1. Nguyên nhân đau cổ vai gáy

Nguyên nhân hay gặp thường do tư thế sinh hoạt và làm việc không đúng hoặc các vấn đề cơ xương: thoái hóa cột sống cổ, viêm khớp hay chấn thương. Để giảm các triệu chứng khó chịu, các bài tập giãn cơ và điều chỉnh tư thế và vật lý trị liệu sẽ giúp giảm đau và cải thiện sức khỏe.

Đối tượng dễ mắc bệnh đau cổ vai gáy thường gặp:

  • Người làm việc văn phòng: Ngồi lâu trong tư thế không đúng cũng như sử dụng máy tính, laptop, điện thoại di động trong thời gian dài có thể gây ra căng thẳng và đau cổ vai gáy.
  • Người già: Theo tuổi tác, xương khớp dần thoái hóa, dẫn đến tình trạng đau mỏi.
  • Người thường xuyên thực hiện các động tác lặp đi lặp lại: Các hoạt động như nâng đồ vật nặng, vận động như bơi lặn, chơi tennis, hay những nghề nghiệp đòi hỏi động tác lặp đi lặp lại như cắt tóc, nấu nướng, có thể làm tăng nguy cơ các vi chấn thương cho vùng cơ xương khớp dẫn đến đau cổ vai gáy.
  • Người có vấn đề về tư thế ngủ: Tư thế ngủ không đúng hoặc sử dụng gối không phù hợp cũng có thể gây ra đau cổ vai gáy.
  • Người có vấn đề về cơ bắp và xương khớp: Những người có các bệnh lý liên quan đến cơ, xương khớp, chấn thương hoặc viêm sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi đau cổ vai gáy.
Đau cổ vai gáy: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và cách điều trị- Ảnh 1.

Dân văn phòng là một trong những đối tượng dễ bị đau cổ vai gáy.

Mỗi nguyên nhân cần được khám xác định và tư vấn từ bác sĩ để có hướng can thiệp điều trị phù hợp. Nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, tình trạng đau cổ vai gáy có thể trở nên nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng đến khả năng vận động và hoạt động hàng ngày của người bệnh.

2. Triệu chứng đau cổ vai gáy

Các triệu chứng của đau cổ vai gáy có thể bao gồm đau cơ, mệt mỏi, cứng cổ vai gáy, hạn chế trong các động tác xoay, nghiêng cổ, tê bì, và đau có thể lan ra vai và lưng. Đau cổ vai gáy cũng có thể gây ra đau đầu và chóng mặt:

  • Đau và cứng cơ cổ vai gáy: Cảm giác đau thường xuất hiện ở vùng cổ, vai và gáy, có thể lan rộng xuống cánh tay và ngón tay. Cổ vai gáy bị cứng và khó linh hoạt.
  • Đau khi vận động: Đau cổ vai gáy thường tăng lên khi thực hiện các hoạt động vận động như nghiêng đầu, quay cổ, nâng vật nặng, hoặc thực hiện các động tác cử động tay và cổ.
  • Giảm khả năng xoay cổ: Người bệnh có thể cảm thấy khó khăn khi xoay cổ sang hai bên.
  • Đau khi nằm và ngủ: Đau cổ vai gáy thường cảm thấy nặng nề hơn khi nằm xuống, đặc biệt là khi sử dụng gối không đúng hoặc tư thế ngủ không đúng.
  • Cảm giác tê, nhức hoặc co cứng: Có thể có cảm giác tê, nhức hoặc co cứng ở vùng cổ vai gáy, và thậm chí có thể lan rộng xuống tay và ngón tay.
  • Đau sau khi ngồi lâu hoặc làm việc trên máy tính: Ngồi lâu hoặc làm việc trên máy tính mà không thay đổi tư thế có thể gây ra đau cổ vai gáy.
  • Mất cân bằng cơ và cảm giác mệt mỏi: Cảm giác mệt mỏi và mất cân bằng cơ cũng có thể đi kèm với đau cổ vai gáy.
Đau cổ vai gáy: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và cách điều trị- Ảnh 2.

PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Kim Liên - Trưởng khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức).

3. Đau cổ vai gáy có lây không?

Đau cổ vai gáy không phải là bệnh lây truyền.

4. Phòng ngừa đau cổ vai gáy

Để phòng ngừa đau cổ vai gáy, các đối tượng có nguy cơ cao cần hạn chế các công việc ảnh hưởng đến vận động của vùng cổ vai gáy. Bên cạnh đó, mọi người cần tập luyện, duy trì tư thế làm việc, tư thế ngủ đúng. Bên cạnh đó, mọi người có thể lựa chọn một số bài tập vận động trong lúc nghỉ ngơi ở phần điều trị dưới đây.

5. Điều trị đau cổ vai gáy

Người bệnh có các triệu chứng như trên cần đến khám và tư vấn bởi chuyên gia y tế để lựa chọn phương án điều trị phù hợp:

  • Nghỉ ngơi và giảm công việc ảnh hưởng đến vận động vùng cổ vai gáy: Tránh vận động quá mức và nghỉ ngơi khi cảm thấy đau. Hạn chế việc sử dụng điện thoại di động và máy tính trong thời gian quá dài.
  • Duy trì tư thế ngủ đúng: Sử dụng gối và đệm phù hợp để giữ cho cổ và vai thẳng khi ngủ. Nên nằm ngửa hoặc nằm nghiêng khi ngủ, tránh tư thế nằm sấp vì sẽ gây áp lực cho vùng cổ vai gáy. Lựa chọn gối kê có độ cao, độ mềm phù hợp, tốt nhất là có thể giữ đầu ngang với cổ. Chọn nệm có độ đàn hồi tốt để nâng đỡ cơ thể, tránh nằm nệm quá mềm vì sẽ khiến tình trạng đau vai gáy trở nên trầm trọng hơn.
  • Tập luyện và tư thế đúng khi làm việc: Thực hiện các bài tập tăng cường cơ cổ vai gáy và lưu ý đến tư thế làm việc, ngồi và đứng đúng cách. Các bài tập giãn cơ vùng cổ có tác dụng nới lỏng các cơ bị căng cứng, giúp giảm đau và cải thiện khả năng vận động linh hoạt để tránh tái phát.

Một số bài tập cơ bản người bệnh có thể tập luyện trong quãng thời gian nghỉ ngơi:

Bài 1: Đưa cằm về phía trước rồi từ từ kéo về phía cổ họng và hơi chếch xuống, sau đó giữ nguyên cằm song song với sàn nhà, thực hiện tối đa 10 lần mỗi giờ.

Bài 2: Đứng thẳng với tư thế hơi uốn cong lưng trên, sau đó cuộn vai lên, đưa xuống từ từ theo vòng tròn, thực hiện lặp lại động tác 10 lần và đổi hướng, xoay vai về phía trước 10 lần.

Đau cổ vai gáy: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và cách điều trị- Ảnh 3.

Nếu đau cổ vai gáy cảm thấy khó chịu, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ.

Công việc văn phòng liên tục ngồi một chỗ, thao tác với máy tính trong nhiều giờ cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến đau mỏi vai gáy. Người bệnh cần điều chỉnh ghế ở tư thế thoải mái, hai chân đặt lên sàn và giữ đầu gối thấp hơn hông. Tay đặt ngang với bàn làm việc để giảm áp lực đè nén lên cột sống, gân, cơ, khớp vùng cổ vai gáy.

  • Uống đủ nước và ăn đủ chất dinh dưỡng: Một chế độ dinh dưỡng hợp lý và đủ nước sẽ thúc đẩy quá trình phục hồi các tổn thương diễn ra thuận lợi hơn. Đặc biệt bổ sung các loại trái cây, rau củ quả giàu thành phần Vitamin C, vitamin A, vitamin D và canxi; protein… Ngoài ra, uống đủ nước cũng giúp thúc đẩy lưu thông máu diễn ra thuận lợi đồng thời cấp nước cho đĩa đệm chắc khỏe và dẻo dai. Mỗi ngày, người bệnh cần bổ sung đủ từ 2 – 2,5 lít nước để hỗ trợ cải thiện đau nhức hiệu quả.
  • Sử dụng thuốc giảm đau, giãn cơ: Nếu đau cổ vai gáy cảm thấy khó chịu, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Điều trị vật lý trị liệu và phục hồi chức năng: Vật lý trị liệu cũng là giải pháp điều trị hữu ích đối với tình trạng đau mỏi cổ vai gáy thường gặp. Các liệu pháp vật lý như parafin, hồng ngoại, điện xung, siêu âm, …giúp giảm đau, giãn cơ, tăng cương dinh dưỡng tại chỗ. Ngoài ra, xoa bóp nhẹ nhàng tại chỗ và tập vận động với các chuyên gia giúp giãn cơ, tăng cường tầm vận động các khớp, giảm đau và giảm nguy cơ tái phát triệu chứng.

Theo suckhoedoisong.vn