngực khiến lồng ngừng như bị áp lực đè lên, gây ra tình trạng khó chịu.

Cơn đau thường chỉ kéo dài trong vài phút. Ngoài đau ở ngực, cánh tay trái, các triệu chứng đau thắt ngực bao gồm:

- Đau hàm, cổ, vai.

- Buồn nôn.

- Đau bụng.

- Hụt hơi.

- Chảy mồ hôi.

Đau thắt ngực thường do bệnh động mạch vành gây nên, ước tính ảnh hưởng 10-18 triệu người tại Mỹ. Bệnh lý này thường xuất hiện ở đàn ông trên 45 tuổi và phụ nữ trên 55 tuổi.

Ngoài bệnh động mạch vành, một số tình trạng làm tăng nguy cơ phát triển cơn đau thắt ngực là:

- Bệnh tiểu đường.

- Huyết áp cao.

- Cholesterol cao.

Nếu gặp phải tình trạng này thường xuyên, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có phương pháp chữa trị kịp thời.

Thay đổi lối sống như tập thể dục, ăn uống lành mạnh, sử dụng thuốc, có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm cường độ của các cơn đau thắt ngực.

Nếu tình trạng đau thắt ngực không biến mất, ngày càng trầm trọng hơn theo thời gian hoặc xuất hiện thêm tình trạng đổ mồ hôi, khó thở, nó có khả năng là các cơn đau tim. Bạn nên tới bệnh viện để được chẩn đoán kịp thời.

leftcenterrightdel
 Đau cánh tay trái có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh đau tim. Ảnh:Thinkstock. 

Đau tim

Đau tim, nhồi máu cơ tim là tình trạng khẩn cấp, lượng máu trong tim không đủ. Nếu không cấp cứu kịp thời, nó sẽ dẫn đến tổn thương tim vĩnh viễn, thậm chí tử vong.

Cũng giống đau thắt ngực, các cơn đau tim có thể gây đau cánh tay trái đột ngột. Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy 17% người được khảo sát bị đau tim sẽ lan dần cơn đau xuống vai, cánh tay trên, cẳng tay.

Các triệu chứng khác của cơn đau tim có thể bao gồm:

- Đau ngực.

- Buồn nôn, khó chịu vùng bụng trên.

- Lo lắng, sợ hãi.

- Đổ mồ hôi, chóng mặt, khó thở.

Đây là những triệu chứng điển hình của cơn đau tim. Tuy nhiên, ở phụ nữ, các dấu hiệu khác cảnh báo đau tim có thể kể đến như đau lưng, vai, cơ thể mệt mỏi.

Trong khi cơn đau thắt ngực thường kéo dài vài phút và thuyên giảm khi nghỉ ngơi, các triệu chứng của cơn đau tim thường kéo dài liên tục trong 10-15 phút.

Các yếu tố rủi ro của cơn đau tim bao gồm:

- Tiền sử sức khỏe gia đình.

- Nam trên 45 tuổi; nữ trên 55 tuổi.

- Huyết áp cao.

- Cholesterol cao.

- Bệnh tiểu đường.

- Hút thuốc lá.

- Lạm dụng rượu, ma túy.

- Béo phì

Nếu xuất hiện các triệu chứng này, bạn nên tới bệnh viện để được chẩn đoán chính xác.

leftcenterrightdel
 Bong gân, căng cơ là bệnh lý gặp phải khi cơ thể vận động quá mức gây ra. Ảnh:Shutterstock. 

Bong gân, căng cơ

Bong gân, căng cơ thường do chấn thương thể thao, ngã, va đập, hoạt động quá mức gây ra. Đây là tình trạng tổn thương dây chằng, mô nối các khớp xương lại với nhau.

Căng cơ là tình trạng các cơ hoặc gân bị kéo căng hoặc rách.

Khi bị bong gân hay căng cơ, bạn sẽ đều cảm thấy đau, sưng và viêm. Căng cơ cũng có xu hướng gây co thắt, chuột rút, khó cử động các khớp liên quan.

Bong gân và căng cơ nhẹ có thể được điều trị tại nhà bằng cách nghỉ ngơi, chườm đá, băng ép, nghỉ ngơi, kê cao cổ tay.

Bác sĩ Robert Anderson tại Summit cho biết: "Nhiều trường hợp bong gân hoặc căng cơ chỉ cần vài tuần để hồi phục. Tuy nhiên, nếu cơn đau không giảm đáng kể sau 3-4 tuần, bạn nên nhờ bác sĩ thăm khám”.

Gãy xương

Gãy xương phổ biến ở mọi lứa tuổi, nguyên nhân là tai nạn, chấn thương khi chơi thể thao. Khi có tuổi, xương của bạn giòn hơn, dễ gãy hơn. Bên cạnh đó, những yếu tố khác khiến bạn bị gãy xương bao gồm việc trải qua quá trình trị liệu, chế độ ăn uống kém, mắc bệnh mạn tính như loãng xương.

Xương bị gãy thường gây đau dữ dội, sưng tấy, bầm tím, tê, khó di chuyển.

Nếu bị gãy tay, bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Những chỗ gãy đơn giản có thể được cố định và sau đó được điều trị bằng cách nghỉ ngơi, chườm đá, băng nén. Tuy nhiên, chỗ gãy nghiêm trọng hơn có thể cần phải bó bột hoặc phẫu thuật.

leftcenterrightdel
 Tiền sử gia đình, hoạt động quá mức là một trong số những lý do khiến các vùng quanh vai của bạn bị đau, tê bì. Ảnh:OACM. 

Đau vùng quanh vai

Đau vùng quanh vai là triệu chứng thường gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trên thực tế, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng không cử động được do hội chứng chèn ép dưới mỏm cùng vai. Theo thống kê, hàng năm, khoảng 2 triệu người gặp phải tình trạng này.

Các nguyên nhân dẫn đến triệu chứng đau vùng quanh vai có thể là chèn ép thần kinh vùng cột sống cổ, tổn thương trực tiếp của khớp vai như thoái hóa khớp vai hay hoại tử chỏm xương cánh tay vô khuẩn, hội chứng chèn ép khoang dưới mỏm cùng vai.

Trong đó, hội chứng chèn ép dưới mỏm cùng vai là nguyên nhân tương đối thường gặp, đặc biệt ở bệnh nhân tuổi trung niên. Theo ước tính, có đến 15-30% người trong độ tuổi 60-70 gặp chấn thương ở vai, 36-62% người trên 80 tuổi gặp tình trạng này.

Bác sĩ Anderson cho biết triệu chứng chính của chấn thương quanh vai là đau cánh tay, đặc biệt khi dang cánh tay qua đầu. Bạn cũng có thể bị cứng, tê ở vai và cánh tay cùng với cơn đau tăng lên vào ban đêm.

Bạn có nguy cơ cao bị chấn thương xung quanh vai nếu:

- Tiền sử sức khỏe gia đình mắc các vấn đề về vai.

- Bạn thường xuyên tham gia các hoạt động như bơi lội, đánh búa, quần vợt, cử tạ...

Ở giai đoạn đầu cơn đau, người bệnh có thể được điều trị bằng cách giảm đau, kháng viêm. Các phương pháp thường sử dụng là nghỉ ngơi, chườm đá phối hợp với thuốc kháng viêm như aspirin, naproxen, diclofenac...

Khi đỡ đau, bệnh nhân sẽ tiến hành các bài tập vật lý trị liệu. Nếu các biện pháp trên không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể tiêm steroid trực tiếp vào khoang dưới mỏm cùng.

leftcenterrightdel
 Để xử lý tình trạng viêm gân, bạn có thể nghỉ ngơi, chườm đá hoặc sử dụng vật lý trị liệu, tùy thuộc vào khuyến nghị của chuyên gia. 

Viêm gân

Viêm gân xảy ra khi gân bị viêm hoặc kích ứng do sử dụng quá mức, xảy ra ở vai, khuỷu tay và cổ tay.

Tương tự đau xung quanh vai, viêm gân có thể xảy ra nếu bạn làm việc hoặc chơi thể thao quá mức.

Một số loại viêm gân cánh tay bao gồm:

- Khuỷu tay quần vợt, gây đau ở bên ngoài khuỷu tay, các cơ duỗi cẳng tay.

- Khuỷu tay của người chơi gôn, gây đau ở bên trong khuỷu tay và lên các cơ gấp của cẳng tay.

- Viêm gân cơ nhị đầu, hoặc viêm gân cơ nhị đầu, gây đau ở phía trước vai nơi gân cơ nhị đầu nằm trong rãnh của xương cánh tay.

Bạn có thể điều trị bệnh lý này bằng cách nghỉ ngơi, chườm đá, băng ép. Phương pháp vật lý trị liệu, tiêm steroid sẽ khuyến cáo dùng với người mắc nghiêm trọng hơn và phẫu thuật cho những trường hợp nghiêm trọng nhất.

leftcenterrightdel
Các dây thần kinh bị chèn ép có thể gây ra cơn đau xuống cánh tay, bàn tay, ngón tay. Ảnh:Anatomiyasna.  

Dây thần kinh bị chèn ép

Nếu các dây thần kinh ở cổ bị nén hoặc bị kích thích, nó có thể gây ra cơn đau lan xuống cánh tay, được gọi là bệnh lý rễ thần kinh.

Bệnh lý rễ thần kinh có thể do chấn thương hoặc thoái hóa cột sống khi bạn già đi. Nó xảy ra khi các đĩa đệm trong cột sống cứng lại, phẳng ra, tạo ra ít không gian hơn cho các dây thần kinh cột sống.

Tùy thuộc vào dây thần kinh cột sống nào bị ảnh hưởng, bạn có thể bị đau nhói, nóng rát, ngứa, tê ở một vùng cụ thể trên cánh tay.

Các dây thần kinh trên cánh tay cũng có thể bị nén hoặc chèn ép, gây ra hội chứng ống cổ tay. Hội chứng ống cổ tay là tình trạng đau và tê bì của nhiều ngón tay và bàn tay, đôi khi có thể lan rộng lên cẳng tay hay cánh tay, do dây thần kinh giữa bị chèn ép ở cổ tay gây ra.

Người bệnh mắc những dấu hiệu trên cần điều trị càng sớm càng tốt. Để cho tay được nghỉ thường xuyên hơn, tránh các hoạt động làm xấu thêm triệu chứng và chườm đá để giảm phù.

Biện pháp khác là uống các thuốc kháng viêm không steroid, các corticosteroid tiêm tại chỗ hay dùng thuốc uống.

Các phương pháp điều trị vật lý khác bao gồm bấm nắn cột sống, tập yoga, xoa bóp, điều trị đau bằng laser, các bài tập trượt gân, các bài tập cổ tay…

Khi các phương pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả hay khi tổn thương chèn ép thần kinh ở mức độ nặng, teo cơ nhiều, bạn có thể phải mổ nội soi hoặc mổ mở.

Theo zingnews